Cuối cùng vì quá tham lam mà người đàn ông này đã "trắng tay" thay vì nhận được khoản tiền đền bù kếch xù như đề nghị ban đầu.
"Nhà đinh" (nail house) là cụm từ xuất phát ở Trung Quốc, được sử dụng để chỉ những ngôi nhà, tòa nhà không chịu giải tỏa. Sở dĩ có tên gọi này vì chúng giống như những chiếc đinh không thể gỡ ra. Trong quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa với tốc độ siêu nhanh ở Trung Quốc, hiện tượng "nhà đinh" đã trở nên phổ biến.
Tuy nhiên, trên thế giới cũng xuất hiện một số ngôi nhà đinh như vậy. Ví dụ như trường hợp 1 ngôi nhà tọa lạc tại chính giữa thủ đô Washington sầm uất của nước Mỹ.
Đầu những năm 2000, trong giai đoạn thị trường bất động sản bùng nổ nhất, Austin Spriggs đã có được cơ hội mà nhiều người ví von là giống như “trúng số độc đắc”. Căn nhà ở Washington mà gia đình ông sở hữu nằm trong khu vực đắc địa mà các nhà phát triển bất động sản dự tính sẽ đền bù và giải tỏa để xây dựng 1 khu phức hợp hoành tráng với hàng trăm tòa chung cư và văn phòng.
Căn nhà 2 tầng sơn màu vàng nằm trên đại lộ Massachusetts đang được Spriggs sử dụng làm văn phòng của công ty kiến trúc nhỏ do ông lập nên. Ông mua nó từ năm 1980, với giá 135.000 USD cho căn nhà đã hơn 100 năm tuổi.
Các chủ đầu tư đã gõ cửa rất nhiều lần, đưa ra những mức đền bù hấp dẫn lên tới hàng triệu USD. Tuy nhiên, Spriggs đều từ chối và đòi hỏi số tiền cao hơn nữa.
Ngôi nhà trơ trọi khi các nhà xung quanh đều đã được giải tỏa |
Cuối năm 2003, một công ty đưa ra mức giá 2-3 triệu USD trong khi căn nhà của ông chỉ được định giá khoảng 199.340 USD theo giá trị thị trường. Nhưng Spriggs lắc đầu.
Scott Frankel, 1 môi giới bất động sản từng đại diện cho công ty Edenbaum, cho biết từng đưa ra mức giá 1,5 triệu USD nhưng Spriggs đòi gấp 10 lần số đó.
“Có thể có người trả gấp đôi, nhưng chắc chắn không ai trả gấp 10. Spriggs là người tràn đầy lòng tự hào về căn nhà của mình. Ông ấy đã sống ở đó hàng chục năm”, Frankel nói.
Không chỉ dừng lại ở đó, nhân vật này còn đưa ra 1 yêu cầu vô lý: trở thành kiến trúc sư chủ trì dự án mới. Khi những lời đề nghị không còn nhiều, ông tuyên bố sẽ biến ngôi nhà thành 1 tiệm pizza phục vụ những “người hàng xóm mới”.
Câu chuyện về người đàn ông này từng được bàn tán khắp Washington, nhưng cuối cùng đã có 1 kết thúc không có hậu.
4 năm sau, ngôi nhà của Spriggs lọt thỏm giữa 2 tòa nhà cao tầng đã được xây dựng xong. Tổng cộng những tòa nhà mới mang đến cho thị trường 120.000 feet vuông diện tích bán lẻ, hơn 1.700 căn hộ chung cư và diện tích văn phòng cho thuê lên tới 234.000 feet vuông.Với những tòa nhà mới tinh và hiện đại vừa được xây dựng quanh đó, giá trị căn nhà của Spriggs nhanh chóng sụt giảm.
Dự tính mở tiệm pizza cũng không trở thành sự thật.
Và cuối cùng bị kẹp giữa 2 tòa nhà cao tầng... |
Vì làm ăn thua lỗ, Spriggs buộc phải đóng cửa công ty và rơi vào cảnh phá sản. Để có tiền trả khoản vay 1,3 triệu USD, tránh bị ngân hàng phát mãi, ông tự rao bán ngôi nhà ở mức giá 1,5 triệu USD – bằng một nửa số tiền mà các nhà phát triển bất động sản từng đề nghị sẽ đền bù cho ông. Nhưng tệ hơn, với mức giá đó cũng không có ai mua.
Cuối cùng vào năm 2011 ông bán được căn nhà nhưng chỉ thu được 750.000 USD.
Vợ chồng Spriggs đã chuyển đi nơi khác sinh sống và ngôi nhà sau đó bị phá bỏ. Câu chuyện về căn nhà 2 tầng cũ kỹ của nhà Spriggs lại một lần nữa dậy sóng dư luận, nhưng ai cũng kết luận “tham thì thâm”. Cuối cùng vì quá tham lam mà người đàn ông này đã "trắng tay" thay vì nhận được khoản tiền kếch xù như đề nghị ban đầu.
>> Ông lão 92 tuổi là doanh nhân bất động sản kiếm được nhiều tiền nhất thế giới năm 2023