Nhà thờ gỗ đẹp và cổ bậc nhất Việt Nam: Kiến trúc độc đáo, hơn 100 năm vẫn tồn tại vững chãi
Bất chấp nắng gió của vùng đất Tây Nguyên, nhà thờ gỗ bao năm qua vẫn tồn tại vững chãi và trở thành một trong những biểu tượng của địa phương.
Nhà thờ gỗ, hay còn được gọi là Nhà thờ Chánh tòa Kon Tum là công trình Công giáo nổi bật nằm trên đường Nguyễn Huệ, phường Thống Nhất, TP. Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Được xếp vào top 10 nhà thờ đẹp nhất Việt Nam, nhà thờ gỗ không chỉ là biểu tượng tôn giáo mà còn là niềm tự hào văn hóa và kiến trúc của người dân Kon Tum nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung.
Công trình được linh mục Pháp Giuse Decrouille khởi công xây dựng từ năm 1913 và hoàn thành vào năm 1918. Trải qua hơn một thế kỷ, dù chịu ảnh hưởng của thời gian, thời tiết và chiến tranh, nhà thờ vẫn vững chãi, giữ nguyên vẻ đẹp uy nghiêm.
Công trình này là thành quả của những nghệ nhân tài hoa đến từ Bình Định và Quảng Ngãi. Nhà thờ được xây dựng chủ yếu bằng gỗ cà chít, một loại sến đỏ đặc trưng của Tây Nguyên. Điểm đặc biệt là toàn bộ công trình không sử dụng bê tông cốt thép hay đinh, mà các tấm gỗ được liên kết với nhau bằng mộng, tường và trần được trát đất trộn rơm theo lối xây dựng truyền thống miền Trung.
Về kiến trúc, nhà thờ gỗ kết hợp phong cách Roman phương Tây với kiến trúc nhà sàn của người Ba Na, tạo nên một kiệt tác giao thoa giữa văn hóa Tây phương và bản sắc dân tộc.
Nhà thờ có tổng diện tích lên tới 700m2, bao gồm giáo đường, nhà khách, nhà rông, khu trưng bày sản phẩm văn hóa dân tộc, cùng các cơ sở từ thiện như cô nhi viện, xưởng dệt thổ cẩm của đồng bào địa phương.
>> Cảnh hoang tàn, xuống cấp của những ngôi biệt thự cổ ở Đà Lạt
Tháp chuông nhà thờ cao 24m, nổi bật với thiết kế bốn tầng, càng lên cao càng thu nhỏ, được nâng đỡ bởi các cột gỗ vững chắc. Đỉnh tháp là cây thánh giá bằng gỗ quý, tạo nên nét uy nghiêm và thiêng liêng. Phần mái và hành lang bên hông nhà thờ mang hình dáng đặc trưng của mái nhà rông người Ba Na, vừa độc đáo vừa gần gũi với văn hóa bản địa.
Bên trong, không gian thánh đường rộng lớn và thoáng đãng với hệ thống cột gỗ liên kết theo dạng vòm. Ban thờ được bài trí trang nghiêm, cùng các bức tranh kính màu rực rỡ mô tả các điển tích trong kinh thánh, vừa tạo ánh sáng tự nhiên vừa tăng vẻ đẹp tráng lệ.
Nhà thờ gỗ Kon Tum ngày nay thuộc Giáo phận Kon Tum, một trong những giáo phận lâu đời nhất Tây Nguyên.
Với vẻ đẹp uy nghiêm, kiến trúc độc đáo và giá trị văn hóa, nhà thờ gỗ không chỉ là niềm tự hào của người dân Kon Tum mà còn là điểm đến không thể bỏ qua khi đặt chân đến Kon Tum cũng như vùng đất Tây Nguyên.