Ngành năng lượng xanh Trung Quốc chứng kiến tăng trưởng vượt bậc
Năm ngoái, Trung Quốc dẫn đầu thế giới trong lĩnh vực việc làm liên quan đến năng lượng tái tạo, xu hướng này dự kiến sẽ còn tiếp tục phát triển với sản lượng lắp đặt và xuất khẩu đạt kỷ lục với các sản phẩm như tấm pin mặt trời, tua bin gió, xe điện (EV).
Theo báo cáo vào tháng trước của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế (IRENA) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), vào năm 2023, Trung Quốc có khoảng 7,4 triệu người làm việc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, chiếm 46% tổng số lao động toàn cầu trong lĩnh vực này và tăng 32% so với năm 2022. Dấu hiệu khởi sắc trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trái ngược hoàn toàn với tình hình khó khăn mà thị trường bất động sản nước này đang đối mặt và tỷ lệ thất nghiệp thanh niên gia tăng, với khoảng 17,6% người trẻ từ 16 đến 24 tuổi không có việc làm vào tháng 9 năm nay.
Shen Xinyi, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch (CREA) tại Helsinki, cho biết: “Các công ty năng lượng tái tạo hàng đầu của Trung Quốc đã tạo ra số lượng việc làm đáng kể trong những năm gần đây, bất chấp những biến động của thị trường chứng khoán. Đáng chú ý, hầu hết việc làm đều dành cho công nhân lành nghề và nhân viên nghiên cứu phát triển.”
Với việc đang chiếm gần hai phần ba công suất lắp đặt năng lượng mặt trời và gió mới trên toàn cầu trong năm ngoái, Trung Quốc kỳ vọng năng lượng sạch sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, các chuyên gia năng lượng cảnh báo những tín hiệu tích cực này khó có thể hoàn toàn giải quyết vấn đề thất nghiệp do quy mô nhỏ hơn nhiều so với nhu cầu việc làm trên toàn quốc, và chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch cũng có thể gây ra những khó khăn đáng kể.
Theo báo cáo của IRENA và ILO, vào năm ngoái, tổng số việc làm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo trên toàn cầu tăng 18%, đạt 16,2 triệu người, mức tăng lớn nhất từng được ghi nhận. Các tổ chức này cho biết, theo sau Trung Quốc là châu Âu với 1,8 triệu việc làm và Brazil với 1,56 triệu, tiếp theo là Mỹ và Ấn Độ với gần 1 triệu việc làm mỗi nước.
Lĩnh vực quang điện mặt trời (PV) là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng việc làm, với 7,2 triệu người trên toàn thế giới làm việc trong lĩnh vực này vào năm ngoái, trong đó có 4,6 triệu việc làm tại Trung Quốc nhờ vào việc bổ sung 217 gigawatt tấm pin mặt trời trong năm qua. Tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết ngành điện mặt trời của Trung Quốc đã tạo ra khoảng 5,1 triệu việc làm vào năm 2023, chiếm hơn 70% việc làm trong lĩnh vực này trên toàn cầu.
Trong lĩnh vực năng lượng gió, Trung Quốc cũng chiếm ưu thế với 52% trong tổng số 1,5 triệu việc làm toàn cầu, tiếp theo là EU với 21%, theo IRENA và ILO. Francesco La Camera, tổng giám đốc tại IRENA, nhận xét: “Dù các quốc gia khác đang mở rộng chuỗi cung ứng điện mặt trời PV, việc vượt qua Trung Quốc không phải là điều dễ dàng.”
Ngược lại, thị trường bất động sản của Trung Quốc chứng kiến sự suy giảm mạnh. Báo cáo từ nhóm nghiên cứu Ke Yan Zhi Ku vào tháng 1 cho thấy số lượng việc làm trong lĩnh vực này đã giảm khoảng 500.000 từ năm 2021 đến 2023. Dù vậy, ngành xây dựng vẫn đóng góp 13% vào tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc vào năm 2023.
Cũng theo ILO, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác phải đối mặt với thách thức chuyển đổi lượng lớn lao động từ các ngành công nghiệp liên quan đến nhiên liệu hóa thạch sang các ngành năng lượng xanh và bền vững. Theo tổ chức Global Energy Monitor, gần nửa triệu thợ mỏ than trên toàn cầu có thể sẽ thất nghiệp vào năm 2035 do các mỏ than đóng cửa và năng lượng sạch được ưa chuộng hơn, trong đó Trung Quốc và Ấn Độ dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Gilbert F. Houngbo, tổng giám đốc ILO, nhấn mạnh việc đầu tư vào giáo dục, nâng cao kỹ năng và đào tạo là điều cần thiết để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra hiệu quả và bền vững. Theo ông, điều quan trọng là cần phải trang bị kiến thức và kỹ năng cho người lao động để họ tìm kiếm được công việc phù hợp cũng như đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng diễn ra bền vững.
CREA cho biết, năng lượng sạch đã đóng góp kỷ lục 11,4 nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương 1,6 nghìn tỷ USD) cho nền kinh tế Trung Quốc vào năm 2023, tương đương 9% GDP và cao hơn mức 7,2% của năm 2022.
>> Bài toán tài chính và trái phiếu chậm trả: Áp lực lên các dự án năng lượng tái tạo
Bài toán tài chính và trái phiếu chậm trả: Áp lực lên các dự án năng lượng tái tạo
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo