Ngắm những cây cầu là nhân chứng lịch sử của mảnh đất Hà Thành
Những cây cầu bắc qua sông Hồng mang dấu ấn Thăng Long, là chất kết nối trung tâm Hà Nội và các vùng ngoại thành và là biểu tượng của mới của Thủ đô Hà Nội.
Hà Nội không chỉ mang nét đẹp cổ xưa với những danh lam thắng cảnh đi vào lịch sử như Văn Miếu Quốc Tử Giám, hồ Hoàn Kiếm, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh... mà còn được biết đến với những cây cầu cầu giữ vai trò trọng yếu của Thủ Đô. Những cây cầu này mang hình dáng và có những đóng góp, ý nghĩa khác nhau cho Thủ đô Hà Nội.
Ngoài yếu tố hình thức, xây dựng theo kết cấu độc đáo với nét riêng không lẫn vào đâu được, những cây cầu ấy không chỉ giữ vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông cửa ngõ của Hà Nội mà còn mang dấu ấn lịch sử của Thủ Đô.
Cầu Long Biên
Được người Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20 trong cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất (1897-1914), cầu Long Biên đã trở thành biểu tượng lịch sử chứng kiến bao đổi thay của Thủ đô Hà Nội.
Khi mới xây dựng, cầu chủ yếu dành cho xe lửa và hai bên có đường cho người đi bộ, thưa thớt vài loại xe thô sơ, chủ yếu là xe tay kéo. Từ năm 1920 trở đi, khi ô tô du nhập vào Việt Nam và phổ biến hơn thì hai bên đường mới được mở rộng.
Năm 1897, dự án xây dựng cầu Long Biên đã được Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer thông qua với mục đích nâng cao cơ sở hạ tầng và cần thiết cho công cuộc khai thác thuộc địa của Pháp. Năm 1898, Toàn quyền Đông Dương đã chọn công ty Daydé & Pille làm nhà thầu chính trong việc thiết kế và thi công cầu với số tiền chi tiêu cho phép là 5.900.00 Franc. Tuy nhiên, trên thực tế, tổng số tiền chi phí cho công trình lớn nhất Đông Dương này là 6.200.000 Franc.
Việc cho xây dựng cầu Long Biên còn có ý nghĩa giúp lưu thông hàng hóa dễ dàng từ trung tâm đồng bằng Bắc Bộ đến Hải Phòng và quay vào Hà Nội. Ngày 13/9/1889, cầu chính thức được khởi công xây dựng bên bờ tả ngạn sông Cái và được công ty Daydé & Pille thiết kế theo kiểu có rầm chìa.
Cầu Long Biên đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Điển hình là 1954, cây cầu đứng đó chứng kiến niềm hân hoan trong biển cờ hoa của dân tộc mừng ngày giải phóng thủ đô. Và cứ thế 21 năm sau, cầu Long Biên lại một lần nữa chứng kiến miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất. Không phải là một cây cầu vô tri vô giác, cầu Long Biên như thể một nhân chứng lịch sử ghi lại tất cả hành trình đấu tranh giải phóng của nước ta.
Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên nằm bắc ngang qua sông Hồng, nối hai quận Long Biên và Hoàn Kiếm của thành phố Hà Nội. Bên cạnh đó, cầu Long Biên còn được xem là một chứng tích lịch sử quan trọng đã chứng kiến những thăng trầm của Hà Nội qua cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Đến nay, cầu Long Biên cũng đã có vài hạng mục xuống cấp, tuy nhiên các phương tiện giao thông như tàu hoả, xe máy, xe đạp, thậm chí người đi bộ hay du khách nước ngoài đi tham quan du lịch vẫn có thể lưu thông trên cầu. Các phương tiện khác như ô tô, xe bus... sẽ sử dụng cầu Chương Dương để di chuyển qua địa bàn Gia Lâm.
Cầu Chương Dương
Cầu Chương Dương là cây cầu huyết mạch nơi cửa ngõ phía Đông của Hà Nội, kết nối đôi bờ sông Hồng. Trong suốt hơn 3 thập kỷ qua, cây cầu là một chứng nhân lịch sử trong quá trình đổi mới đi lên của đất nước, là một phần lịch sử của Thủ đô Hà Nội.
Cầu Chương Dương có chiều dài 1.230m, gồm 21 nhịp, trong đó 11 nhịp thép, 10 nhịp bê tông. Cầu chia làm 4 làn xe chạy, ở giữa có phần cánh gà mỗi bên rộng 5m, phía ngoài cùng có làn đường dành cho xe máy rộng 1,5m. Ban đầu, cầu Chương Dương được xây dựng trên ý tưởng thiết kế là cầu treo với 3 nhịp chính vượt sông. Để làm được cầu này, điều quan trọng nhất là phải đóng được cọc của các trụ nhịp chính xuống sông Hồng ở độ sâu khoảng 60m.
Lý thuyết là vậy, nhưng lúc đó không có búa lớn có đủ năng lực xung kích để đóng cọc xuống cao độ yêu cầu. Yếu tố quan trọng nữa khi xây dựng cầu treo là cáp chủ để thi công từ bờ Nam sang bờ Bắc, lại không có. Trước tình hình đó, Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải đã triệu tập một cuộc họp và ông quyết định chuyển phương án làm cầu Chương Dương từ cầu treo thành cầu cứng.
Đây là cây cầu lớn lần đầu tiên được thiết kế và thi công tại Việt Nam không cần có sự trợ giúp kĩ thuật của các kỹ sư nước ngoài nối trung tâm quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên. Cây cầu này được xây dựng một cách nhanh chóng bằng các vật liệu “đầu thừa đuôi thẹo” trong sự dở dang của cầu Thăng Long.
Nằm ở vị trí đắc địa kết nối trung tâm quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên và các vùng lân cận, từ năm 1985 đến nay, cầu Chương Dương đóng vai trò quan trọng đối với giao thông, phát triển kinh tế Thủ đô. Cầu đã góp phần giải quyết cơ bản việc giao lưu kinh tế, xã hội giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố phía Bắc sông Hồng, khiến vùng đất phía Đông của Hà Nội “thay da đổi thịt”. Làng mạc và những cánh đồng ngày nào giờ đây đã mọc lên những khu công nghiệp, nhà máy, phố xá đông vui.
Chính vì vậy cây cầu mang rất nhiều ý nghĩa lịch sử và văn hóa. Nhưng cầu Chương Dương đã đi vào lịch sử Hà Nội với tất cả tình yêu của mỗi người dân Thủ đô khi trở thành “cứu cánh” cho cầu Long Biên đang ngày “yếu” đi.
Cầu chia thành 4 làn xe riêng biệt, ở giữa có phần cánh gà rộng 10m, phía ngoài cùng có làn đường dành riêng cho xe máy và xe đạp rộng 1,5m. Đầu cầu về phía Gia Lâm nối vào đường mới mở Nguyễn Văn Cừ chạy về cầu Chui. Đầu phía Hoàn Kiếm nối với đường Trần Nhật Duật. Toàn bộ sắt thép dùng để xây cầu được tận dụng từ thép phục vụ thi công cầu Thăng Long cùng một lượng khá lớn dầm cầu đường sắt.
Cầu Thăng Long
Cầu Thăng Long cách cầu Long Biên 11km về phía thượng lưu sông Hồng. Cầu Thăng Long có quá trình chuẩn bị, thiết kế và thi công rất dài. Cầu được xem là công trình thế kỷ của tình hữu nghị Việt Xô sau 11 năm thi công (1974-1985) đồng thời là cây cầu có quy mô lớn vào loại bậc nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á thời điểm đó.
Cầu được khởi công xây dựng ngày 26/11/1974 và chính thức khánh thành vào ngày 9/5/1985. Đây là cây cầu duy nhất của Hà Nội có thời gian thi công lâu nhất (11 năm, ban đầu do Trung Quốc giúp xây dựng, tuy nhiên đến năm 1978, Trung Quốc đã đơn phương phá vỡ cam kết, cắt viện trợ và rút hết các chuyên gia về nước khiến cho công trình bị bỏ dở và sau đó Liên Xô tiếp quản, viện trợ, khôi phục lại thi công từ tháng 6/1979 và cơ bản kết thúc vào năm 1985). Cầu Thăng Long nối huyện Đông Anh với quận Bắc Từ Liêm, nối liền Thủ đô với sân bay quốc tế Nội Bài, cửa ngõ quan trọng đưa khách quốc tế đến Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
Cầu Thăng Longđược thiết kế gồm hai tầng, tầng trên dành cho ô tô chạy, tầng dưới dành cho đường sắt. Cầu đường sắt dài hơn 5km, cầu đường bộ cho ô tô dài trên 3,1km. Tổng chiều dài của toàn bộ cầu xấp xỉ 10,7km - dài nhất Việt Nam tính ở thời điểm đó.
Đây là cầu đường sắt và đường bộ đi riêng, có 2 tầng.
Cầu ô tô nằm tại tầng trên. Mặt cầu tầng rộng 19,5m, phần ô tô rộng 16,5 m, sức chứa 4 làn xe, hai bên dành cho người đi bộ, mỗi bên 1,5m. Phần kết cấu thép được lắp bởi 6.500 tấn bản trực hướng bằng thép hợp kim cường độ cao.
Cầu đường sắt nằm ở phía dưới, cách tầng trên khoảng 14 m (tính từ tim thanh dầm mã hạ đến tim thanh dầm mã thượng). Lòng cầu rộng 10m, có 2 đường sắt, một đường tiêu chuẩn 1,435m và một đường 1m.
Cầu Thanh Trì
Cầu Thanh Trì là cây cầu lớn nhất trong dự án 7 cây cầu của Hà Nội bắc qua sông Hồng, nối quận Hoàng Mai với quận Long Biên, được coi là dự án cầu lớn nhất Đông Dương hiện nay.
Đây là cây cầu nối tuyến cao tốc huyết mạch của Thủ đô nối đi các tỉnh phía Bắc tạo điều kiện thuận lợi cho các xe trọng tải lớn được lăn bánh mà không phải chờ đợi vì cảnh ách tắc giao thông. Dự án cầu Thanh Trì có tổng mức đầu tư 5.700 tỷ đồng (410 triệu USD), sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản (thông qua Ngân hàng Hợp tác Quốc tế Nhật Bản-JBIC).
Chủ đầu tư là Bộ Giao thông Vận tải Việt Nam, và Ban quản lý dự án Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư. Cầu Thanh Trì thông xe năm 2007, là một trong những cây cầu bê tông cốt thép dự ứng lực dài và rộng nhất Việt Nam, đồng thời cũng là công trình cầu được thi công với nhiều ứng dụng công nghệ mới. Đây cũng là 1 trong 6 cây cầu bắc qua sông Hồng thuộc địa phận Hà Nội.
Cầu chính dài 3.084m với tổng chiều dài hơn 12.000m, rộng 33,1m với 6 làn xe chạy (4 làn xe cao tốc), tốc độ cho phép 100 km/h. Trên toàn tuyến còn có 5 nút giao thông lập thể tại: Đầu tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, đường Nguyễn Tam Trinh, đường đê Lĩnh Nam, đường đê Gia Lâm và đầu tuyến đường Hà Nội – Lạng Sơn tại quốc lộ 5 Gia Lâm.
Nút giao Quốc lộ 5 giai đoạn đầu được xây dựng hình bán nguyệt. Đến nay đã hoàn thành xây dựng nút giao thông hoa thị kết hợp nâng cao 2 km đường sắt Hà Nội – Hải Phòng ra sông Hồng thêm khoảng 40m.
Về hướng di chuyển, từ cầu Thanh Trì, người dân có thể đi ra các tỉnh lân cận như Hải Phòng, Bắc Ninh..., cụ thể:
Cầu Thanh Trì - Bắc Ninh
- Hướng đi từ cầu Thanh Trì về Bắc Ninh: Xe tại nút giao sẽ đi thẳng về Bắc Ninh.
- Hướng di chuyển từ Bắc Ninh đi cầu Thanh Trì: Các phương tiện tại nút giao sẽ đi thẳng lên cầu Thanh Trì.
Cầu Thanh Trì - Hải Phòng
- Hướng đi từ cầu Thanh Trì về Hải Phòng: Đến ngã 4 rẽ vào nhánh 4 ra quốc lộ 5 rồi đi về Hải Phòng.
- Hướng đi từ Hải Phòng đi cầu Thanh Trì: Đến nút giao thông, các phương tiện đi vào nhánh B đường vành đai 3, sau đó đến cầu Thanh Trì.
Cầu Thanh Trì - Cầu Chui (Gia Lâm)
- Hướng đi từ cầu Thanh Trì đến cầu Chui (Gia Lâm): Các phương tiện đến nút giao thông sẽ đi nhánh C ra quốc lộ 5 rồi đến cầu Chui.
- Hướng di chuyển từ cầu Chui đến cầu Thanh Trì: Các phương tiện đến nút giao thông sẽ đi nhánh 1 trên đường Vành đai 3 đi cầu Thanh Trì.
Chỉ dẫn giao thông tại ngã tư Quốc lộ 5
Cầu Nhật Tân
Cầu Nhật Tân là một trong những cây cầu huyết mạch của thủ đô Hà Nội, là cây cầu dây văng dài nhất Việt Nam với độ dài lên đến 9km. Sự hoành tráng và hiện đại của cầu Nhật Tân bắt nguồn từ mẫu thiết kế tiên tiến và việc áp dụng công nghệ bê tông cốt thép dự ứng lực đột phá của thế giới. Là một trong những công trình giao thông trọng điểm của Hà Nội nối quận Tây Hồ với huyện Đông Anh, kết cấu nhịp cầu chính theo dạng cầu dây văng nhiều nhịp với 5 trụ tháp hình thoi và 6 nhịp dây văng.
Cầu được xem là biểu tượng mới của Thủ đô Hà Nội với 5 nhịp dây văng tượng trưng cho 5 cửa ô. Cầu Nhật Tân không chỉ có ý nghĩa lớn về kinh tế mà còn có ý nghĩa chính trị, xã hội trong mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Tổng chiều dài dự án là 8.933m, trong đó cầu Nhật Tân dài 3.755m, mặt cắt ngang 33,2m theo quy mô cầu thiết kế vĩnh cửu. Cầu chính là cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp với tổng chiều dài 1.500m (các nhịp chính có chiều dài 300m). Đường hai đầu cầu có tổng chiều dài là 5.178m. Trên toàn tuyến sẽ có 4 nút giao, trong đó có 3 nút giao khác mức.
Đây là công nghệ sản xuất bê tông hiện đại nhất thế giới hiện nay và lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Công nghệ này chính là nền tảng để tạo nên sự bền vững vượt bậc cho cầu Nhật Tân. Theo thông tin từ nhà thiết kế, thì cầu Nhật Tân có thể chịu được động đất cấp 8, độ bền dự kiến lên đến hàng trăm năm.
Về hướng di chuyển, các phương tiện để đến cầu Nhật Tân có 2 cách, cụ thể:
Cách 1: Phương tiện giao thông đi đến đường Hoàng Quốc Việt và Lạc Long Quân đến khi thấy nút giao Vành đai 2 với Xuân La, sau đó chạy thẳng sẽ đến cầu Nhật Tân.
Cách 2: Phương tiện giao thông đi từ Tây Hồ sang Đông Anh: bắt đầu di chuyển từ đường Yên Phụ sang Âu Cơ rồi đến An Dương Vương - đến nút giao với tuyến 1C là đoạn đường lên cầu Nhật Tân.
Cầu Vĩnh Tuy
Cầu Vĩnh Tuy thuộc địa phận Vĩnh Tuy, Hà Nội, là một cây cầu bắc qua sông Hồng, một đầu cầu hướng về bên trung tâm Hà Nội, nối quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên. Ngay bên dưới do phù sa bồi đắp tạo thành một một bãi đất rộng, thoáng mát và cực kì lý tưởng.
Nơi đây như là một địa điểm bị lãng quên giữa chốn ồn ào đô thị vậy, chỉ cách trung tâm hơn 30 phút đi xe, bước những bước chân đầu tiên dưới chân cầu, bạn sẽ cảm nhận được ngay sự khác biệt bởi không khí trong lành, thoáng đãng. Đây là cầu kết cấu dầm hộp bêtông cốt thép dự ứng lực, sơ đồ cầu liên tục nhiều nhịp. Cầu được thi công với công nghệ đúc hẫng và đạt kỉ lục về chiều dài nhịp đúc hẫng của Việt Nam (135m so với cầu Thanh Trì là 130m).
Cầu Vĩnh Tuy được khởi công xây dựng vào ngày 3/2/2005, sau khi xây dựng tăng cường khả năng lưu thông giữa hai bên bờ sông Hồng, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày một tăng cao giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía bắc và đông bắc thành phố.
Đến cuối tháng 8/2023, TP Hà Nội đã tổ chức khánh thành cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sau 2,5 năm thi công.
Cầu Vĩnh Tuy 2 có tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, nằm song song với cầu Vĩnh Tuy 1. Sau khi khánh thành, cầu Vĩnh Tuy 2 được kỳ vọng sẽ giảm tải cho cầu Vĩnh Tuy 1, cầu Thanh Trì, cầu Chương Dương, đồng thời, khép kín đường Vành đai 2 theo quy hoạch.
Theo phương án tổ chức giao thông, sau khi thông cầu Vĩnh Tuy 2, toàn bộ xe đi từ các đường dẫn nội thành lên cầu sẽ đi ở cầu mới; cầu cũ sẽ dành toàn bộ cho xe đi từ phía Long Biên sang nội thành. Cầu Vĩnh Tuy 2 sẽ có 4 làn xe lưu thông gồm 2 làn xe cơ giới, 1 làn xe buýt, 1 làn hỗn hợp.
Với việc hoàn thành giai đoạn 2, Cầu Vĩnh Tuy góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng nhanh giữa trung tâm Thủ đô với khu vực phía Bắc và Đông Bắc thành phố; giải quyết áp lực cho các tuyến giao thông trọng điểm của Thủ đô, nhất là giảm tải lưu lượng xe trên cầu Thanh Trì và đường Vành đai 3; từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông của Hà Nội theo quy hoạch.
Sau khi chính thức thông xe cầu Vĩnh tuy 2, người tham gia nếu di chuyển trên cây cầu này sẽ phải đi hướng từ Hai Bà Trưng đi Long Biên, được phân 3 làn xe cơ giới. Cụ thể:
Làn cạnh dải phân cách giữa với chiều rộng 3,75m/mỗi làn, tốc độ khai thác tối đa 60km/h.
1 làn xe hỗn hợp (xe máy và xe thô sơ) - làn cạnh lan can phải cầu với chiều rộng 4,8m, tốc độ khai thác tối đa 40km/h.
Phân chia làn xe cơ giới với làn xe hỗn hợp bằng dải phân cách cứng và hệ thống biển báo hướng dẫn phân làn xe trên giá long môn.
Xe cộ sẽ đi một chiều hướng từ Hai Bà Trưng đi cầu Vĩnh Tuy 2 qua 3 nhánh lên cầu.
Cụ thể, đi từ đường đê Nguyễn Khoái theo hướng từ cầu Thanh Trì về cầu Vĩnh Tuy rẽ phải vào nhánh cầu CV1B với bề rộng làn xe 6m.
Đi theo đường đê Nguyễn Khoái, hướng từ cầu Chương Dương về cầu Thanh Trì, muốn đi Long Biên rẽ phải theo nhánh CV1A lên cầu Vĩnh Tuy 2 với bề rộng làn xe 7m.
Đi từ đường Minh Khai và cầu cạn trên cao vành đai 2 muốn đi Long Biên sẽ đi thẳng lên cầu Vĩnh Tuy 2.
Với cầu Vĩnh Tuy 1, đi một chiều theo hướng từ Long Biên đi Hai Bà Trưng và được phân làn theo hướng:
4 làn xe cơ giới - làn cạnh dải phân cách giữa với chiều rộng làn 3m, tốc độ khai thác tối đa 40km/h.
1 làn xe hỗn hợp (xe máy và xe thô sơ) - làn cạnh lan can phải cầu với chiều rộng 2,7m, tốc độ khai thác tối đa 30km/h.
Điểm tên loạt đất 'vàng' được đưa vào danh sách đấu giá từ năm 2023 - 2025 tại Thủ đô Hà Nội
Giá vàng có tiếp tục tăng trong năm 2025?
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương xây dựng danh mục nhà máy điện hạt nhân