Trước việc ứng dụng chỉnh sửa ảnh anime - tạo ảnh như nhân vật phim hoạt hình đang “hot” trên các mạng xã hội tại Việt Nam, Cục An toàn thông tin, Bộ TT&TT, chỉ ra nhiều rủi ro với người dùng.
Trong khoảng hơn 2 tuần gần đây, trào lưu chỉnh sửa ảnh anime - tạo ảnh như nhân vật phim hoạt hình qua các app như Loopsie đang được nhiều người dùng các mạng xã hội tại Việt Nam đua nhau sử dụng. Trước đó, nhiều ứng dụng chỉnh sửa ảnh khác như tạo ảnh phong cách cổ trang, sửa ảnh chân dung thành tác phẩm nghệ thuật, chỉnh ảnh thành tranh sơn dầu hay thay gương mặt cá nhân vào các nhân vật nổi tiếng cũng từng gây sốt trên các mạng xã hội.
Trao đổi với VietNamNet, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật của Công ty cổ phần Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS) nhận định, việc sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa, tạo hiệu ứng cho ảnh luôn là một nhu cầu không thể thiếu của người dùng, với mong muốn tạo được nhiều bức ảnh độc, lạ theo ý muốn. Bằng sự hỗ trợ của công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI thì các ứng dụng chỉnh sửa ảnh ngày càng có sức hút lớn và nhanh chóng được phổ biến, lan truyền tới nhiều người dùng.
Tuy vậy, chuyên gia NCS chỉ ra rằng, khi sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa ảnh, người dùng sẽ phải đối mặt với các nguy cơ mất an toàn thông tin, bị lộ lọt dữ liệu cá nhân.
Cụ thể, để xử lý ảnh, các hình ảnh của người dùng sẽ được ứng dụng tải lên máy chủ của nhà cung cấp dịch vụ. Do vậy, sẽ có những nguy cơ về lộ lọt dữ liệu. “Lời khuyên với người dùng là không nên đưa các bức ảnh nhạy cảm, ảnh mang tính chất riêng tư vào app”, chuyên gia NCS lưu ý.
Cũng theo phân tích của ông Vũ Ngọc Sơn, các bức ảnh người dùng chụp bằng điện thoại di động thường sẽ có thêm các thông tin về thời gian, loại thiết bị đang sử dụng và đặc biệt là vị trí chụp bức ảnh. Từ những thông tin này, người khác có thể tổng hợp ra được thói quen, lịch trình hoạt động, di chuyển của người dùng. Vì thế, mọi người cần cân nhắc nếu không muốn các thông tin này bị lộ lọt.
Đáng chú ý, việc cung cấp nhiều bức ảnh cho một hệ thống khác cũng sẽ có nguy cơ bị lợi dụng để tạo ra ảnh giả mạo, video giả mạo. Nếu ảnh lọt vào tay các đối tượng xấu, chúng có thể sử dụng những bức ảnh này để AI học, sau đó dùng công nghệ Deepfake để tạo ra ảnh giả mạo, video giả mạo phục vụ các mục đích xấu, thậm chí là lừa đảo.
“Vì thế, trong mọi tình huống, kể cả là các trào lưu mới, người dùng vẫn nên thận trọng, không nên vì vài phút vui trên mạng xã hội mà đánh đổi dữ liệu cá nhân, đặc biệt là dữ liệu khuôn mặt của mình”, chuyên gia Vũ Ngọc Sơn nêu quan điểm.
Nguy cơ về an toàn thông tin với người dùng ứng dụng chỉnh sửa ảnh phong cách hoạt hình cũng vừa được báo chí đặt câu hỏi cho đại diện Cục An toàn thông tin, ông Nguyễn Duy Khiêm, tại cuộc họp báo thường kỳ tháng 9 của Bộ TT&TT.
Chia sẻ quan điểm của Cục An toàn thông tin về vấn đề này, ông Nguyễn Duy Khiêm nhấn mạnh, việc sử dụng các ứng dụng chỉnh sửa ảnh anime và cung cấp hình ảnh, khuôn mặt cá nhân tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về an toàn thông tin.
Bởi lẽ, ngoài việc yêu cầu người sử dụng cung cấp hình ảnh, ứng dụng còn yêu cầu cho phép truy cập vào kho ảnh, camera điện thoại và một số quyền khác. Trên cơ sở có được các thông tin về khuôn mặt, hình dáng và các thông tin khác như địa chỉ email, số điện thoại..., nhà cung cấp ứng dụng có thể thu thập, lưu trữ và xử lý thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân của người sử dụng vào các mục đích khác nhau.
Bên cạnh đó, công nghệ thanh toán, xác nhận tài khoản bằng khuôn mặt đang rất phổ biến, do đó kẻ xấu hoàn toàn có thể lợi dụng hình ảnh để đánh cắp tài khoản cá nhân.
Theo phân tích của các chuyên gia Cục An toàn thông tin, một trong những hình thức lừa đảo phổ biến hiện nay là cuộc gọi video deepfake. Các đối tượng thông qua công nghệ trí tuệ nhân tạo - AI sao chép chân dung để tạo ra các đoạn video giả người thân, bạn bè, từ đó thực hiện các cuộc gọi lừa đảo trực tuyến.
Để giảm thiểu nguy cơ lộ lọt thông tin, Cục An toàn thông tin khuyên người dùng hạn chế chia sẻ hình ảnh, thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân lên các nền tảng mạng xã hội; chọn lọc, sử dụng các ứng dụng uy tín; đọc kỹ các điều khoản, yêu cầu của nhà cung cấp dịch vụ trước khi sử dụng. Đặc biệt là, người dùng không nên cung cấp những hình ảnh nhạy cảm, riêng tư lên các ứng dụng.
Theo khuyến nghị của đại diện Cục An toàn thông tin, người dùng cần đặc biệt lưu ý, trước khi cài đặt bất kỳ ứng dụng nào, cần xem xét đầy đủ các quyền mà ứng dụng muốn truy cập. Đồng thời, kiểm soát các quyền truy cập của ứng dụng đến các thông tin cũng như chức năng có trên các thiết bị thông minh.
Khi sử dụng các nền tảng, ứng dụng và được yêu cầu cung cấp thông tin, người dùng cần biết cung cấp thông tin cho đối tượng nào, mục đích sử dụng là gì. Những nền tảng, ứng dụng chưa được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đánh giá, khuyến nghị an toàn thì người dùng không nên sử dụng.
Ông Nguyễn Duy Khiêm cho biết thêm, thời gian qua, Cục An toàn thông tin đã triển khai nhiều biện pháp, đồng thời tăng cường tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ thông tin, dữ liệu cá nhân trên không gian mạng. “Chúng tôi cũng mong muốn các cơ quan báo chí cùng vào cuộc để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ thông tin cá nhân, dữ liệu cá nhân cho người dân”, đại diện Cục An toàn thông tin đề nghị.
Cảnh báo 3 thủ đoạn lừa đảo phổ biến trên không gian mạng Việt Nam
5 nhóm mã độc mã hóa dữ liệu, đánh cắp thông tin hoạt động mạnh tại Việt Nam