Thương vụ này của được dự đoán sẽ củng cố hy vọng về sự hồi sinh của thị trường vốn tại trung tâm tài chính châu Á.
Thị trường IPO Trung Quốc từng được coi là hoạt động sinh lời hàng đầu thế giới, giúp mở rộng tài chính và cơ sở nhà đầu tư. Tuy nhiên, thời gian qua, hoạt động này đã ảm đạm đi trông thấy kể từ khi chính phủ Trung Quốc tiến hành các biện pháp kiểm soát chặt chẽ với các công ty công nghệ và internet, thắt chặt yêu cầu đối với hoạt động niêm yết tại nước ngoài.
Thương vụ IPO tỷ USD
Tuy nhiên, mới đây, Reuters dẫn các nguồn thạo tin cho biết, Cainiao Network Technology, bộ phận hậu cần của tập đoàn Alibaba đang lên kế hoạch huy động khoảng 2 tỷ USD bằng cách niêm yết tại Hồng Kông vào đầu năm tới. Động thái này được cho là sẽ "đánh thức" làn sóng IPO công nghệ đang ngủ đông, đồng thời tạo lòng tin cho ngành công nghệ trong nước sau hơn 2 năm bị chính phủ kiểm soát chặt chẽ.
Trước đó, Alibaba Group Holding hồi cuối tháng 3 đã thông báo sẽ phân chia lại thành 6 đơn vị kinh doanh và theo đuổi việc niêm yết công khai cho 5 đơn vị trong số đó. Đây là động thái đại tu quan trọng nhất của công ty kể từ khi thành lập 24 năm trước.
Trong đó, Cainiao Network Technology đã bắt đầu chuẩn bị cho đợt phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng và đang đặt mục tiêu huy động từ 1 tỷ đến 2 tỷ USD tại Hồng Kông, theo Reuters. Đợt IPO dự kiến sẽ được thực hiện vào đầu năm tới và có thể sẽ ở quy mô chưa từng có trước đây. Hiện cả Cainiao và Alibaba vẫn chưa đưa ra bình luận về những suy đoán này.
Hồng Kông từ lâu đã là địa điểm chính cho các màn ra mắt của Trung Quốc trong hơn 1 năm qua, do đó, làn sóng niêm yết sẽ mang lại lợi ích cho thị trường chứng khoán tiềm năng này. Tuy vậy, các đợt IPO trong năm nay tại Hong Kong mới chỉ huy động được khoảng 852 triệu USD, thấp hơn nhiều so với con số 4,1 tỷ USD huy động được trong cùng kỳ năm ngoái.
Triển vọng mở ra đối với Alibaba
Alibaba là một nền tảng thương mại điện tử rộng lớn dành cho giao dịch hàng hóa, do đó, công ty luôn tìm cách mua lại cổ phần trong các công ty chuyển phát nhanh hàng đầu nhằm đảm bảo các dịch vụ đáng tin cậy. Năm 2013, Alibaba hợp tác với một nhóm đối tác gồm Fosun Group, Intime Group và một số công ty hậu cần để thành lập Cainiao, một công ty cung cấp phần mềm và chia sẻ dữ liệu với các nhà kho, nhà vận chuyển và công ty hậu cần.
Alibaba giành quyền kiểm soát Cainiao bốn năm sau khi thành lập, tăng tỷ lệ sở hữu từ 47% lên 67%. Cainiao đã báo cáo doanh thu 42 tỷ nhân dân tệ (6,07 tỷ USD) trong 9 tháng kết thúc vào tháng 12/2022, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 6% tổng doanh thu của Alibaba.
Kế hoạch IPO của nhánh hậu cần là kế hoạch đầu tiên trong số các đợt huy động vốn dự kiến cho các đơn vị tách ra của Alibaba. Ngoài Cainiao, Alibaba còn có 5 đơn vị khác, bao gồm Cloud Intelligence, Taobao Tmall Commerce, Local Services, Global Digital Commerce và Digital Media and Entertainment.
Theo các chuyên gia, việc chia tách này có thể giảm bớt sự giám sát của chính phủ đối với Alibaba, hoạt động kinh doanh rộng lớn của công ty đã bị các cơ quan quản lý nhắm đến trong nhiều năm qua. Ông Oshadhi Kumarasiri, phân tích viên tại Viện Nghiên cứu Lightstream, cho biết. "Việc cải tổ sẽ giúp từng công ty hoạt động trong một khuôn khổ điều hành dễ dàng quản lý, thay vì một thực thể lớn dễ bị ảnh hưởng bởi các quy chế ngặt nghèo hơn".
Bên cạnh đó, dưới góc nhìn của nhà đầu tư, việc cải tổ cũng góp phần đánh bật mối lo ngại Alibaba đã mất tiềm năng tăng trưởng, đồng thời mở ra cơ hội kinh doanh mới. Theo Tara Hariharan, giám đốc điều hành của Global Macro Research – cơ quan nghiên cứu về kinh tế vĩ mô toàn cầu, “Bằng cách mở đường cho các bộ phận mới của Alibaba niêm yết lên sàn, chính phủ Trung Quốc có thể đang gửi một tín hiệu trấn an tới các nhà đầu tư Mỹ và quốc tế rằng họ đã giảm bớt thù địch với những gã khổng lồ công nghệ”.