Nghệ An: Ngang nhiên đào bới khoáng sản trái phép để “tuồn” vào nhà máy xi măng?

18-06-2023 23:13|NGỌC THÁI

Xe tải trọng lớn liên tục ra, vào khu vực mỏ để “ăn đất” giữa thanh thiên bạch nhật sau đó chạy bạt mạng vào nhà máy xi măng gần đó tập kết mà không hề bị cơ quan chức năng có mặt kiểm tra, xử lý.

Các phương tiện tải trọng lớn sau khi "ăn hàng" tại khu vực đồi địa phận xóm 1, xã Hoa Sơn thì chạy bạt mạng theo QL7 xuống nhà máy xi măng Sông Lam 2 tại xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn

z4442652462731_e78bbf685d3f1657ae2236852e3b53f8.jpg
Khi được hỏi khu vực mỏ khoáng sản đang được khai thác tại xóm 1, xã Hoa Sơn đã được cấp phép hay chưa thì đại diện Phòng TN&MT huyện Anh Sơn không trả lời được

Thực trạng này đang xảy ra ngay sát QL7 trên địa phận khu vực xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An trong những ngày gần đây không chỉ gây thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia mà còn khiến dư luận bức xúc.

Trong những ngày gần đây, phóng viên liên tục nhận được phản ánh của người dân địa phương về tình trạng các phương tiện tải trọng lớn, nhỏ ra, vào khu vực đồi núi ở gần khu vực cầu Khe Sừng tại vị trí Km 63+988 trên QL7 thuộc địa phận xã Hoa Sơn, huyện Anh Sơn để chở khoáng sản ra ngoài.

Tuy nhiên, sự việc này không được bất kỳ cơ quan chức năng địa phương ngăn chặn, xử lý kịp thời khiến nguy cơ nguồn tài nguyên khoáng sản của quốc gia đang bị vô tư đào bới một cách vô tội vạ. Lần theo thông tin, hình ảnh phản ánh của người dân, những ngày gần đây, chúng tôi liên tục có mặt tại khu vực, vị trí nói trên để tiến hành “mục sở thị” sự việc nói trên.

z4442652486827_19cd27f842bc444c73d8c46a76480a69.jpg
Chỉ trong ngày 17/6, khi có mặt tại hiện trường, chúng tôi quan sát được số lượn lớn phương tiện, máy móc được huy động để đào bới, chở khoáng sản ra ngoài

Từ sáng 17/6, khi có mặt tại khu vực cầu Khe Sừng, chúng tôi liên tục chứng kiến hàng loạt xe tải trọng lớn ra vào khu vực đồi núi ở xóm 1, xã Hoa Sơn nằm sát QL7 để khai thác đất chở ra ngoài. Vào thời điểm này, chúng tôi chứng kiến 01 chiếc máy múc cỡ lớn liên tục ngoặm đất lên các xe tải lớn chờ sẵn ngay tại chân ngọn núi trên địa phận xóm 1, xã Hoa Sơn.

“Họ đào bới, chở liên tục vào thời gian gần đây. Vào sáng thứ 6 (ngày 16/6), họ liên tục đưa phương tiện vận tải vào chở đất từ khu vực này xuống nhà máy xi măng Sông Lam 2 tại xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn để tập kết. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, các phương tiện máy móc “án binh bất động” cho đến sáng thứ 7 (ngày 17/6) lại tiếp tục khai thác cả ngày đến thời điểm hiện nay (chiều 18/6).

Vì quãng đường ngắn, chưa đầy 5km nên các phương tiện vào chở đất rồi chạy một mạch theo QL7 xuống nhà máy xi măng nhưng không hề bị cơ quan chức năng nào có mặt kiểm tra, xử lý.

Đất đá rơi vãi, xe chạy bạt mạng liên tục khiến người đi đường nhiều phen hú vía. Chúng tôi không hiểu vì sao chính quyền lẫn cơ quan chức năng có thể dễ dàng cho họ khai thác đất một cách công nhiên như vậy?” - một người dân (xin được giấu tên) chứng kiến sự việc bức xúc cho biết.

z4442652672056_dbbfae07b49f4450090e21b6712e9c2e.jpg
Các phương tiện tải trọng lớn sau khi "ăn hàng" tại khu vực đồi địa phận xóm 1, xã Hoa Sơn thì chạy bạt mạng theo QL7 xuống nhà máy xi măng Sông Lam 2 tại xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn

Cũng theo phản ánh của người dân địa phương, tình trạng này xảy ra trong thời gian gần đây. Các phương tiện được huy động ước lượng khối lượng vận chuyển vào tập kết tại nhà máy xi măng Sông Lam 2 đóng tại xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn hàng chục nghìn m3 đất.

Giới chuyên gia về tài nguyên khoáng sản cho rằng, nếu nhà máy xi măng Sông Lam tiếp nhận đất ở khu vực đồi núi nói trên vào thì có khả năng là loại đất Silic để làm phụ gia. Bởi trong các yếu tố cấu thành xi măng có thành phần chính là canxi silicat (CaSiO3) và canxi aluminat (Ca(AlO2)2). Nguyên liệu chính để sản xuất xi măng là đá vôi và đất sét. Ngoài ra còn có cát và một số chất phụ gia khác…

z4442652479152_1f6a3b9af09f580071c6783fb7e42dd9.jpg
Tình trạng khai thác khoáng sản ở đây theo phương pháp "hầm ếch" đang tiềm ẩn mối nguy cơ ô nhiễm môi trường và tai nạn lao động có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Vị trí khai thác nằm sát QL7 nhưng không hề thấy cắm biển báo thông tin mỏ, cảnh báo giao thông khi các phương tiện liên tục vào, ra trên QL7

Còn theo quan sát của phóng viên, tại thời điểm có mặt tiếp cận hiện trường, chúng tôi không khỏi giật mình khi vô số bụi bặm, đất đá rơi vãi trên QL7 đoạn từ xã Hoa Sơn xuôi xuống xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn. Đáng quan tâm, suốt thời gian có mặt, chúng tôi cũng không hề thấy bóng dáng của lực lượng chức năng thực thi công vụ kiểm tra, kiểm soát các phương tiện tải trọng lớn chở đất lưu thông trên QL7 đoạn qua địa phận nói trên.

Chiều chủ nhật (18/6), chúng tôi cố gắng liên lạc qua điện thoại cá nhân để thông tin sự việc về tình trạng khai thác khoáng sản có dấu hiệu vi phạm các quy định của pháp luật hiện hành thì được ông Hoàng Quyền - Chủ tịch UBND huyện Anh Sơn, Nghệ An hồi âm trả lời sẽ chỉ đạo kiểm tra, xử lý.

Cũng trong chiều cùng ngày, khi được phóng viên thông tin qua điện thoại, ông Bùi Công An - Trưởng phòng TN&MT huyện Anh Sơn nói rằng sẽ tiến hành kiểm tra lại.

Ông Bùi Công An nói: “cái này tôi đang cho người nắm lại thông tin xác minh, xử lý”. Phóng viên hỏi tiếp về khu vực mỏ tại xóm 1, xã Hoa Sơn đã được cấp phép cũng như hoàn thiện thủ tục cấp mỏ khai thác khoáng sản chưa thì ông Bùi Công An nói rằng hiện đang làm hồ sơ tại khu vực mỏ Cồn Trường, xã Hoa Sơn. Còn tại khu vực mỏ sát QL7 thuộc địa phận xóm 1, xã Hoa Sơn đã được cấp phép hay chưa thì trưởng phòng TN&MT huyện Anh Sơn không trả lời rõ ràng, dứt khoát.

Cổ phiếu khoáng sản tăng 140% từ đầu năm, chung mâm vốn hóa với NLG, PVS, VIX

Việt Nam sở hữu 'kho báu' trữ lượng lớn thứ 2 thế giới, các siêu cường ráo riết ngỏ ý hợp tác

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/nghe-an-ngang-nhien-dao-boi-khoang-san-de-tuon-vao-nha-may-xi-mang-245991.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nghệ An: Ngang nhiên đào bới khoáng sản trái phép để “tuồn” vào nhà máy xi măng?
    POWERED BY ONECMS & INTECH