Thế giới

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á lung lay: Người dân hạn chế chi tiêu, mua quần áo mới cũng phải ‘nâng lên đặt xuống’

Chung Khanh 17/02/2025 13:31

Tầng lớp trung lưu, vốn là trụ cột của nền kinh tế Indonesia, đang ngày càng suy giảm, điều này có thể cản trở kế hoạch đầy tham vọng của Tổng thống Prabowo Subianto.

Tầng lớp trung lưu suy giảm

Pizza Hut Indonesia từng hy vọng rằng tầng lớp trung lưu của đất nước sẽ phát triển mạnh, kéo theo nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Tuy nhiên, việc công ty này phải đóng cửa 20 cửa hàng và cắt giảm nhân sự cho thấy tình hình thực tế không như mong đợi.

Đây cũng là một lời cảnh báo cho các doanh nghiệp khác đang kỳ vọng vào sự bùng nổ tiêu dùng tại Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á.

“Chúng tôi nhận thấy người tiêu dùng Indonesia đang thay đổi thói quen chi tiêu, họ trở nên thận trọng hơn, đặc biệt là trong tầng lớp trung lưu”, ông Boy Lukito, Giám đốc điều hành Sarimelati Kencana, công ty nhượng quyền Pizza Hut tại Indonesia cho biết.

Không chỉ Pizza Hut, nhiều doanh nghiệp khác, từ thực phẩm đến ô tô, cũng gặp khó khăn khi tầng lớp trung lưu ngày càng thu hẹp. Theo số liệu của Chính phủ, trong sáu năm qua, số người thuộc nhóm này đã giảm 20%. Đây là một thách thức lớn đối với kế hoạch tăng trưởng của nền kinh tế vốn phụ thuộc vào tài nguyên thiên nhiên, đồng thời là lời cảnh báo cho các nhà đầu tư tiềm năng như Apple.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng nguyên nhân khiến tầng lớp trung lưu giảm sút là do thiếu việc làm ổn định, thiếu đầu tư vào các ngành có thu nhập cao và sự phụ thuộc quá nhiều vào ngành khai thác tài nguyên – lĩnh vực thường tạo ra những công việc lương thấp. Tình trạng này càng trở nên nghiêm trọng hơn sau đại dịch Covid-19.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á lung lay: Người dân hạn chế chi tiêu, mua quần áo mới cũng phải ‘nâng lên đặt xuống’ - ảnh 1
Tầng lớp trung lưu, vốn là trụ cột của nền kinh tế Indonesia, đang ngày càng suy giảm

Tầng lớp trung lưu, vốn là trụ cột của nền kinh tế Indonesia, đang ngày càng suy yếu, điều này có thể cản trở kế hoạch đầy tham vọng của Tổng thống Prabowo Subianto.

Ông đặt mục tiêu đưa tăng trưởng GDP hàng năm lên 8% trong 5 năm tới (từ mức 5% hiện nay) và biến Indonesia thành quốc gia phát triển vào năm 2045. Tuy nhiên, nếu tầng lớp trung lưu tiếp tục thu hẹp, Indonesia có thể gặp khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài – yếu tố quan trọng để đạt được các mục tiêu này.

“Nếu Indonesia không thực hiện các cải cách cơ cấu để hỗ trợ tầng lớp trung lưu thì việc đạt được mức tăng trưởng 8% vào năm 2045 sẽ rất khó khăn, chứ chưa nói đến trong 5 năm tới”, ông Teuku Riefky, nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội nhận định.

Theo số liệu của Chính phủ, đến tháng 3/2024, Indonesia chỉ còn 47,9 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu, giảm mạnh so với con số 60 triệu người vào năm 2018. Ở Indonesia, những người chi tiêu từ 2 triệu đến 9,9 triệu rupiah mỗi tháng được xếp vào tầng lớp trung lưu. Trước đó, trong giai đoạn 2014 – 2018, nhóm này đã tăng thêm 21 triệu người.

Tỷ lệ người thuộc tầng lớp trung lưu trong tổng dân số đã giảm từ 23% vào năm 2018 xuống còn 17% vào năm 2023. Đồng thời, số người thuộc nhóm “trung lưu tiềm năng” và nhóm “dễ bị tổn thương” lại gia tăng, cho thấy dấu hiệu đảo ngược của tiến bộ kinh tế.

Trong khi đó, tỷ lệ người dân có mức lương thấp và không ổn định, đã tăng từ 57% vào năm 2018 lên 59% vào năm 2023.

Mặc dù Chính phủ đã thực hiện một số cải cách, nhưng yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa, hạn chế nhập khẩu một số nguyên liệu thô và các thay đổi chính sách không nhất quán đã cản trở đầu tư nước ngoài.

Chính phủ Indonesia đã triển khai một số biện pháp hỗ trợ phúc lợi như trợ cấp tiền mặt, nhưng điều này chỉ giúp cải thiện cuộc sống cho 40% dân số nghèo nhất, thay vì tạo ra việc làm bền vững.

“Giải pháp không chỉ đơn thuần là cung cấp trợ cấp, mà là tạo ra nhiều việc làm trong khu vực chính thức. Chúng ta cần thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao năng suất lao động, giảm thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng và tập trung FDI vào các ngành định hướng xuất khẩu”, ông Chatib nhấn mạnh.

Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á lung lay: Người dân hạn chế chi tiêu, mua quần áo mới cũng phải ‘nâng lên đặt xuống’ - ảnh 2
Indonesia đã trải qua năm tháng liên tiếp giảm phát trong năm ngoái

Tác động tiêu cực

Hiện tại, có nhiều dấu hiệu cho thấy sự suy giảm của tầng lớp trung lưu đang tác động tiêu cực đến nền kinh tế.

Chi tiêu tiêu dùng đã giảm trong những tháng gần đây, và Indonesia đã trải qua năm tháng liên tiếp giảm phát trong năm ngoái – mặc dù giá cả hiện đã tăng trở lại. Ngân hàng trung ương Indonesia gần đây đã hạ dự báo tăng trưởng cho năm 2025 và bất ngờ cắt giảm lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.

Hiện nay, tầng lớp trung lưu có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn và hạn chế chi tiêu”, ông Budihardjo Iduansjah, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ và Thuê mặt bằng Indonesia, nhận định. Lượng khách đến trung tâm thương mại giảm và các nhà bán lẻ gặp khó khăn trong việc bán hàng nếu tăng giá.

Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Indonesia cũng cho biết sức mua yếu là nguyên nhân khiến doanh số bán ô tô giảm 14% vào năm ngoái.

Trong bối cảnh này, Pizza Hut Indonesia đang tìm cách thu hút nhiều khách hàng hơn thông qua các chương trình khuyến mãi, mở rộng thực đơn và tổ chức sự kiện như đám cưới, hòa nhạc.

Tuy nhiên, tâm lý thận trọng trong chi tiêu vẫn bao trùm. “Tôi chỉ mua quần áo mới khi đồ cũ không thể mặc được nữa. Tôi sẽ ưu tiên tiết kiệm và những nhu cầu thiết yếu hơn”, Dini, một công chức Indonesia chia sẻ.

Tham khảo FT

>> Nền kinh tế lớn nhất châu Á 'lung lay': Khủng hoảng bất động sản bước vào 'giai đoạn nguy hiểm', dòng vốn nước ngoài có nguy cơ tháo chạy

Gia tộc người Hoa giàu nhất thế giới: Bí ẩn đằng sau khối tài sản 47 tỷ USD tại Indonesia

Chuyên gia kinh tế Raymond Mallon: Việt Nam sở hữu ‘chìa khóa vàng’ để thắng lớn trong cuộc đua FDI công nghệ cao, vượt trội Thái Lan, Indonesia

Theo thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/nen-kinh-te-lon-nhat-dong-nam-a-lung-lay-nguoi-dan-han-che-chi-tieu-mua-quan-ao-moi-cung-phai-nang-len-dat-xuong-136934.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á lung lay: Người dân hạn chế chi tiêu, mua quần áo mới cũng phải ‘nâng lên đặt xuống’
    POWERED BY ONECMS & INTECH