Ông là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XVI.
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm là danh nhân văn hóa, nhà thơ lớn, nhà giáo vĩ đại, bậc sư biểu được người đời tôn vinh. Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí ở quyển Nhà Nho có đức nghiệp viết: Nguyễn Bỉnh Khiêm học rộng khắp các sách, hiểu sâu nghĩa lý Kinh dịch; mưa, nắng, họa, phúc, việc gì cũng biết trước; không ngày nào quên đời, lòng lo thời thương đời...
Học giả lớn của thời đại
Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585), tên huý là Nguyễn Văn Đạt, tên tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân Am cư sĩ, được các môn sinh tôn là Tuyết Giang phu tử. Ông là một trong những nhân vật có ảnh hưởng nhất của lịch sử cũng như văn hóa Việt Nam trong thế kỷ XVI.
Nguyễn Bỉnh Khiêm sinh ra ở làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Cha ông là Nguyễn Văn Định, nổi tiếng học giỏi. Mẹ là bà Nhữ Thị Thục, con gái út của quan tiến sĩ Thượng thư Bộ Hộ Nhữ Văn Lan triều vua Lê Thánh Tông - người học rộng, giỏi tướng số.
Theo cuốn Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Thiếp - ba bậc thầy của nền giáo dục Việt Nam, từ tuổi ấu thơ, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được giáo dục cẩn thận, rèn luyện cả về thể lực và trí lực nên to khỏe, thông minh khác thường, chưa đến 1 tuổi đã nói sõi. Phả ký chép rằng: “Một buổi sáng, ông Văn Định bế bé Khiêm ngồi đọc sách, bỗng bé nói Mặt Trời mọc ở phía Đông rồi. Ông Văn Định cũng lấy làm lạ”.
Lên 4 tuổi, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã được mẹ dạy sách Kinh, thơ Nôm… Hầu hết nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của ông đều ghi nhận ảnh hưởng lớn từ bên họ ngoại trong việc hình thành nhân cách cũng như tài năng của ông.
Đến tuổi trưởng thành, nghe tiếng Bảng nhãn Lương Đắc Bằng ở làng Lạch Triều nổi danh trong giới sĩ phu đương thời, Nguyễn Bỉnh Khiêm đến tận nơi tầm sư học đạo. Vốn sáng dạ lại chăm chỉ học hành nên Nguyễn Bỉnh Khiêm nhanh chóng trở thành học trò xuất sắc của thầy. Sau này, khi Lương Đắc Bằng mất, ông đã giao con trai mình là Lương Hữu Khánh cho Nguyễn Bỉnh Khiêm nuôi dạy.
Lớn lên trong thời kỳ nhà Hậu Lê rơi vào khủng hoảng, suy tàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã không ra ứng thi sớm. Tính từ khi trưởng thành, ông bỏ qua sáu khoa thi dưới triều Lê sơ. Ngay cả khi nhà Mạc lên thay cho Lê sơ năm 1527, xã hội dần đi vào ổn định, ông vẫn chưa ra ứng thi mà bỏ qua hai khoa thi đầu dưới triều Mạc.
Tới năm 1535, dưới thời vua Mạc Thái Tông Đăng Doanh - thời thịnh trị nhất của nhà Mạc, ông mới quyết định đi thi và đậu ngay Trạng nguyên. Năm đó, ông đã ngoài 40 tuổi.
Sau khi đỗ đạt, Nguyễn Bỉnh Khiêm được bổ nhiệm làm nhiều chức vụ. Đến khi Mạc Thái Tông đột ngột qua đời vào năm 1540, Mạc Hiến Tông còn ít tuổi lên thay cha khiến triều chính nhiễu nhương, Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ trị tội 18 lộng thần nhưng không được vua chấp nhận nên năm 1542 đã xin về quê.
Sau hai năm, vua Mạc lại sai người về phong tước Trình Tuyền Hầu cho ông rồi lại thăng ông lên chức Thượng thư Bộ Lại, Thái phó, tước Trình Quốc Công.
Khả năng tiên tri thấu thị?
Thời ấy, tại Thăng Long chúa Trịnh cũng ra sức ức hiếp vua Lê và muốn phế bỏ, liền cho người hỏi ý kiến Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông không trả lời rồi lẳng lặng dẫn sứ giả ra thăm chùa và nói với nhà sư rằng: “Giữ chùa Phật thì ăn oản”, ngụ ý muốn khuyên chúa Trịnh cứ tôn phò nhà Lê, quyền hành tất giữ được. Nếu tự ý phế lập sẽ dẫn đến binh đao.
Còn đối với nhà Mạc, sau những cuộc chiến tranh liên miên, phải bỏ chạy lên Cao Bằng thủ thế, vua Mạc cho người về hỏi ý kiến, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã trả lời rằng: “Cao Bằng tuy thiển, khả diên số thế” (Cao Bằng tuy đất hẹp nhưng có thể giữ được vài đời). Quả nhiên mãi đến năm 1688, sau 3 đời giữ đất Cao Bằng, nhà Mạc mới bị diệt.
Không chỉ vậy, ông còn để lại cho hậu thế 487 câu sấm ký gọi là “Sấm Trạng Trình” cách đây đã trên 500 năm. Lạ kỳ là các sự kiện lịch sử Việt Nam và thế giới đã xảy ra trong suốt 500 năm qua có không ít điều "ứng” vào các câu ghi trong “Sấm Trạng Trình".
Trong Sấm Ký, Trạng ghi rõ về những biến thiên trong lịch sử Việt Nam từ thời Hồng Bàng cho đến hôm nay. Nguyễn Bỉnh Khiêm cũng được xem là người đầu tiên trong lịch sử nhắc đến hai chữ Việt Nam thông qua câu Sấm "Việt Nam khởi tổ gầy nên". Tên nước lúc ông tiên tri là Đại Việt, 300 năm sau đổi thành Nam Việt và sau đó trở thành Việt Nam như hiện nay.
Các truyền thuyết trên muốn chứng tỏ rằng Nguyễn Bỉnh Khiêm có tài tiên đoán, do nắm được bí truyền của sách “Thái ất thần kinh”. Nguyễn Bỉnh Khiêm đã để lại cho hậu thế những tác phẩm văn thơ có giá trị, học trò của ông cũng có người thành đạt trở thành danh tướng, Trạng nguyên như: Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Quyền...
Có thể nói ở thế kỷ thứ XVI, Nguyễn Bỉnh Khiêm là nhà triết học lớn của Việt Nam. Với sự uyên thâm vốn có, ông được triều đình nhà Mạc và sĩ phu đương thời phong là Trình Tuyền Hầu, tức là một vị hầu tước khơi nguồn dòng suối triết học của họ Trình (tức Trình Di, Trình Hiện - hai nhà triết học khai phá ra phái Lạc Dương của Tống Nho), hoặc đời còn gọi ông là cụ Trạng Trình.
Ông còn được suy tôn là Thanh Sơn Đạo sĩ (còn được gọi là Thanh Sơn Chơn Nhơn), là một trong ba vị Thánh linh thiêng của Đạo Cao Đài. Bức tranh Tam Thánh ký hòa ước được lưu thờ tại tòa Thánh Tây Ninh có vẽ chân dung của Nguyễn Bỉnh Khiêm bên cạnh Victor Hugo và Tôn Trung Sơn.