Người dân 'thắt lưng buộc bụng', tổng cầu thấp kỷ lục
Việt Nam đã kết thúc năm 2024 với nhiều kết quả ấn tượng. Trong đó, GDP năm 2024 ước tính tăng 7,09% so với năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng trưởng các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011 – 2024.
Kết quả tích cực trong năm 2024 là tiền đề quan trọng để bước sang năm 2025, nền kinh tế tăng tốc về đích, hoàn thành cao nhất các mục tiêu trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025.
Trong năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8% và phấn đấu tăng trưởng 2 con số.
Dù có sự khởi sắc so với năm 2023 nhưng sự phục hồi chậm của kinh tế thế giới vẫn khiến nhiều doanh nghiệp trong nước khan hiếm đơn hàng, phải cắt giảm quy mô sản xuất. Một số doanh nghiệp dù không cắt giảm nhân sự, thu nhập không đảm bảo đời sống nên không ít công nhân đã chủ động nghỉ việc. Điều này đã phản ánh sự suy giảm nguồn lực của cả người dân và doanh nghiệp sau những biến động kinh tế.
Bà Phí Thị Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng, Tổng cục Thống kê cho biết, trong năm 2024, số doanh nghiệp thành lập mới giảm 1,4% so với năm trước; số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh đã vượt mốc 100.000 doanh nghiệp. Điều này cũng đã cho thấy những khó khăn của doanh nghiệp vẫn đang hiện hữu.
Ngoài ra, bà Nga nhấn mạnh, sức mua và nhu cầu trong nước giảm cũng là lý do khiến các doanh nghiệp gặp khó cho đầu ra của sản phẩm. Do đó, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô sản xuất hoặc tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn.
Bên cạnh đó, thương mại điện tử phát triển vượt bậc cũng là lý do khiến nhiều cá nhân lựa chọn chỉ cộng tác và tham gia vào khâu trung gian bán hàng trên nền tảng số, sàn thương mại điện tử mà không thành lập doanh nghiệp để giảm chi phí hoạt động và tối đa hóa lợi nhuận.
Trong quý 4/2024, các doanh nghiệp đánh giá một số khó khăn đã có sự cải thiện hơn như vốn cho sản xuất kinh doanh và nguồn cung nguyên vật liệu.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp đánh giá vẫn còn 4 nhóm khó khăn chưa được cải thiện, gồm: giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận tải, kho bãi vẫn còn cao; thủ tục hành chính còn phức tạp; lao động và năng lực nội tại của doanh nghiệp.
Người dân dần ưu tiên tiết kiệm, giảm chi tiêu - Ảnh: Báo Kinh tế đô thị |
Tổng cầu suy giảm mạnh
Trong năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 9% so với năm trước, thấp hơn mức tăng trưởng của năm 2023 và đặc biệt, thấp hơn hẳn các năm trước đại dịch.
Trong bối cảnh kinh tế bất định, tâm lý “thắt lưng buộc bụng” khiến người dân dần ưu tiên tiết kiệm, giảm chi tiêu. Điều này tác động trực tiếp đến doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Ngoài ra, bất động sản – lĩnh vực có quan hệ mật thiết với 40 ngành khác còn gặp khó nên nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác như xây dựng, nội thất,... cũng chịu sự ảnh hưởng và buộc phải rời khỏi thị trường.
Bà Nga cho biết, để khắc phục tình trạng trên, các doanh nghiệp đã kiến nghị Nhà nước một số chính sách như: bình ổn giá nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng; tiếp tục giảm lãi suất cho vay; cải cách thủ tục hành chính;...
Các doanh nghiệp xây dựng, nhà thầu kiến nghị các thông tin đấu thầu cần công khai minh bạch hơn nữa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng kiến nghị các biện pháp để kích thích hoạt động xây dựng trong nước phát triển.
Ngoài ra, để tiết kiệm thời gian và tăng tính hiệu quả, các doanh nghiệp cũng kiến nghị cần điện tử hóa các giao dịch, giấy tờ,...
>>TS. Huỳnh Thế Du: ‘Đầu tư là cơ sở để Việt Nam tăng trưởng 2 con số’