Ngân hàng “đau đầu” với nhóm khách hàng dưới chuẩn

14-02-2022 14:55|Hoàng Yến

Năm 2022, khi nền kinh tế hồi phục thì ngân hàng buộc phải tính toán lại với nhóm đối tượng doanh nghiệp chưa đạt chuẩn, không thể chỉ chọn “rau sạch để ăn”.

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, hơn 119,8 nghìn doanh nghiệp buộc phải tạm ngừng hoạt động và giải thể trong năm 2021.

Ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đây là con số không vui và tạo ra nhiều suy nghĩ, lo lắng. Bởi lẽ, xét về số tuyệt đối, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường năm 2021 tăng cao hơn rất nhiều so với năm 2019 (89,28 nghìn doanh nghiệp) cũng như năm 2020 (101,72 nghìn doanh nghiệp).

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch bệnh, vào ngày 30/1/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Theo đó, các ngân hàng thương mại sẽ hỗ trợ lãi suất 2%/năm trong hai năm (2022 - 2023) với các khoản vay của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã thuộc lĩnh vực như hàng không, vận tải kho bãi; du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, giáo dục và đào tạo; xuất bản phần mềm...

Các doanh nghiệp nhận hỗ trợ từ gói kích thích trên bắt buộc phải có khả năng trả nợ, phục hồi. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, tình hình tài chính không tốt và không đạt chuẩn, hoặc có doanh nghiệp không còn tài sản để thế chấp.

Như vậy, việc tiếp cận tín dụng mới của nhóm doanh nghiệp này vẫn còn là vấn đề nan giải trong bối cảnh năm 2022, khi nền kinh tế hồi phục thì ngân hàng buộc phải tính toán lại với nhóm đối tượng này, không thể chỉ chọn “rau sạch để ăn”.

Trước đó, hoạt động cho doanh nghiệp vay thêm vốn mới cũng được thúc đẩy bởi các Thông tư 01, 03 và 14 của Ngân hàng Nhà nước về kéo dài thời hạn cơ cấu nợ do COVID-19. Một lãnh đạo ngân hàng thương mại cho biết, sắp tới khi các thông tư này hết hiệu lực, nếu cho vay thêm mà doanh nghiệp không thể trả đúng hạn, lập tức khoản vay bị chuyển sang nợ xấu, gây khó khăn đến hoạt động kinh doanh của ngân hàng.

Hiện, trên thị trường đang có một vài ngân hàng đã thay đổi quan điểm, chấp nhận rủi ro hơn. Họ không chỉ cho vay doanh nghiệp tốt mà đang chuyển mình theo hướng cho vay không tài sản đảm bảo, hoặc tăng giá trị khoản vay lên hơn 100% so với giá trị tài sản đảm bảo.

Cụ thể, Ngân hàng MSB đang triển khai gói tài trợ không tài sản bảo đảm với giá trị tài trợ lên tới 500 triệu đồng. Tại OCB, từ nay đến hết 30/6/2022, ngân hàng này cũng cung cấp sản phẩm “Hỗ trợ tài chính dành cho nhà phân phối ngành hàng tiêu dùng nhanh (FMCG)” với tỷ lệ cấp tín dụng lên đến 100% giá trị tài sản bảo đảm. 

Tại SCB, với gói ưu đãi 1, khách hàng được ưu đãi lãi suất cho vay chỉ từ 6,99%/năm, áp dụng với khách hàng duy trì số dư tài khoản thanh toán bình quân tối thiểu tại SCB từ 50 triệu đồng. Với gói ưu đãi 2, khách hàng được ưu đãi lãi suất cho vay chỉ từ 8,05%/năm mà không yêu cầu cam kết duy trì số dư tài khoản thanh toán bình quân tối thiểu tại SCB.

Ngoài ra, hầu hết các ngân hàng và tổ chức dịch vụ trung gian (Napas, CIC) đều cam kết tiếp tục đồng hành cắt giảm lãi suất và phí dịch vụ trong năm 2022 để hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân, hộ kinh doanh; hỗ trợ an sinh xã hội cho người dân, người lao động bị ảnh hưởng trực tiếp trong đợt dịch này.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc giảm lãi vay, giảm phí, cơ cấu lại nợ cho khách hàng, đặc biệt nhóm khách hàng bị tác động mạnh bởi COVID – 19 trong các ngành lưu trú, dịch vụ ăn uống, du lịch, vận tải... chỉ góp phần nhỏ vào sự phục hồi kinh tế. Để giải quyết triệt để vấn đề này, cần phải khôi phục sức sản xuất, đưa cung cầu hàng hóa trở lại trạng thái bình thường.

Ngân hàng Nhà nước đề xuất sửa đổi quy định tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu với các ngân hàng ở mức 10,5%

Sắp 'bơm' gần 670.000 tỷ đồng ra nền kinh tế

Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ngan-hang-dau-dau-voi-nhom-khach-hang-duoi-chuan-131962.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngân hàng “đau đầu” với nhóm khách hàng dưới chuẩn
    POWERED BY ONECMS & INTECH