Phân khúc nhà ở xã hội đang được quan tâm với hàng loạt hỗ trợ từ chính sách đến tìn dụng và các doanh nghiệp lớn đua nhau "nhảy vào". Tuy nhiên thực tế cho thấy giá nhà ở xã hội vẫn đang cách quá xa thu nhập của người lao động.
Theo các tổ chức chuyên nghiên cứu thị trường, hiện nay đang xảy ra tình trạng mất cân đối cung cầu nghiêm trọng trên thị trường bất động sản. Theo đó, phân khúc nhà ở phù hợp túi tiền và nhà ở xã hội với khoảng giá từ 25-30 triệu đồng/m2 gần như đã biến mất tại các đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM.
Thực tế cho thấy, giá nhà ở xã hội hiện nay cũng không còn rẻ khi bình quân mức giá công bố đều đã vượt ngưỡng 20 triệu đồng/m2.
Mới đây, một dự án nhà ở xã hội tại quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đã công bố giá bán ở mức 20 triệu đồng/m2, tuy nhiên, theo một số người có nhu cầu mua đã nộp hồ sơ thì mức giá trên chỉ là công bố, trường hợp nếu khách hàng đủ điều kiện mua thì vẫn phải trả thêm một khoản “tiền chênh” hàng trăm triệu đồng cũng như một số loại phí khác.
Như vậy, để mua được một căn nhà ở xã hội với diện tích tối thiểu khoảng 60m2, một hộ gia đình công nhân viên chức lao động sẽ phải bỏ ra ít nhất khoảng 1,3 tỷ đồng.
Trong khi đó, theo số liệu được đưa ra tại buổi họp báo về tình hình lao động việc làm quý 4 và năm 2022 do Tổng cục Thống kê tổ chức ngày 10/1/2023 tại Hà Nội thì năm 2022, thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 7,6 triệu đồng và hu nhập bình quân tháng của lao động nữ là 5,6 triệu đồng.
Như vậy, bằng một phép tính đơn giản có thể thấy, một gia đình cơ bản gồm 4 thành viên (bố, mẹ và 2 con) với 02 lao động sẽ có tổng thu nhập vào khoảng hơn 13 triệu đồng/tháng tức khoảng 158 triệu đồng/năm.
Với điều kiện sinh hoạt hiện nay, một gia đình được cho sẽ tối thiểu phải chi phí hết khoảng 10 triệu đồng/tháng cho tất cả các khoản thực phẩm, các loại phí dịch vụ, đóng học,… như vậy mỗi tháng, một gia đình lao động cơ bản tại các đô thị lớn sẽ tối đa tiết kiệm được khoảng 3 triệu đồng/tháng, tức khoảng 36 triệu đồng/năm.
Như vậy, nếu với mức giá nhà ở xã hội tại Hà Nội hiện nay, tối thiểu khoảng 1,3 tỷ đồng/căn, một gia đình cơ bản như trong ví dụ nêu trên nểu bỏ qua các yếu tố như lạm phát, tăng giá nhà ở xã hội trong tương lai thì sẽ phải tiết kiệm trong khoảng 36 năm.
Vừa qua, liên quan đến chính sách phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ cũng đã công bố đề án xây dựng ít nhất một triệu căn nhà ở xã hội từ nay cho đến năm 2030 trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn. Trong đề án, tổng vốn dự kiến cho kế hoạch là 849.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng vốn xã hội hóa.
Các ngân hàng cũng vào cuộc thông qua việc triển khai chương trình cho vay ưu đãi với quy mô 120.000 tỷ đồng trong đó từ nay đến hết 30/6, chủ đầu tư được vay 8,7% mỗi năm, kéo dài trong 3 năm kể từ ngày giải ngân còn người mua nhà được áp mức lãi suất 8,2% mỗi năm trong 5 năm. Sau thời gian này, Ngân hàng Nhà nước sẽ thông báo lãi suất định kỳ 6 tháng một lần.
Quay lại ví dụ cơ bản về một gia đình lao động cần mua nhà ở xã hội nêu trên có thể thấy, hiện nay, bên cạnh việc khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển các dự án nhà ở xã hội, các chính sách tín dụng cho vay mua nhà ở xã hội thì một bài toán cũng cần được tính đến là việc phải vừa giảm giá nhà ở xã hội đồng thời với việc tăng thu nhập của người lao động nhằm đảm bảo khả năng trả nợ vay mua nhà của người lao động.
Xử lý nghiêm 'cò mồi' nhận đổi giấy phép lái xe
Người Việt Nam có cơ hội ngắm đợt mưa sao băng lớn nhất năm vào tối nay và rạng sáng mai