Hiện tại, mức giá xe ô tô tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực (Thái Lan, Indonesia) và con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Mỹ và Nhật Bản.
Khoảng 80-90% nguyên liệu sản xuất linh kiện phải nhập khẩu
Bộ Công Thương đánh giá, mặc dù đã đạt được những kết quả nhất định, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự, phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản, dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra.
Cụ thể, mức giá xe tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực (Thái Lan và Indonesia) và con số này còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Mỹ và Nhật Bản.
Theo thông tin từ Bộ Công thương, nguyên nhân lớn nhất khiến giá xe tại Việt Nam ở mức cao là do thuế và phí cao, đồng thời sản lượng tích lũy trong nước thấp. Chất lượng xe sản xuất, lắp ráp trong nước mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa thực sự bằng xe nhập khẩu; chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện...
Về tỷ lệ nội địa hóa đối với xe cá nhân đến 9 chỗ vẫn còn thấp so với mục tiêu đề ra. Các sản phẩm đã được nội địa hóa như: Săm, lốp, ghế ngồi, gương, kính, bộ dây điện... Có tới 80-90% nguyên liệu chính cho sản xuất linh kiện phải nhập khẩu.
Về nguyên nhân khiến cho ngành ô tô còn nhiều chưa đạt được tiêu chí, Bộ Công Thương cho rằng do dung lượng thị trường nội địa hạn chế. Thị trường nhỏ và bị phân tán bởi nhiều nhà lắp ráp, nhiều model khác nhau khiến cho các công ty sản xuất khó đầu tư, phát triển sản xuất hàng loạt, doanh nghiệp phụ trợ chưa đủ khả năng tiếp cận chuỗi sản xuất ô tô ở nước ngoài.
GDP bình quân đầu người chưa đủ để đa số người dân sở hữu ô tô. Bởi theo tính toán, mức bình quân phải đạt 4.000 USD/năm mới có thể thúc đẩy sự tăng trưởng công nghiệp ôtô phát triển nhanh chóng.
Các quốc gia có trình độ phát triển hơn trong khu vực như Thái Lan, Indonesia đã có chính sách thu hút các dự án đầu tư quy mô lớn, gây sức ép cạnh tranh lên ngành ô tô Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Công Thương còn cho rằng chính sách phát triển công nghiệp ô tô không đồng bộ, ổn định. Chưa chủ động về các vật liệu cơ bản, năng lực sản xuất của doanh nghiệp còn thấp; việc thu hút các nguồn vốn FDI không có các cơ chế ràng buộc; hệ thống giao thông yếu kém...
Sự quan trọng của chính sách giảm phí, thuế trong ngành ô tô Việt
Theo Bộ Công Thương, nguyên nhân lớn nhất khiến giá xe tại Việt Nam ở mức cao là do thuế và phí cao, đồng thời sản lượng tích lũy trong nước thấp.
Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính đánh giá tác động của việc không áp dụng quy định về mức độ rời rạc đối với linh kiện ô tô nhập khẩu.
Tính đến cuối năm 2022, cả nước có hơn 40 doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô với sản lượng sản xuất lắp ráp đáp ứng khoảng 70% nhu cầu xe dưới 9 chỗ trong nước. Tổng công suất lắp ráp của các nhà máy tại Việt Nam khoảng 755.000 xe/năm.
Với dân số khoảng 100 triệu người, Việt Nam hiện là thị trường ô tô tiềm năng hàng đầu của khu vực ASEAN. Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực về phát triển công nghiệp sản xuất ôtô thì Việt Nam chịu thiệt thòi vì phải hội nhập khu vực khi thị trường còn nhỏ để tổ chức sản xuất kinh doanh quy mô lớn, tỷ lệ nội địa hóa thấp, giá xe cao.
Nhờ chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất lắp ráp trong nước, thị trường ô tô xe du lịch dưới 9 chỗ đã cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ từ tháng 1 đến tháng 5, tổng doanh số bán xe toàn thị trường trong 5 tháng đầu năm 2022 tăng gần 49% so với cùng kì năm 2021. Điều này cho thấy tác động rất đáng kể của chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ tới nhu cầu của thị trường xe du lịch dưới 9 chỗ.
Ngoài ra, chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế Tiêu thụ đặc biệt cho doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước (Nghị định 109/2020/NĐ-CP) đã đóng góp vai trò rất lớn đối với doanh nghiệp cung ứng. Khi được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, doanh nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô trong nước có thêm nguồn lực tài chính để xoay vòng vốn đầu tư, duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp nhiều người lao động duy trì công ăn việc làm.
Đáng chú ý, các chính sách hỗ trợ kể trên vẫn đảm bảo nguồn thu đầu vào của ngân sách nhà nước do doanh nghiệp đã thực hiện nộp đủ thuế đúng thời hạn.
Có thể thấy, những chính sách kịp thời của Chính phủ nhằm thúc đẩy sản lượng sản xuất và tiêu thụ ô tô tại Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng tới sự phát triển của nền công nghiệp xe hơi nước ta.