Ngôi làng cổ 4.000 năm tuổi nằm ở độ sâu 7m dưới lòng đất: Mỗi gia đình phải đào mất 2-3 năm, quanh năm ‘nghe tiếng nhưng không thấy người’
Ngôi làng này được xem là “độc nhất vô nhị” với biệt danh “ngôi làng tàng hình,” bởi nơi đây không thấy nhà cửa, còn người dân thì “chui” cả xuống lòng đất.
Nếu Bắc Kinh nổi tiếng với kiến trúc Tứ Hợp Viện thì ở Hà Nam - tỉnh miền Bắc Trung Quốc lại có một địa phương thu hút sự chú ý với kiểu nhà đặc biệt mang tên Địa Khanh Viện – nghĩa là khu nhà nằm trong hố sâu dưới lòng đất.
Trong suốt 4.000 năm qua, người dân nơi đây đã sống trong những ngôi nhà nằm gọn dưới lòng đất với một khoảng sân ở giữa giống như giếng trời để đón ánh sáng tự nhiên. Vì vậy, khi đến ngôi làng này, du khách thường nói rằng ở đây “chỉ thấy tiếng chứ không thấy người".
Những ngôi nhà ở ngôi làng kỳ lạ này được xây dựng dưới lòng đất ở độ sâu 6-7m và chiều dài khoảng 12-15m. Để xây dựng một căn nhà như vậy, mỗi gia đình phải mất 2-3 năm để đào đất trước khi bắt đầu xây dựng. Các ngôi nhà thường có hình vuông, cạnh từ 10-12m và đều có sân rộng cùng đường hầm sâu dẫn ra bên ngoài.
Toàn bộ sinh hoạt của gia đình diễn ra trong không gian ấm cúng và kín đáo dưới lòng đất. Những ngôi nhà này rất thoáng mát vào mùa hè với nhiệt độ ổn định khoảng 20 độ C và mùa đông thì không lo dông gió, bất kể thời tiết bên ngoài thế nào thì bên trong vẫn rất ấm áp. Ngôi nhà cổ nhất trong làng đã hơn 200 năm tuổi và là nơi sinh sống của 6 thế hệ gia đình.
Các Địa Khanh Viện trong làng đều có cấu trúc giống nhau, mỗi nhà đều có bếp, phòng vệ sinh, khu vực nuôi gà. Để bảo quản lương thực, người dân dùng cây lau sậy đan thành cót, lót trấu phía dưới rồi đổ lương thực vào, sau đó phủ trấu lên trên và bịt kín bằng bùn. Nhờ cách này, lương thực có thể bảo quản đến 3 năm mà không hỏng.
Lối vào "Địa Khanh Viện" là một đường hầm dài hàng chục mét với các bậc thang dẫn xuống. Trong nội viện, người ta đào giếng để lấy nước sinh hoạt và xây dựng tường ngăn nước thấm, tránh tình trạng ngập lụt. Ngoài ra, giếng còn được dùng để trữ nước mưa và chứa nước thải. Phía trên "Địa Khanh Viện" là những mái viền và một đường bao xung quanh. Hiện tại, nơi đây vẫn còn tồn tại hơn 100 thôn xóm dưới lòng đất, với gần 10.000 "Thiên tỉnh viện".
Những ngôi nhà trong "Địa Khanh Viện" không khác biệt nhiều so với nhà trên mặt đất, đặc biệt là về nội thất, điểm khác duy nhất là chúng nằm trong lòng đất. Kỹ thuật xây dựng nhà ở dưới lòng đất này đã được công nhận là Di sản Văn hóa Phi vật thể của Trung Quốc vào năm 2011. Kiến trúc đơn giản, không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn rất độc đáo. Ở đây, phong tục truyền thống như bếp lò qua núi hay nghệ thuật cắt dán giấy vẫn được duy trì và các cuộc thi về nghệ thuật này thường xuyên được tổ chức.
Ngày nay, nhiều công ty du lịch đã khai thác tour tham quan đến các ngôi làng dưới lòng đất, thu hút đông đảo du khách. Khi đứng từ xa, hầu hết du khách đều ngạc nhiên khi chỉ thấy cây cối, nghe văng vẳng tiếng người, tiếng gà gáy, tiếng chó sủa mà không thấy rõ âm thanh phát ra từ đâu, như thể ngôi làng "tàng hình" vậy. Khi tiến lại gần, du khách sẽ thấy nhịp sống sôi động của người dân không khác gì các thôn làng trên mặt đất. Người dân trong "Địa Khanh Viện" sống quây quần, thân thiện và ấm cúng, rất khác biệt với cuộc sống đô thị hiện đại.
Hôn lễ ở ngôi làng này được tổ chức vô cùng trang trọng, tạo ấn tượng đặc biệt cho du khách. Tết Âm lịch là thời điểm lý tưởng để ghé thăm Địa Khanh Viện, không chỉ để thưởng ngoạn cảnh vật, kiến trúc mà còn để trải nghiệm nhiều lễ hội truyền thống của người dân nơi đây.