Ông lớn "thời trang nhanh" Shein bí mật nộp đơn IPO tại Mỹ

28-11-2023 11:54|Phương Nhi

Việc bí mật nộp đơn IPO của Shein diễn ra trong bối cảnh các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang siết chặt giám sát công ty.

Ông lớn

Mới đây, tờ Reuters đưa tin "gã khổng lồ" thời trang nhanh Trung Quốc Shein đã bí mật nộp hồ sơ IPO tại Hoa Kỳ. Nguồn tin thân cận cho biết Shein đã chọn Goldman Sachs, JPMorgan và Morgan Stanley làm nhà bảo lãnh chính cho đợt chào bán này và dự kiến IPO vào năm 2024.

Động thái mới nhất của đối thủ Zara, H&M diễn ra vào thời điểmthị trường IPO đang gặp nhiều khó khăn trong việc hồi phục. Những tháng gần đây đã có 4 đợt IPO lớn và 3 trong số đó đều khiến các nhà đầu tư thất vọng. Cổ phiếu của nhà sản xuất dép Birkenstock của Đức, ứng dụng giao hàng tạp hóa Instacart và nhà thiết kế chip Arm Holdings đã giảm xuống dưới mức giá IPO trong những ngày sau khi ra mắt.

“Đối với tôi, đây không phải là thời điểm thích hợp nhất để Shein IPO, tuy nhiên có thể thấy tâm lý thị trường và đầu tư đã tích cực hơn, dấu hiệu phục hồi đã xuất hiện trong vài tuần qua", Jason Benowitz, nhà quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại CI Roosevelt nhận định.

Ở lần gọi vốn gần nhất, ông lớn bán lẻ này được định giá ở mức 66 tỷ USD, hiện vẫn chưa rõ Shein đang đáng giá bao nhiêu, nhưng định giá là vấn đề trọng tâm trong cuộc bàn luận giữa Shein và các cố vấn. Hồi đầu tháng này, nguồn tin cho biết Shein đang hướng tới mức định giá 90 tỷ USD trong đợt IPO.

Trên thực tế, việc bí mật nộp hồ sơ đăng ký IPO là chuyện khá phổ biến vì điều này cho phép các công ty trao đổi với Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) và âm thầm thực hiện các bước điều chỉnh cần thiết trong hồ sơ.

Trong vài tháng tới, Shein nhiều khả năng sẽ điều chỉnh hồ sơ và trả lời hàng loạt câu hỏi từ SEC. Hồ sơ sẽ được công khai ngay khi Shein sẵn sàng triển khai IPO. Tại thời điểm đó, các cuộc trao đổi với SEC và việc điều chỉnh hồ sơ cũng sẽ được công khai.

Việc bí mật nộp đơn IPO của Shein diễn ra trong bối cảnh các nhà lập pháp Hoa Kỳ đang siết chặt giám sát công ty.

Được biết, Shein phát triển thần tốc trong vài năm qua bằng cách làm say mê người tiêu dùng với các thiết kế đẹp mắt, nhiều chủng loại và giá cực rẻ. Tuy vậy, Shein đối mặt với hàng loạt rắc rối với cáo buộc sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng, vi phạm luật lao động, làm hại môi trường và đánh cắp thiết kế của các nghệ sĩ độc lập.

Ông lớn

Hiện Ủy ban Lựa chọn Hạ viện về cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang điều tra Shein và mối quan hệ của công ty với Trung Quốc. Nhiều nhà làm luật, bao gồm 16 Tổng chưởng lý của Đảng Cộng hòa, đã kêu gọi SEC phải đảm bảo Shein không sử dụng lao động cưỡng bức trong chuỗi cung ứng của mình trước khi được phép bắt đầu giao dịch ở Mỹ.

Bên cạnh đó, được biết Shein vận chuyển phần lớn sản phẩm của mình trực tiếp từ Trung Quốc đến người mua hàng bằng đường hàng không trong các gói hàng có địa chỉ riêng. Chiến lược vận chuyển trực tiếp đã giúp công ty tránh được hàng tồn kho chưa bán được chất đống trong kho và tránh thuế nhập khẩu tại Hoa Kỳ, một trong những thị trường lớn nhất của công ty. Quy định về thuế hiện đang bị Quốc hội Mỹ giám sát chặt chẽ, nhiều người cho rằng điều này đang cho phép các công ty trốn thuế đối với hàng hóa Trung Quốc.

Shein rất kín tiếng và ít khi chia sẻ thông tin, mãi cho đến năm nay, khi công ty bắt đầu nỗ lực chuẩn bị cho đợt IPO ở Mỹ, Shein mới cởi mở hơn.

Được biết, CEO Sky Xu vẫn đang nắm quyền điều hành ở Shein. Tuy nhiên, để làm vừa lòng giới chức Mỹ, Shein đã bổ nhiệm ông Donald Tang (cựu Chủ tịch Bear Stearns) làm Chủ tịch điều hành và gương mặt đại diện vào đầu năm nay.

Shein đã nỗ lực để bác bỏ các cáo buộc tiêu cực về công ty bằng cách tổ chức một loạt các sự kiện công khai. Đồng thời, cho phép các giám đốc điều hành thực hiện phỏng vấn vì công ty nhằm thay đổi câu chuyện về Shein.

Gần đây, Shein đã mua lại khoảng 1/3 tập đoàn Sparc - một liên doanh bao gồm công ty quản lý thương hiệu Authentic Brands Group và chủ sở hữu trung tâm thương mại Simon Property Group. Thương vụ này nằm trong nỗ lực mở rộng phạm vi tiếp cận thị trường dựa trên nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm của họ.

Bị các nhà lập pháp sờ gáy, đại gia bán lẻ Trung Quốc vẫn nộp đơn IPO tại Mỹ?

Siết chặt quản lý thương mại điện tử qua biên giới để bảo vệ người tiêu dùng

Thương mại điện tử Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, đặt mục tiêu vượt mức 25 tỷ USD

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ong-lon-thoi-trang-nhanh-shein-bi-mat-nop-don-ipo-tai-my-212974.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ông lớn "thời trang nhanh" Shein bí mật nộp đơn IPO tại Mỹ
    POWERED BY ONECMS & INTECH