Điểm đến

Ngôi chùa Việt rộng 6.000m2 không bao giờ đóng cửa: Bên trong cất giữ tượng báu của Hoàng gia xứ chùa vàng

Quỳnh Châu 22/11/2023 - 11:23

Ngôi chùa mang vẻ đẹp hài hòa giữa hai phong cách kiến trúc Nhật Bản và Ấn Độ, thu hút rất nhiều du khách ghé thăm khi đến với Cố đô Huế.

Chùa Huyền Không 1 còn có tên là chùa Huyền Không Sơn Trung tọa lạc ở ngoại vi thành phố Huế, tại thôn Nham Biền, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế. Chùa nằm cách chùa Thiên Mụ khoảng 3km về phía Tây. Đây cũng chính là ngôi chùa theo hệ Phật giáo Nam Tông ở Cố đô.

Empty

Theo nhiều người cao tuổi trong làng thì tiền thân của chùa Huyền Không ban đầu là một chùa nhỏ dựng lên bằng tre nứa vào năm 1973 ở phía Bắc của đèo Hải Vân, nằm ở Lăng Cô, huyện Phú Lộc xưa. Sau đó 5 năm, tức là vào năm 1978, chùa mới được sư Giới Đức cho chuyển về vị trí hiện nay với phần cửa chùa hướng về phía Đông Nam. Đến năm 1993, phần Chánh Điện chùa được xây dựng lại quy mô hơn và hoàn thành vào 2 năm sau đó.

Huyền Không tự là một công trình tôn giáo có sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp kiến trúc Nhật Bản và Ấn Độ. Không chỉ là nơi chiêm bái Phật pháp và cầu an của nhiều Phật tử cũng như du khách gần xa, còn sở hữu vẻ đẹp độc đáo giữa khung cảnh nên thơ của xứ Huế mộng mơ nên ngôi chùa đã nhanh chóng trở thành điểm check in không thể bỏ qua khi du khách đến du lịch Cố đô.

Nhìn từ xa, chùa Huyền Không 1 hiện lên vững chãi, tọa lạc giữa một khuôn viên khá rộng lớn với tổng diện tích lên đến 6.000m2. Công trình tôn giáo này được quy hoạch thành một khung cảnh tràn ngập cây xanh, yên bình và tĩnh tại giữa vùng sông núi hữu tình của đất Thần Kinh. Chùa này được xây dựng từ các vật liệu hiện đại như bê tông, cốt thép nên tạo nên sự chắc chắn, thêm sự uy nghiêm và trang trọng thường có của nơi tu tập, thiền tịnh.

Empty

Từ cổng chùa Huyền Không vào, du khách đã cảm nhận được sự khác biệt trong kiến trúc của ngôi chùa độc đáo này. Cổng chùa không có cửa, với thông điệp cửa chùa luôn rộng mở, là nơi tìm về tu tập, chuyển hóa cho tất cả chúng sinh. Cổng chùa được thiết kế trang trọng với 13 tầng mái chồng lên nhau cao 15m và rộng 13m thay vì thiết kế cổng tam quan thường thấy. Phần mái chịu nhiều ảnh hưởng từ kiến trúc phật giáo Ấn Độ với chi tiết trang trí bằng chim khổng tước, hoa văn mềm mại uốn lượn, kết hợp với ngói đỏ.

Empty

Bọc quanh thân cổng và các thân trụ tường thành hai bên cổng là một nhóm phù điêu chưa từng xuất hiện ở các công trình kiến trúc Phật giáo Việt Nam từ xưa đến nay. Nguồn gốc các họa tiết phù điêu này được các nghệ nhân lấy cảm hứng từ hoa văn trên các tòa tháp ở thánh địa Mỹ Sơn.

Chánh điện trang trí đơn giản, thanh tịnh và trong sáng, có diện tích 12m x 24m, lợp ngói măng âm – dương. Không gian chánh điện mang hơi hướng phong cách kiến trúc Nhật Bản, với hành lang rộng, nhiều cột tròn và đèn lồng treo xung quanh. Tuy nhiên, hệ thống cột kèo, xuyên, xà bằng bê tông giả gỗ tại các vòm mái lại theo kiến trúc truyền thống của Việt Nam.

Cửa chính điện chùa được thiết kế theo dạng tam quan với vật liệu gỗ và tông màu nâu giản dị. Phía trước chánh điện là tôn tượng Đức Phật mạ vàng, phía sau là những nhánh đồ đề xanh biếc. Đây là bức tượng được Hoàng gia Thái Lan trao tặng nhân sự kiện Hòa thượng Pháp Tông – trụ trì chùa Huyền Không được Quốc vương Thái Lan sắc phong tước vị cao quý Chao Khun - thể hiện danh dự, bổn phận, sự tín nghiệm của Quốc vương trong các triều đại Hoàng gia Thái Lan đối với các bậc hộ trì chánh pháp vào năm 2017.

Empty

Trong chánh điện, tại vị trí trung tâm, bài trí duy nhất một pho tượng Đức Phật Thích Ca sơn màu vỏ trứng sẫm, cao 1,54m, đặt trên toà sen cao 1,5m. Tượng có vẻ mặt thanh thoát và từ ái, tay phải đưa lên, tay trái đặt trên lòng bàn chân. Với tư thế này, Ðức Phật như đang đàm đạo cùng các đệ tử, tạo cảm giác gần gũi, vừa trang nghiêm, vừa ấm cúng.

Empty

Kiến trúc có những chi tiết chạm trổ và điêu khắc tinh tế, tỉ mỉ và sắc nét. Mái đao, hai đầu nóc, và nhiều đường cách điệu. Trên tường có những bức phù điêu đắp lộng biểu tượng tứ linh long, lân, quy, phượng với hai gam màu xanh lam, trắng.

Công trình đặc biệt và nổi bật nhất ở chùa Huyền Không Sơn Trung chính là một Bảo tháp Đại Giác được xây mô phỏng theo nguyên mẫu là ngôi đại tháp Mahā Bodhi Gāya ở Ấn Độ nhưng có kích cỡ nhỏ hơn. Có lẽ chính vì vậy mà khi check in ở chùa Huyền Không, nhiều du khách đã nhận xét ngôi chùa mang dáng vẻ Ấn Độ khá rõ nét.

Empty

Bảo Tháp Đại Giác chỉ có một tầng nền làm đế, còn khu vực phía trên là quần thể tháp 5 ngôi. Trong đó, ngôi tháp chính có không gian bên khá rộng và được bố trí thành 6 tầng. Tháp chính có chiều cao là 37m, còn bốn tháp phụ xung quanh cao khoảng 24m, cạnh đáy dọc là 9,4m và chiều dài cạnh đáy ngang là 15,4m. Bốn ngọn tháp phụ này mang tính trang trí và đối trọng lực cho tháp chính. Mặt khác, các kiến trúc này cũng nhằm tạo sự cân bằng cho tổng thể chùa Huyền Không 1 khi rơi vào điều kiện thời tiết khắc nghiệt như mưa dầm nhiều ngày, lũ lụt, bão lớn hay động đất. Để làm phần khung chịu lực cho quần thể tháp, người ta đã sử dụng gạch đất sét nung với hệ dầm và cột bê tông kiên cố.

Empty

Ngoài ngôi bảo tháp có kiến trúc Ấn đặc sắc, ngôi chùa đẹp ở cố đô Huế này còn cuốn hút du khách khắp nơi bởi không gian cổ kính và thanh tĩnh.

Kiến trúc đẹp mắt của chùa Huyền Không 1 của Huế còn thể hiện qua các thành kèo cột, xuyên xà. Hầu hết đều được chạm trổ và điêu khắc tinh tế, tỉ mỉ và sắc nét. Nhất là những bức phù điêu đắp lộng gam màu xanh lam và trắng làm tôn thêm sự uy nghiêm của biểu tượng long, lân, quy, phượng. Qua đó càng khiến toát lên dấu ấn văn hoá tiêu biểu của cung đình Huế. Chi tiết trang trí này còn gợi nhắc đến một công trình kiến trúc nổi tiếng khác cũng sử dụng nhiều mảnh sành và gốm đắp lên nhiều tiểu cảnh ở nội thất. Đó chính là lăng Khải Định Huế - nơi cũng có sự giao thoa phong cách xây dựng Pháp - Việt.

Cột cờ ở độ cao gần 1.500m được lưu truyền là nơi rồng ở, nằm trên ngọn núi thiêng nơi địa đầu Tổ quốc

Việt Nam có ngôi chùa 56 năm tuổi làm hoàn toàn bằng vỏ ốc, vỏ sò, tháp cao 30m, hệ thống đường hầm lên đến 500m

Loại quả vị chua có sẵn ở Việt Nam giúp xương chắc khỏe và kiểm soát đường huyết hiệu quả

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/ngoi-chua-viet-rong-6000m2-khong-bao-gio-dong-cua-ben-trong-cat-giu-tuong-bau-cua-hoang-gia-xu-chua-vang-d111819.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ngôi chùa Việt rộng 6.000m2 không bao giờ đóng cửa: Bên trong cất giữ tượng báu của Hoàng gia xứ chùa vàng
    POWERED BY ONECMS & INTECH