Chứng khoán

Ngân hàng nắm hơn 210.000 tỷ đồng tài sản vẫn phải đi 'ở trọ', lô đất nghìn tỷ tại Quận 1 bỏ không suốt thập kỷ

Quốc Trung 09/10/2024 - 10:06

Sau hơn một thập kỷ sở hữu lô đất vàng trung tâm Quận 1, TP. HCM, đến nay Eximbank vẫn đang đi thuê mặt bằng làm trụ sở chính. Các quyết sách đầu tư trụ sở mới không bị bàn lùi thì cũng bị ĐHCĐ từ chối thông qua.

HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank, HoSE: EIB) thông báo về quyết định triệu tập ĐHCĐ bất thường vào ngày 28/11 tại TP. Hà Nội. Mục tiêu là thông qua việc thay đổi địa điểm trụ sở chính và các nội dung khác thuộc thẩm quyền. Ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông thực hiện quyền dự họp là 29/10.

Tại ĐHCĐ thường niên 2024, bên cạnh xin ý kiến về các kế hoạch kinh doanh, Eximbank cũng trình cổ đông về kế hoạch chuyển trụ sở từ tầng 8, tòa nhà Vincom Center, số 72 Lê Thánh Tôn, Phường Bến Nghé, Quận 1, TP. HCM sang tòa nhà văn phòng (Fideco Center) tại số 28 Phùng Khắc Khoan, Phường Đa Kao, Quận 1. Tuy nhiên, tờ trình này không được Đại hội thông qua.

Đây cũng là vấn đề đã được nêu tại một số kỳ Đại hội trước đó. Năm 2022, tại ĐHCĐ thường niên, nhà băng này cũng thông qua chủ trương đầu tư xây dựng trụ sở Eximbank tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1.

Ngân hàng nắm hơn 210.000 tỷ đồng tài sản vẫn phải đi 'ở trọ', lô đất nghìn tỷ tại Quận 1 bỏ không suốt thập kỷ
Hiện trạng lô đất tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm, Phường Nguyễn Thái Bình, Quận 1 của Eximbank

Được biết, lô đất dự kiến xây trụ sở mới có diện tích 3.513,7m2, ở vị trí đắc địa tại khu vực sầm uất bậc nhất trung tâm Quận 1. Hơn một thập kỷ trước đó, Eximbank đã mua lại lô đất từ Văn phòng Thành uỷ TP. HCM với tổng giá trị gần 240 tỷ đồng. Theo giá trị trường, lô đất này hiện có giá hàng nghìn tỷ đồng.

Ngân hàng cho biết, trước đây, lô đất này được UBND TP. HCM chấp thuận cho điều chỉnh quy hoạch với chức năng hỗn hợp văn phòng – khách sạn – căn hộ, cao 40 tầng, hệ số sử dụng đất là 15 lần vào tháng 7/2011. Tuy nhiên, các giấy tờ pháp lý về quy hoạch hiện nay không còn giá trị hiệu lực theo các quy định hiện hành. Việc đầu tư toà nhà với chức năng như cũ không còn phù hợp với nhu cầu đầu tư và giấy phép hoạt động của Eximbank.

>> Cổ đông Eximbank (EIB) tăng nhanh như 'tên lửa'

Tính đến thời điểm hiện tại, Eximbank vẫn chưa có trụ sở chính để ổn định hoạt động mà vẫn phải đi thuê một phần tại tòa nhà Vincom Center, bị giới hạn về diện tích, không gian dẫn đến khó khăn trong công tác điều hành, xây dựng hình ảnh, nâng tầm thương hiệu. Trung bình mỗi năm, số tiền chi phí thuê trụ sở lên tới hàng chục tỷ đồng.

Ban lãnh đạo cho rằng, khu đất tại số 7 Lê Thị Hồng Gấm có giá trị cao về mọi mặt, tuy nhiên đang để lãng phí và không phát huy được hiệu quả của giá trị lô đất. Do đó, HĐQT Eximbank đề xuất ĐHĐCĐ chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng tòa nhà Eximbank để làm trụ sở chính. Nguồn vốn đầu tư bằng 100% nguồn vốn tự có của ngân hàng.

Được biết, dự án toà nhà trụ sở Eximbank đã có kế hoạch từ năm 2011. Đến năm 2013 thì phê duyệt báo cáo đầu tư dự án Tháp Eximbank với mức tổng đầu tư dự kiến hơn 3.538 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau nhiều lần thay đổi và kiến nghị, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai.

Liên quan đến dự án này, tại ĐHCĐ bất thường lần thứ 2 năm 2016, nhiều cổ đông chỉ trích Eximbank vì liên tục thay đổi phương án đầu tư dự án trên.

Năm 2017, Eximbank đã quyết định chọn phương án đầu tư Toà tháp văn phòng 40 tầng, hình thức đầu tư là Eximbank chỉ góp vốn là giá trị đất, không góp tiền.

Năm 2018, ngân hàng tìm kiếm được 16 nhà đầu tư trong và ngoài nước gửi thư bày tỏ quan tâm dự án. Eximbank chọn 3 nhà đầu tư và gửi xin ý kiến của Ngân hàng Nhà nước nhưng đến cuối năm 2021 vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi từ Ngân hàng Nhà nước.

Tại ĐHCĐ thường niên lần 2 năm 2021, được tổ chức ngày 15/2/2022, phương án hợp tác đầu tư xây dựng trụ sở chính của Eximbank tiếp tục không được thông qua. Ngân hàng sau đó lại "quay xe", muốn tự bỏ tiền túi để thực hiện dự án.

Đầu tháng 8/2024, sau nhiều năm Eximbank không có cổ đông lớn, CTCP Tập đoàn Gelex (Mã GEX - HoSE) đã trở thành cổ đông lớn đầu tiên khi nâng sở hữu lên 10% vốn, tương đương 174,6 triệu cổ phiếu. Trước đó, tại ĐHCĐ thường niên 2024, ông Nguyễn Hồ Nam cũng xuất hiện với vai trò Phó Chủ tịch HĐQT Eximbank sau khi từ nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Bamboo Capital (Mã BCG).

Trong khi Gelex nổi tiếng với các thương hiệu Viglacera và Cadivi, tổng tài sản hơn 52.400 tỷ đồng thì Bamboo Capital cũng là hệ sinh thái sở hữu tổng tài sản 45.300 tỷ đồng với hơn 60 công ty thành viên, chủ yết tập trung vào mảng năng lượng tái tạo và bất động sản.

Sự xuất hiện đáng chú ý này được cho là động lực thúc đẩy việc chuyển trụ sở chính của Eximbank - ngân hàng đang nắm khối tài sản hơn 210.000 tỷ đồng.

>> Hai 'đế chế' nắm 110 công ty con có thể giúp Eximbank (EIB) tìm lại hào quang đã mất?

Eximbank (EIB) ấn định ngày họp Đại hội đồng cổ đông bất thường

Ông Nguyễn Hoàng Hải tái nhiệm Quyền Tổng Giám đốc Eximbank

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ngan-hang-nam-hon-210000-ty-dong-tai-san-van-phai-di-o-tro-lo-dat-nghin-ty-tai-quan-1-bo-khong-suot-thap-ky-252640.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngân hàng nắm hơn 210.000 tỷ đồng tài sản vẫn phải đi 'ở trọ', lô đất nghìn tỷ tại Quận 1 bỏ không suốt thập kỷ
    POWERED BY ONECMS & INTECH