Nếu sáp nhập, đô thị đặc biệt của Việt Nam có thể sở hữu 4 sân bay hiện đại
Nếu như sáp nhập, dự kiến sẽ hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương và TP. HCM; lấy tên là TP. HCM, địa phương sẽ sở hữu đến 4 sân bay hiện đại.
Mới đây, Nghị quyết số 60 của Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương khóa 13, Trung ương đã đồng ý số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, thành phố (28 tỉnh và 6 thành phố trực thuộc Trung ương).
Dự kiến sẽ hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương vào TP. HCM, lấy lên là TP. HCM và trung tâm chính trị - hành chính đặt tại TP. HCM hiện nay.
Thông tin trên báo Vietnamnet cho biết, UBND các phường tại TP. Thủ Đức, TP. HCM đã bắt đầu lấy ý kiến của người dân về phương án sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên cũng như dân số tỉnh Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu vào TP. HCM, thành lập TP. HCM mới.
>> TP sụt lún nhanh nhất vùng ĐBSCL dự kiến chỉ còn 32 xã/phường trên bản đồ hành chính

TP. HCM đang được đánh giá là nền kinh tế "đầu tàu" của cả nước sở hữu hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông cơ bản và hiện đại.
Trong đó phải kể đến cảng hàng không lớn bậc nhất Việt Nam hiện nay là Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Thời gian tới, sau khi Nhà ga mới T3 với tổng vốn đầu tư gần 11.000 tỷ đồng của sân bay Tân Sơn Nhất đi vào hoạt động, sân bay này có thể tăng thêm công suất đón tiễn khách.
Từ ngày 28/4 đến 4/5, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất sẽ thử nghiệm thêm đường bay TP. HCM - Hà Nội, đây là một trong những tuyến bay nội địa nhộn nhịp nhất cả nước.
Với công suất thiết kế 20 triệu khách/năm, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất sẽ đảm nhận 80% lượng khách nội địa, góp phần "chia lửa" giao thông cho nhà ga T1 vốn đã trong tình trạng quá tải nghiêm trong suốt nhiều năm.
Số lượng sân bay tại TP. HCM có thể tăng lên sau sáp nhập
Trong bối cảnh mở rộng địa giới hành chính, TP HCM nhiều khả năng sẽ gia tăng số lượng sân bay, cảng hàng không kết nối với các địa phương lân cận.
Hiện nay, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có sân bay Vũng Tàu nhưng chủ yếu phục vụ hoạt động ngành dầu khí, không khai thác các chuyến bay thương mại thường lệ. Trong khi đó, sân bay Côn Đảo – đặt tại huyện đảo cùng tên đang được đề xuất đầu tư nâng cấp theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Tháng 12/2024, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã kiến nghị Bộ Xây dựng nghiên cứu quy hoạch, nâng cấp sân bay này đạt tiêu chuẩn cảng hàng không quốc tế. Kiến nghị đã được Bộ thống nhất.
Dự án nâng cấp toàn diện bao gồm hạ tầng khu bay, các công trình điều hành bay, khu hàng không dân dụng và hệ thống dịch vụ hàng không. Mục tiêu là đưa sân bay Côn Đảo đủ khả năng tiếp nhận các loại máy bay tầm trung và thân rộng như A320, A321, Airbus A350 và Boeing 787.
Bên cạnh đó, vào tháng 3/2025, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiếp tục đề xuất cập nhật quy hoạch tuyến cao tốc kết nối khu vực Hồ Tràm (huyện Xuyên Mộc) đến Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Đồng thời, địa phương cũng kiến nghị loại sân bay Gò Găng khỏi Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm tập trung nguồn lực vào các dự án trọng điểm.
Tại tỉnh Bình Dương, theo quy hoạch phát triển đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, địa phương này đã dành quỹ đất dự trữ tại huyện Dầu Tiếng để nghiên cứu xây dựng sân bay Dầu Tiếng.
Trước đó, Bình Dương đã có chủ trương quy hoạch sân bay quốc phòng tại xã Định An, trên diện tích khoảng 50 ha. Hiện địa phương đề xuất mở rộng quy mô lên đến 200 ha để xây dựng một sân bay lưỡng dụng.
Sân bay Dầu Tiếng dự kiến phục vụ mục tiêu kép: Vừa đảm bảo khả năng triển khai lực lượng không quân trong các tình huống cần thiết, vừa đóng vai trò sân bay dự phòng cho Tân Sơn Nhất khi quá tải. Nếu được triển khai, sân bay này sẽ tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế không chỉ cho Bình Dương mà còn cả các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và vùng phụ cận.