Nguồn cung 'nhỏ giọt', giá căn hộ tăng cả ở thị trường sơ cấp và thứ cấp
Nguồn cung khan hiếm được xem là một trong những nguyên nhân khiến giá căn hộ bị đẩy lên cao cả ở thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Theo báo cáo từ CBRE Việt Nam, trong quý III/2024, giá căn hộ trên thị trường thứ cấp tại TP. HCM tiếp tục tăng nhẹ với mức tăng trung bình 3% so với quý trước và 5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt mức bình quân 48 triệu đồng/m2 diện tích thông thủy.
Hầu hết các phân khúc căn hộ đều ghi nhận xu hướng tăng giá bán thứ cấp trong quý này. Đặc biệt, phân khúc căn hộ hạng sang có sự tăng trưởng ấn tượng nhất với giá chuyển nhượng tăng gần 10% so với cùng kỳ năm trước.
Các dự án mới bàn giao tại khu vực Thủ Thiêm và Thạnh Mỹ Lợi trong năm qua ghi nhận mức tăng giá từ 10-20% nhờ vị trí đắc địa, chất lượng bàn giao cao cấp và khả năng cho thuê tốt.
Dữ liệu từ Viện nghiên cứu Đất Xanh Services cũng cho thấy trong 3 tháng vừa qua, thị trường chung cư không còn xuất hiện tình trạng cắt lỗ hay giảm giá trên thị trường thứ cấp. Thay vào đó, giá chuyển nhượng tại các dự án hiện hữu đã chênh lệch từ 10-20%.
Trên thị trường sơ cấp, giá bán căn hộ vẫn duy trì đà tăng từ 5-10% với sự mở rộng ra các loại hình bất động sản khác. Tuy nhiên, sự tăng giá này chủ yếu tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. HCM và các đô thị vệ tinh xung quanh.
Giá bán căn hộ hiện vẫn duy trì đà tăng từ 5-10% ở thị trường sơ cấp. Ảnh: Internet |
Niềm tin của thị trường được đánh giá đang dần khởi sắc, thể hiện qua số lượt tìm kiếm thông tin dự án, tham quan nhà mẫu liên tục gia tăng.
>> Thị trường BĐS Hà Nội đến hết năm 2025: Lịch sử rơi vào 'đáy' có lặp lại?
Sự tăng giá của căn hộ đã khiến người mua nhà dần điều chỉnh kỳ vọng của mình. Khảo sát cho thấy 33% khách hàng hiện nay chọn mua bất động sản có giá từ 3,5-5 tỷ đồng, cao hơn tỷ lệ chọn mua sản phẩm dưới 2,5 tỷ đồng (24%) và sản phẩm có giá từ 2,5-3,5 tỷ đồng (18%).
Giới quan sát thị trường cho rằng nguồn cung khan hiếm là một trong những yếu tố chính đẩy giá căn hộ lên cao, cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp.
Tuy nhiên, mức tăng cụ thể còn phụ thuộc vào chất lượng dự án, vị trí và tiện ích đi kèm, chứ không hoàn toàn do sự điều chỉnh từ phía người bán.
Đà tăng giá thứ cấp cũng được thúc đẩy bởi sức nóng từ thị trường sơ cấp. Nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường ghi nhận, trong quý III, giá bán căn hộ mới tại TP. HCM vẫn tiếp tục tăng.
Theo các chuyên gia, thị trường đã xuất hiện các dấu hiệu "tạo nhiệt". Ảnh minh họa |
CBRE Việt Nam báo cáo rằng giá bán trung bình đã đạt 66 triệu đồng/m2, tăng 4% theo quý và gần 8% theo năm, phần lớn do các dự án cũ điều chỉnh giá bán trong giai đoạn mở bán mới.
Savills cũng ghi nhận giá chung cư tại TP. HCM đạt mức 68 triệu đồng/m2 trong quý III, với xu hướng tăng giá mạnh trong các đợt mở bán tiếp theo. Dù giá tăng, các dự án sơ cấp vẫn duy trì tỷ lệ hấp thụ cao, cho thấy sức mua của thị trường còn rất lớn.
Theo bà Phạm Thị Miền - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Bất động sản Việt Nam, nhu cầu cao đã khiến nhiều người sở hữu chung cư liên tục nhận được các cuộc gọi hỏi mua nhà. Mặc dù giá bán tăng, các dự án mới vẫn ghi nhận tỷ lệ hấp thụ tích cực.
Không chỉ loại hình căn hộ, các dự án nhà thấp tầng mới từ các chủ đầu tư lớn cũng ghi nhận lượng đặt chỗ kỷ lục, bất chấp giá cả leo thang. Những căn hộ có vị trí đắc địa không chỉ có giá cao, mà khách hàng còn phải chấp nhận trả thêm chênh lệch để sở hữu.
Dù vậy, ngoài những yếu tố về cung cầu thực tế, thị trường cũng bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu "tạo nhiệt". Điều này thể hiện qua việc đầu cơ đất đai, đẩy giá nhà và phát sinh các giao dịch bất động sản thiếu minh bạch.
Không ít nhà đầu tư nhỏ lẻ đã tham gia thị trường với mục tiêu lướt sóng, khiến giá bất động sản bị đẩy lên không hợp lý. Những dấu hiệu này phần nào xuất phát từ nguồn cung hạn chế dù thời gian gần đây đã có sự cải thiện nhưng không mấy đáng kể.