Cục Đường bộ đề xuất thu phí 5 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư
Dự kiến, sau khi trừ chi phí tổ chức thu, số phí thu được từ 5 tuyến cao tốc trên sẽ nộp ngân sách khoảng 1.700 tỷ đồng/năm.
Cục Đường bộ Việt Nam vừa trình Bộ Xây dựng đề án thu phí trên 5 tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư gồm Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây.
Theo Cục Đường bộ, 4 tuyến đầu chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu theo Luật Đường bộ, như thiếu làn dừng khẩn cấp hoặc trạm dừng nghỉ. Do đó, cơ quan này đề xuất áp dụng mức phí thấp nhất là 900 đồng/km đối với xe dưới 12 chỗ ngồi và xe tải dưới 2 tấn.

Riêng tuyến Phan Thiết - Dầu Giây đã đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về điều kiện thu phí, như có 4 làn xe và làn dừng khẩn cấp liên tục, nên được đề xuất mức thu thấp nhất là 1.300 đồng/km.
>> Hà Nội sắp có thêm cầu vượt gần 900m tại nút giao 'nóng' ở khu vực cửa ngõ phía Tây
Dự kiến, sau khi trừ chi phí tổ chức thu, số phí thu được từ 5 tuyến cao tốc trên sẽ nộp ngân sách khoảng 1.700 tỷ đồng/năm.
Trước đó, Cục Đường bộ đã xây dựng hai phương án thu phí: mức 1 dành cho các tuyến cao tốc hoàn thiện đạt chuẩn; mức 2 áp dụng cho các tuyến chưa đạt chuẩn về hạ tầng phụ trợ như đường gom, trạm nghỉ, làn dừng khẩn cấp…
Các phương tiện tham gia giao thông sẽ được chia làm 5 nhóm để áp dụng mức phí cụ thể:

Nhóm 1: Xe dưới 12 chỗ, xe tải dưới 2 tấn, xe buýt công cộng
Nhóm 2: Xe 12-30 chỗ, xe tải 2-4 tấn
Nhóm 3: Xe trên 31 chỗ, xe tải 4-10 tấn
Nhóm 4: Xe tải 10-18 tấn, container dưới 40 feet
Nhóm 5: Xe tải từ 18 tấn trở lên, container từ 40 feet trở lên
Về thời hạn thu phí, theo Thông tư số 23/2023 của Bộ Tài chính, thời gian khấu hao các thiết bị phục vụ thu phí dao động từ 5-8 năm.
Trên cơ sở đó, Cục Đường bộ đề xuất thời gian khai thác là 7 năm. Cục sẽ chịu trách nhiệm quản lý, thu - nộp - sử dụng phí đường bộ cao tốc, đồng thời giám sát hoạt động và doanh thu của đơn vị vận hành, đảm bảo thu đúng, thu đủ.
Được biết cả nước có 12 tuyến cao tốc do Nhà nước làm chủ đầu tư và thuộc phạm vi quản lý của Bộ Xây dựng. Ngoài 5 tuyến đang đề xuất thu phí, còn 7 tuyến khác đã đưa vào khai thác nhưng chưa đủ điều kiện thu phí, gồm: Hà Nội - Thái Nguyên, Lào Cai - Kim Thành, Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Túy Loan, TP. HCM - Trung Lương. Cục Đường bộ cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu và lập đề án thu phí đối với các tuyến này trong giai đoạn tiếp theo.
>> Thành phố đảo đầu tiên của Việt Nam sẽ được tách thành hai đặc khu độc lập