Ngân hàng thế giới sẽ hỗ trợ Việt Nam xây đường sắt tốc độ cao
Ngân hàng thế giới (WB) cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để có thể triển khai các dự án có hỗ trợ vốn từ phía WB theo khung thời gian mà Thủ tướng Chính phủ mong muốn.
Tin từ Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa có buổi làm việc với bà Manula V. Ferro, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Đông Á và Thái Bình Dương
Bà Manula V. Ferro khẳng định Việt Nam luôn là đối tác quan trọng của WB. WB mong muốn gìn giữ, phát triển mối quan hệ hợp tác tốt đẹp này, đồng thời cho biết WB có thể hỗ trợ, đóng vai trò tích cực với Việt Nam trong tiến trình đạt mục tiêu năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
WB đã chuẩn bị hỗ trợ Việt Nam xây dựng các dự án hạ tầng giao thông
Phó chủ tịch WB cho biết, tại cuộc họp vào tháng 9/2023 giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch WB Ajay Banga, Thủ tướng đã đề nghị trong 3 năm tới, WB cho Việt Nam vay 5-7 tỷ USD đầu tư các dự án hạ tầng tại Việt Nam. WB nỗ lực chuẩn bị cho cơ hội hợp tác này, ưu tiên lĩnh vực giao thông và năng lượng - điện.
Từ đây, bà Manula V. Ferro đề nghị Bộ GTVT đề xuất dự án cụ thể có thể triển khai sớm, nhất là các dự án có quy mô lớn, ý nghĩa.
Đáp lại sự quan tâm của WB, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bày tỏ mong muốn WB nghiên cứu, xem xét dành vốn vay cho một số dự án quan trọng lĩnh vực đường sắt, đường bộ.
Ưu tiên các dự án đường sắt, đường bộ
Cụ thể, về đường sắt có 3 dự án xây mới gồm: Đường sắt vành đai phía Đông TP Hà Nội, dài 59km, đường đôi, khổ đường lồng 1.435mm và 1.000mm, giai đoạn 1 đầu tư đường đơn với tổng mức đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng, trong đó dự kiến vốn vay khoảng 560 triệu USD.
Đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, dài 140km, đường đôi, khổ 1.435m, tổng mức đầu tư phân kỳ đường đơn khoảng 3 tỷ USD, vốn vay dự kiến gần 3 tỷ USD;
Đường sắt TPHCM - Cần Thơ dài 175,2km, đường đôi, khổ 1.435m; giai đoạn 1 đầu tư đường đơn khoảng 154.000 tỷ đồng, vốn vay dự kiến khoảng 5,07 tỷ USD. Cả ba dự án này đều đang lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (Pre-Fs), dự kiến hoàn thành vào giữa năm 2024.
Cùng với đó là dự án nâng cao an toàn các tuyến đường sắt, xây dựng khoảng 30 nút giao (cầu vượt) giữa các quốc lộ với các tuyến đường sắt hiện hữu, có mật độ chạy tàu cao và nhiều vụ tai nạn; tổng mức đầu tư khoảng 8.378 tỷ đồng, vốn vay dự kiến 280 triệu USD.
Lĩnh vực đường bộ có 2 dự án gồm cao tốc Pleiku - Quy Nhơn dài 151km, 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 35.800 tỷ đồng cho 4 làn xe 17m, khoảng 44.000 tỷ đồng cho 4 làn xe hoàn chỉnh, vốn vay dự kiến 1,45 tỷ USD; cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo dài 70km, 4 làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 10.800 tỷ đồng cho 4 làn xe 17m, khoảng 14.500 tỷ đồng cho 4 làn xe hoàn chỉnh, vốn vay dự kiến khoảng 480 triệu USD.
"Hai dự án này đang được nghiên cứu đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Tuy nhiên, do tổng mức đầu tư lớn, lưu lượng còn thấp nên WB có thể tiếp cận, xem xét tài trợ theo hình thức đầu tư công", Bộ trưởng thông tin.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đề nghị WB hỗ trợ các dự án hỗ trợ kỹ thuật, tập trung vào các lĩnh vực đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị, đường bộ cao tốc, trong đó xây dựng quản lý vận hành Trung tâm kỹ thuật và điều hành giao thông đường bộ cao tốc (trung tâm ITS quốc gia)...
"Bộ GTVT mong rằng WB xem xét, phê duyệt vốn vay các dự án đang hợp tác. Bộ GTVT cũng tin tưởng với nỗ lực của hai bên, các dự án hợp tác hai bên sẽ đạt kết quả tốt đẹp", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng bày tỏ.
WB sẽ tham gia dự án đường sắt tốc độ cao
Phó chủ tịch WB Manula V. Ferro nhận định, các dự án đường sắt, đường bộ cao tốc mà Bộ GTVT đề xuất rất cần thiết vì có tính kết nối cao, ý nghĩa không chỉ với phát triển kinh tế xã hội Việt Nam mà với khu vực. Do vậy, WB có thể tham gia đáng kể vào các dự án này. Cùng đó, cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT để có thể triển khai các dự án có hỗ trợ vốn từ phía WB theo khung thời gian mà Thủ tướng Chính phủ mong muốn.
Phan Trang