Những tuyến cao tốc kéo các địa danh ‘xích lại gần nhau'
Với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa”, “chỉ tiến không lùi”, đổi mới sáng tạo, trong năm 2023 ngành Giao thông vận tải đã hoàn thành đưa vào khai thác 9 dự án cao tốc với tổng chiều dài gần 500km.
Cao tốc Mai Sơn - Quốc lộ 45
Dự án cao tốc Mai Sơn - QL45 có tổng chiều dài tuyến 63,37km đi qua các tỉnh Ninh Bình (14,35km), Thanh Hóa (49,2km) với tổng mức đầu tư hơn 12.100 tỷ đồng
Điểm đầu tuyến cao tốc tại nút giao Mai Sơn kết nối với tỉnh lộ 477, thuộc địa phận huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình; điểm cuối thuộc địa phận huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa.
Cao tốc Mai Sơn - QL45 được Bộ GTVT tổ chức đưa vào khai thác từ ngày 29/4/2023. Sau khi thông xe, tuyến cao tốc đã tạo thuận lợi cho người dân đi lại, rút ngắn thời gian di chuyển từ các tỉnh phía Bắc về các tỉnh miền Trung và miền Nam.
Cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết
Tuyến cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết có chiều dài 100,8km với điểm đầu ở xã Vĩnh Hảo, huyện Tuy Phong và điểm cuối ở xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận), tổng mức đầu tư 10.853 tỷ đồng.
Tuyến đường được khởi công xây dựng vào tháng 9/2020. Giai đoạn 1, tuyến cao tốc được xây dựng 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp (chỉ có vịnh dừng khẩn cấp), bề rộng nền đường 17m, vận tốc thiết kế 80km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ đầu tư thành 6 làn xe, bề rộng nền đường 32,25m, vận tốc thiết kế 120km/h.
Ngày 19/5/2023, tuyến đường được thông xe góp phần kết nối các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận gần hơn, nhanh hơn với TP.HCM và các vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Công trình tạo điều kiện mở rộng không gian phát triển, mở rộng hoạt động kinh tế, liên kết vùng, đồng thời giảm tải cho Quốc lộ 1, nâng cao năng lực vận tải và đảm bảo an toàn giao thông.
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây
Cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây có chiều dài 99km, trong đó đoạn đi qua Bình Thuận dài 47,5km và đoạn đi qua Đồng Nai dài 51,5km.
Điểm đầu của tuyến tại xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, kết nối với đường cao tốc Vĩnh Hảo – Phan Thiết; điểm cuối tại xã Lộ 25, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, nối tiếp với đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây.
Dự án được đầu tư phân kỳ, giai đoạn 1 xây dựng 4 làn xe và 2 làn dừng khẩn cấp với chiều rộng mặt đường từ 25–27m, tốc độ 120km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến đường sẽ được mở rộng quy mô 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120km/h.
Dự án được khởi công vào tháng 9 năm 2020 với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 18.100 tỷ đồng, thông xe kỹ thuật vào ngày 29/4/2023 cùng với đường cao tốc Mai Sơn – QL45.
Sau khi đưa vào khai thác, tuyến cao tốc này đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ TP.HCM đến các tỉnh vùng duyên hải Nam Trung Bộ, cũng như giải quyết tình trạng quá tải cho Quốc lộ 1.
Cao tốc Quốc lộ 45 - Nghi Sơn
Dự án thành phần cao tốc đoạn QL45 - Nghi Sơn có tổng chiều dài 43,28km, đầu phía Bắc nối liền với đoạn cao tốc Mai Sơn - QL45 ở nút giao Đông Xuân (huyện Đông Sơn, Thanh Hóa), đầu phía Nam nối với đoạn cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu ở xã Tân Trường (TX. Nghi Sơn, Thanh Hóa).
Cao tốc QL45 - Nghi Sơn có tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng, khởi công từ tháng 7/2021.
Giai đoạn 1 của cao tốc QL45 - Nghi Sơn có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường 17m, bề rộng mặt đường 16m, vận tốc thiết kế tối đa 80km/h. Sang giai đoạn hoàn chỉnh, cao tốc QL45 - Nghi Sơn có 6 làn xe, nền đường 32m, vận tốc thiết kế 100 -120km/h.
Cao tốc QL45 - Nghi Sơn hoàn thành, kết nối với cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu sẽ rút ngắn thời gian đi từ Thanh Hóa đến Nghệ An từ 3 giờ xuống còn 1,5 giờ so với đi trên Quốc lộ 1; góp phần rút ngắn thời gian từ Nghệ An đi Hà Nội từ 5 giờ xuống còn 3,5 giờ.
Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu
Cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50km (đoạn qua Thanh Hóa dài 6,5km, đoạn qua Nghệ An dài 43,5km) được khởi công từ tháng 7/2021 với tổng mức đầu tư hơn 7.290 tỷ đồng.
Điểm đầu của công trình này nằm tại xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa; còn điểm cuối giao với QL7A, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, nối với tuyến Diễn Châu - Bãi Vọt (Hà Tĩnh) đang thi công.
Theo thiết kế, trong giai đoạn phân kỳ (giai đoạn 1), tuyến cao tốc này được xây dựng 4 làn xe, nền đường rộng 17m, vận tốc thiết kế 80km/h, chưa có làn dừng khẩn cấp. Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ nâng quy mô lên 6 làn xe, nền đường rộng 32m, vận tốc thiết kế 100 - 120km/h.
Việc đưa tuyến cao tốc vào khai thác từ tháng 9/2023 đã góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ Hà Nội về Nghệ An còn khoảng 3,5 giờ.
Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm
Cao tốc Nha Trang- Cam Lâm dài 49,11km với điểm đầu tại nút giao với Quốc lộ 27C (xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) kết nối với đường cao tốc Vân Phong – Nha Trang.
Điểm cuối của tuyến cao tốc tại nút giao Quốc lộ 27B, nối tiếp với đường cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo (tại xã Cam Thịnh Tây, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa).
Dự án được đầu tư phân kỳ. Giai đoạn 1, cao tốc được xây dựng 4 làn xe với vận tốc thiết kế 80km/h. Giai đoạn hoàn chỉnh, cao tốc sẽ được mở rộng quy mô lên 6 làn xe với vận tốc 120km/h.
Tuyến cao tốc được khởi công vào tháng 9/2021 với tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng theo hình thức PPP (hợp đồng BOT).
Công trình được thông xe vào ngày 19/5/2023 đã rút ngắn thời gian đi từ TP.HCM tới Nha Trang.
Cao tốc Tuyên Quang – Phú Thọ
Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây.
Công trình có điểm đầu tại xã Lưỡng Vượng, TP Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang; điểm cuối kết nối với nút giao IC9 đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai thuộc địa giới thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ.
Dự án được xây dựng theo quy mô nền đường rộng 17m, mặt đường rộng 14m (gồm 4 làn xe) với tổng chiều dài 40,2km (11,3km trên địa phận Tuyên Quang, 28,9km trên địa phận Phú Thọ), tổng mức đầu tư hơn 3.712 tỷ đồng.
Tuyến đường được khởi công vào ngày 1/2/2021 và hoàn thành đưa vào khai thác ngày 24/12/2023.
Cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ giai đoạn 1
Đây là dự án thành phần thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông được đầu tư quy mô giai đoạn hoàn chỉnh 6 làn xe, vận tốc thiết kế 100km/h, dài 23km.
Dự án đi qua địa phận tỉnh Vĩnh Long và tỉnh Đồng Tháp, có điểm đầu tại Km107+363, thuộc phường Tân Hòa, TP. Vĩnh Long, kết nối với dự án cầu Mỹ Thuận 2; điểm cuối tại Km130+337, thuộc địa phận TX. Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long kết nối với Quốc lộ 1 tại nút giao Chà Và.
Được phân kỳ đầu tư 4 làn xe, vận tốc thiết kế 80km/h, dự án có tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước do Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận làm chủ đầu tư.
Dự án được khởi công vào ngày 1/2/2021 và đưa vào khai thác ngày 24/12/2023.
Cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 và đường dẫn hai đầu cầu là dự án trọng điểm quốc gia, công trình giao thông đường bộ cấp đặc biệt, tổng mức đầu tư hơn 5.003 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Dự án nằm trên trục đường cao tốc từ TP.HCM - TP Cần Thơ, kết nối hai tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận và Mỹ Thuận - Cần Thơ, nối liền hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang, đây là trục đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn bậc nhất trong các trục quốc lộ chính trong khu vực.
Công trình có tổng chiều dài tuyến khoảng 6,61km, trong đó, phần cầu Mỹ Thuận 2 có bề rộng mặt cầu 28m (gồm 6 làn xe) lần đầu tiên do đội ngũ các kỹ sư, công nhân Việt Nam thực hiện hoàn toàn từ khâu lập dự án, thiết kế cho đến thi công.
Dự án được đưa vào khai thác vào ngày 24/12/2023.
Bài 2: Tiếp tục đột phá trong xây dựng cao tốc, công trình giao thông
Cục Đường cao tốc Việt Nam kêu gọi đầu tư 8 trạm dừng nghỉ thuộc 7 tuyến cao tốc Bắc - Nam
Bộ GTVT thông tin mới nhất về lộ trình đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam