Nhật Bản đang đầu tư tới hàng tỷ yên để hỗ trợ một nhóm nghiên cứu phát triển công nghệ chip tiên tiến, một phần trong nỗ lực quốc gia nhằm theo kịp hoạt động sản xuất chất bán dẫn.
Theo Bloomberg, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) mới đây đã công bố kế hoạch trợ cấp khoảng 45 tỷ yên (tương đương 300 triệu USD) cho sáng kiến phát triển công nghệ quang học sử dụng trong các con chip nhằm giúp thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn của nước này.
Kế đó, METI đã phê duyệt việc thuê nguồn lực ngoài để nghiên cứu về công nghệ chip mới cho trung tâm Công nghệ Bán dẫn Tiên tiến (LSTC).
Trung tâm này được thành lập để tập hợp các nhà nghiên cứu Nhật Bản trong những lĩnh vực như công nghệ nano, vật liệu và AI.
Thêm vào đó, LSTC cũng hỗ trợ sản xuất chip tại Rapidus, liên minh gồm các công ty điện tử hàng đầu Nhật Bản.
Hidemichi Shimizu, Giám đốc văn phòng chiến lược của METI phụ trách mảng dịch vụ thông tin và phần mềm, hôm 9/2 chia sẻ: “Chúng tôi đã thuê nguồn nhân sự bên ngoài cho các hoạt động nghiên cứu và phát triển mà Chính phủ coi là cần thiết nhưng lại quá rủi ro đối với doanh nghiệp tư nhân”.
Ông nói thêm, hợp đồng có thời hạn tối đa 5 năm và sẽ mở rộng công nghệ chip từ 2 nanomet (nm) trở lên, cũng như thiết kế chip hỗ trợ AI.
LSTC đặt mục tiêu phát triển cách sản xuất chip 1,4nm sớm nhất là vào năm 2028.
Động thái mới của Chính phủ Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh quốc đảo này đang nỗ lực lấy lại vinh quang “cường quốc bán dẫn” toàn cầu trước đây. Ảnh: Bloomberg |
Bloomberg đưa tin Rapidus đang chi hàng tỷ USD trợ cấp cho nỗ lực lâu dài nhằm sản xuất chip 2nm tiên tiến ở Chitose, Hokkaido (Nhật Bản) và cạnh tranh với công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan (Trung Quốc) và Samsung của Hàn Quốc.
Chủ tịch Rapidus, ông Tetsuro Higashi tiết lộ công ty khởi nghiệp này đặt mục tiêu tạo ra một chu kỳ kích thích nhu cầu chip mới song song với việc phát triển công nghệ tiên tiến.
Ông nói: “Chúng tôi nhận được sự hỗ trợ lớn từ Chính phủ, nhà đầu tư nước ngoài và các nhà sản xuất thiết bị. Tôi không có chút nghi ngờ nào về thành công của Rapidus”.
Nhật Bản là trụ sở của một số nhà cung cấp vật liệu và công cụ không thể thiếu cho ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, từ tập đoàn JSR đến công ty Ushio. Công ty điện tử Tokyo Electron đã vượt qua ước tính về doanh thu và triển vọng vào ngày 9/2 sau khi doanh số bán thiết bị cũ sang Trung Quốc tăng mạnh.
Được biết LSTC có trụ sở tại Tokyo đang nghiên cứu các thiết kế cho phép ứng dụng AI trên các thiết bị như điện thoại thông minh và xe điện.
Trung tâm này bao gồm các nhà nghiên cứu đến từ đại học Tokyo, đại học Tohoku và nhiều trường đại học nổi tiếng khác.
Bộ trưởng Kinh tế Ken Saito kỳ vọng LSTC sẽ đóng vai trò là trung tâm phát triển chung với các đối tác nước ngoài về công nghệ bán dẫn thế hệ tiếp theo và giúp đẩy mạnh nhu cầu về chip cho Rapidus, đồng thời củng cố khả năng cạnh tranh bền vững của Nhật Bản.
>> Quốc gia châu Á chuẩn bị xây dựng trung tâm sản xuất chip lớn nhất thế giới trị giá 473 tỷ USD
Cổ phiếu tập đoàn Nhật Bản tăng kỷ lục sau khi chi tiền 'khủng' mua lại cổ phiếu quỹ
Meta chi 'khủng' 800 triệu USD để xây dựng trung tâm dữ liệu AI mới