Câu chuyện đầu tư

Nỗi lo xuất ngoại cho 'con tôm, cái tép' năm 2025

Quốc Trung 13/01/2025 11:50

Dù đạt nhiều thành tựu ấn tượng trong năm 2024, cả lãnh đạo doanh nghiệp thủy sản và Bộ NN&PTNT đều nhận định rằng ngành vẫn đang đối mặt với không ít thách thức.

Nỗi lo xuất ngoại cho 'con tôm, cái tép' năm 2025
Ảnh minh họa

Tham vọng vượt mốc xuất khẩu thủy sản 10 tỷ USD

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), ngành thủy sản đạt kim ngạch xuất khẩu 10 tỷ USD trong năm 2024, tăng gần 13% so với năm 2023, bất chấp nhiều thách thức từ lạm phát toàn cầu, chi phí sản xuất tăng cao và nguồn nguyên liệu khan hiếm. Các sản phẩm chủ lực đóng góp vào thành tích này bao gồm tôm (4 tỷ USD, tăng 17%), cá tra (2 tỷ USD, tăng hơn 9%), và cá ngừ (1 tỷ USD, tăng 17%).

Phó Tổng Thư ký VASEP Nguyễn Hoài Nam nhận định, dù kết quả ấn tượng, ngành thủy sản vẫn đối mặt nhiều khó khăn trong bối cảnh toàn cầu biến động. Tăng trưởng xuất khẩu duy trì ở mức 8-10 tỷ USD/năm trong 5-6 năm qua, ngoại trừ năm 2022, khiến mục tiêu đạt 14-16 tỷ USD vào năm 2030 đòi hỏi tốc độ tăng trưởng 10-15%/năm trở nên thách thức hơn bao giờ hết.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, năm 2025 tiếp tục là giai đoạn đầy khó khăn với các vấn đề như thẻ vàng IUU, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, và rào cản thị trường. Việc nâng cao chất lượng sản phẩm, cải thiện uy tín doanh nghiệp, và mở rộng thị trường sẽ đóng vai trò then chốt để ngành thủy sản Việt Nam duy trì đà tăng trưởng.

Ngoài việc tập trung vào các thị trường chủ lực như Mỹ, EU, và Nhật Bản, Việt Nam cần đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường Halal và Trung Đông. Để nâng cao khả năng cạnh tranh, ngành cần thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất, ứng dụng công nghệ hiện đại và đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đồng thời, việc phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng cũng sẽ giúp gia tăng thị phần và khẳng định vị thế thủy sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Lãnh đạo Sao Ta nói về "con tôm, cái tép"

Năm 2024, CTCP Thực phẩm Sao Ta (Mã FMC) đạt doanh số 250,86 triệu USD, tăng 25% so với năm 2023, vượt 19% kế hoạch năm. Công ty hoàn thành mục tiêu ngay từ tháng 10, bất chấp khó khăn của ngành tôm toàn cầu và hai vụ kiện tại Mỹ.

Nỗi lo xuất ngoại cho 'con tôm, cái tép' năm 2025
Ông Hồ Quốc Lực - Chủ tịch HĐQT Thực phẩm Sao Ta

Sao Ta đưa ra quyết định táo bạo khi thả giống toàn bộ diện tích trại nuôi trong vụ nghịch – giai đoạn dễ gặp rủi ro về thời tiết. Chủ tịch HĐQT Hồ Quốc Lực chia sẻ: “Chưa có trại nuôi nào dám thực hiện việc này trên toàn bộ diện tích. Hiện các ao nuôi đang được kiểm soát chặt chẽ và hứa hẹn mang lại kết quả tích cực”.

Dù phải trích dự phòng 38 tỷ đồng thuế AD năm 2023 và 10 tỷ đồng thuế CVD năm 2024 do hai vụ kiện tại Mỹ, lợi nhuận hợp nhất của Sao Ta vẫn đạt 384 tỷ đồng – mức cao nhất từ trước đến nay. Công ty con Thực phẩm Khang An (KAF) đóng góp lớn, với lợi nhuận sau thuế tăng 219%, đạt 54,2 tỷ đồng, khẳng định vai trò hạt nhân trong hệ sinh thái Sao Ta.

Tuy đạt nhiều kết quả đáng tự hào, ông Lực cũng thừa nhận những thách thức của ngành tôm vẫn hiện hữu. Cụ thể, con giống tôm cần cải thiện khả năng chống chịu bệnh tật, trong khi cá tra cần nâng cao tỷ lệ thu hồi thương phẩm. Thêm vào đó, biến động giá tôm thương phẩm tạo áp lực lớn lên các doanh nghiệp trong ngành.

Với kim chỉ nam “Thích ứng linh hoạt – Đổi mới sáng tạo”, Sao Ta sẽ tiếp tục tập trung phát triển tại thị trường chiến lược Nhật Bản, đồng thời tìm cách thâm nhập sâu hơn vào thị trường Trung Quốc – một trong những thị trường tiềm năng lớn.

Báo cáo thường niên 2023 cho thấy, Sao Ta (với hơn 3.900 nhân sự) có vùng nuôi tôm rộng 250ha đạt chuẩn quốc tế BAP, ASC, tạo sự an tâm về chất lượng sản phẩm cho khách hàng. Kết quả kinh doanh nổi bật năm 2024 là minh chứng cho chiến lược phát triển bền vững và khả năng ứng phó linh hoạt của Sao Ta trong bối cảnh nhiều biến động.

>> Ngành tôm những tháng cuối năm 2024: Thực phẩm Sao Ta (FMC) hưởng lợi từ thị trường Mỹ và Anh

Ông lớn thủy sản đầu tư gần 700 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến tại Đồng Tháp, nâng công suất vượt mốc 500 tấn/ngày

GELEX trở thành cổ đông lớn tại Tổng Công ty Thủy sản Việt Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/noi-lo-xuat-ngoai-cho-con-tom-cai-tep-nam-2025-271169.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Nỗi lo xuất ngoại cho 'con tôm, cái tép' năm 2025
    POWERED BY ONECMS & INTECH