Ngôi chùa có lối vào ‘độc nhất vô nhị’ của vùng Thất Sơn linh thiêng
Dù khoác lên mình lớp áo mới, ngôi chùa vẫn lưu giữ nguyên vẹn những nét độc đáo từ thời xưa, tạo nên sự hòa quyện giữa hiện đại và truyền thống.
Tọa lạc tại ấp An Hòa (xã Châu Lăng, Tri Tôn), chùa Prochum Meáp Chhưm Kiriram, hay còn gọi là chùa Krăng Krốch, là ngôi chùa độc nhất vô nhị ở An Giang khi sở hữu hàng cây còng cổ thụ rợp bóng mát, trải dài từ cổng chính dẫn vào bên trong khuôn viên.
Nét đặc trưng độc đáo này đã khiến du khách gần như quên đi tên gọi chính thức của ngôi chùa, mà thay vào đó, họ trìu mến gọi bằng cái tên dân dã "chùa Hàng Còng”. Với bề dày lịch sử hàng trăm năm, ngôi chùa không chỉ là điểm đến tâm linh thu hút du khách thập phương mà còn là biểu tượng văn hóa tiêu biểu của vùng đất An Giang.
Tên gọi "Krăng" mang ý nghĩa "gò cao", "Krốch" là "bưởi rừng", hé mở khung cảnh hoang sơ, thơ mộng của ngôi chùa cổ kính này. Chùa được xây dựng vào năm 1608, đã trải qua hơn 400 năm tồn tại, chứng kiến bao thăng trầm lịch sử. Để đến được ngôi chùa, du khách phải băng qua những cánh đồng lúa mênh mông, trải qua cung đường vất vả.
Nhận thức được điều này, vào năm 1965, Hòa thượng Khunh Sa Ríth - vị trụ trì lúc bấy giờ đã vận động Phật tử hiến đất ruộng để xây dựng con đường thuận tiện hơn. Sau khi con đường hoàn thành, Hòa thượng cho trồng thêm nhiều cây còng, tạo nên khung cảnh xanh mát, thanh bình cho ngôi chùa.
Chánh điện chùa Krăng Krốch khoác lên mình lớp áo mới rực rỡ với sắc hồng tươi thắm kết hợp cùng màu vàng bắt mắt, tạo nên điểm nhấn ấn tượng giữa khung cảnh thanh bình của chốn linh thiêng. Từng chi tiết nhỏ trong khuôn viên chùa đều được chăm chút tinh xảo, từ những hoa văn trên mái tháp cong cong, đến những họa tiết trên cửa, tường, góp phần tô điểm cho vẻ đẹp cổ kính và trang nghiêm của ngôi chùa.
Dù đã trải qua nhiều lần tu sửa, chùa Krăng Krốch vẫn gìn giữ được những nét kiến trúc độc đáo của người xưa, tạo nên sự hài hòa giữa nét đẹp truyền thống và hiện đại, thu hút du khách thập phương đến tham quan và chiêm bái.
Chùa Krăng Krốch hiện sở hữu khoảng 70 cây còng cổ thụ, sừng sững hiên ngang giữa khuôn viên. Mỗi mùa thay lá, những thân cây còng hiện rõ vẻ đẹp già cỗi, mang một nét đẹp lạ thường, độc đáo. Loài cây này còn được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như me tây, muồng tím, muồng ngủ,… Ở các quốc gia khác, còng được gọi là Saman, Rain tree, Monkey pod, Filinganga,…
Như những ngôi chùa Khmer khác, chùa Krăng Krốch là nơi diễn ra các hoạt động văn hóa cộng đồng của người dân địa phương. Nơi đây lưu giữ tro cốt của những người đã khuất, được gia đình họ gửi vào tháp trong chùa. Các dòng họ có điều kiện sẽ tự xây dựng tháp riêng cho gia tộc, còn những gia đình khó khăn sẽ được hỗ trợ để đặt cốt vào tháp lớn do sư cả xây dựng. Trước đây, chùa còn là nơi dạy học lớp sơ cấp Bali và chữ Khmer cho các tăng, sư sãi.
Từ chùa Hàng Còng đi tiếp lên phía trên khoảng hơn 2km, du khách sẽ bắt gặp một chiếc cổng chùa vô cùng ấn tượng, được ví như "cổng trời" Tri Tôn - điểm check-in không thể bỏ qua của giới trẻ. Chiếc cổng chùa Koh Kas sừng sững giữa khung cảnh thanh bình, tĩnh lặng của những cánh đồng lúa mênh mông, mang đậm dấu ấn kiến trúc Nam Bộ độc đáo. Những hoa văn và chi tiết được chạm khắc tinh xảo trên cổng, kết hợp cùng sự phối màu bắt mắt, tạo nên điểm nhấn nổi bật giữa đất trời Tây Nam Bộ.