Ông Nguyễn Đăng Quang rời khỏi danh sách tỷ phú USD, tài sản tỷ phú Việt rơi mạnh
Tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang về dưới mức 1 tỷ USD. Túi tiền của nhiều đại gia Việt cũng giảm mạnh trong đợt thị trường chứng khoán biến động mạnh vừa qua.
Thị trường chứng khoán vừa trải qua một quãng thời gian giảm mạnh. Chỉ số VN-Index từ trên 1.200 điểm giảm dần về ngưỡng 1.000 điểm.
Tỷ phú Nguyễn Đăng Quang rời danh sách tỷ phú USD của Forbes
Vào cuối tuần qua, Forbes đã không còn cập nhật tài sản theo thời gian thực của ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group (MSN). Con số về tài sản của ông Quang quay về mức xếp hạng vào tháng 4/2023. Đây là bảng đánh giá cho năm 2023.
Như vậy, tài sản của ông Nguyễn Đăng Quang không còn đạt được mức 1 tỷ USD trở lên. Vào đầu tuần trước, tài sản của ông Quang còn ở mức 1 tỷ USD. Cuối tháng 9, con số này là 1,1 tỷ USD.
Đây không phải là lần đầu tiên ông Quang rớt khỏi danh sách tỷ phú USD. Hồi cuối năm 2019, ông Quang cũng từng rớt khỏi danh sách của Forbes sau khi lần đầu tiên lọt vào danh sách những tỷ phú USD giàu nhất năm 2018.
Tài sản của ông Quang đạt mức cao nhất theo xếp hạng của Forbes là 1,9 tỷ USD hồi tháng 4/2022.
Tài sản của ông Quang giảm trong bối cảnh cổ phiếu MSN lao dốc xuống đáy 2 năm, từ trên 140.000 đồng/cp hồi cuối năm 2021 về mức 58.000 đồng/cp như hiện tại.
Ông Nguyễn Đăng Quang (sinh 1963 tại Quảng Trị) tốt nghiệp Tiến sĩ Vật lý hạt nhân tại Viện Hàn lâm khoa học Belarus. Sau khi học xong, ông không về nước mà ở lại Nga và khởi nghiệp từ những năm 1990 thông qua việc bán mỳ gói cho những người Việt sinh sống tại đây, sau đó đầu tư sang đậu nành, cá và tương ớt.
Năm 2022, ông Quang về Việt Nam và phát triển nhiều sản phẩm như nước tương Chinsu, tương ớt Chinsu, nước mắm Nam Ngư, mỳ Omachi, xúc xích Ponnie, cà phê Vinacafe…
Hiện Masan Group là một trong những doanh nghiệp lớn nhất trong mảng tiêu dùng và bán lẻ, sau khi mua lại chuỗi Vinmart của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và đổi tên thành Winmart.
Theo số liệu thống kê, ông Quang hiện chỉ nắm giữ 15 cổ phiếu MSN của Masan. Tuy nhiên, ông Quang đang gián tiếp nắm giữ một lượng lớn cổ phiếu MSN thông qua CTCP Masan và Hoa Hướng Dương, tương đương gần 45% cổ phần Masan. Ông Quang cũng nắm giữ hơn 9,4 triệu cổ phiếu Techcombank (TCB).
Bên cạnh đó, vợ ông Quang là bà Nguyễn Hoàng Yến đang nắm giữ hơn 42 triệu cổ phần MSN. Ông Quang cũng trực tiếp nắm giữ các cổ phiếu Masan Consumer (MCH), Tầm nhìn Masan…
Tài sản tỷ phú Việt sụt giảm
Nhiều cổ phiếu trụ cột, trong đó có Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng; Masan (MSN) của ông Nguyễn Đăng Quang; Techcombank (TCB) của tỷ phú Hồ Hùng Anh; VietJet (VJC) của nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo; HAGL Agrico (HNG) của ông Trần Bá Dương… giảm mạnh.
Tài sản của các tỷ phú Việt giảm mạnh. Theo bảng xếp hạng của Forbes, hiện có 2 doanh nhân Việt ra khỏi danh sách tỷ phú USD là ông Bùi Thành Nhơn và ông Nguyễn Đăng Quang.
Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát (HPG) cũng từng một lần ra khỏi danh sách tỷ phú Forbes. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Phương Thảo có một khoảng thời gian ngắn không được xếp hạng sau đó Forbes giải thích là do ý do kỹ thuật.
Không chỉ ông Quang, tài sản của nhiều tỷ phú Việt cũng tụt giảm mạnh so với đỉnh cao hồi tháng 3/2022. Theo Forbes, tài sản của ông Phạm Nhật Vượng giảm từ mức 6,2 tỷ USD hồi tháng 3/2022 xuống hiện còn 4,4 tỷ USD (tính tới 29/10).
Tài sản của nữ Chủ tịch VietJet Nguyễn Thị Phương Thảo giảm từ mức 3,1 tỷ USD xuống còn 2,1 tỷ USD. Tài sản ông Hồ Hùng Anh (Chủ tịch Techcombank) giảm từ 2,3 tỷ USD xuống còn 1,2 tỷ USD. Ông Trần Đình Long còn 1,9 tỷ USD, so với mức 3,2 tỷ USD hồi tháng 3/2023.
Ông Trần Bá Dương và gia đình cũng ghi nhận tài sản từ mức 1,6 tỷ USD xuống còn 1,4 tỷ USD. Tài sản của ông Dương ít biến động do Thaco chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, ông Dương có cổ phiếu HAGL Agrico (HNG) niêm yết.
Trong năm 2022, các đại gia Việt chứng kiến một năm đầy biến động khi tỷ phú Phạm Nhật Vượng mất 2,1 tỷ USD, trong khi ông Bùi Thành Nhơn ra khỏi danh sách Fores. Tài sản các doanh nhân Việt giảm theo thị trường chứng khoán.
Tính chung cả năm 2022, VN-Index giảm 34%, từ mức đỉnh 1.525,58 điểm ghi nhận trong phiên đầu năm xuống còn 1.007,09 điểm.
Trong năm 2022, ông Bùi Thành Nhơn (Chủ tịch Novaland) đã rớt khỏi danh sách tỷ phú USD do cổ phiếu lao dốc giảm sàn hàng chục phiên. Vào đầu năm 2023, ông Nhơn không còn trong danh sách của Forbes cho dù hồi tháng 3/2022 ông Nhơn có tài sản quy ra từ cổ phiếu đạt 2,9 tỷ USD.
Không chỉ các tỷ phú USD, nhiều doanh nhân trong lĩnh vực bất động sản và ngân hàng ghi nhận tài sản sụt giảm do thị trường địa ốc vẫn chưa hồi phục trong khi ngân hàng gặp khó, như ông Nguyễn Văn Đạt (Chủ tịch PDR), ông Đỗ Tuấn Anh (Chủ tịch HĐQT của Sunshine Group), Ngô Chí Dũng (Chủ tịch VPBank)…
Ở chiều ngược lại, một số doanh nhân trong lĩnh vực công nghệ, hóa chất, thủy sản… ghi nhận tài sản bứt phá. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT FPT có nhiều thời điểm lọt Top 10 người giàu nhất trên thị trường chứng khoán nhờ cổ phiếu FPT tăng mạnh và được chia cổ tức và mua cổ phiếu ESOP.
Cổ phiếu FPT tăng nhờ kết quả kinh doanh tốt và triển vọng của doanh nghiệp ngành công nghệ này. Từ đầu năm, FPT đã tăng hơn 40% và có thời điểm đạt mức giá cao lịch sử.
Hồi năm 2006, ông Trương Gia Bình từng là người giàu nhất sàn chứng khoán với khối tài sản trị giá 2.400 tỷ đồng
FPT là một trong những doanh nghiệp được kỳ vọng hưởng lợi trong lĩnh vực phần mềm và công nghệ bán dẫn sau khi Mỹ và Việt Nam nâng cấp quan hệ chiến lược toàn diện. Mỹ thúc đẩy việc tái thiết lập chuỗi cung ứng công nghệ cao như công nghiệp bán dẫn sang các nước thân thiện.
Các con trai giữ vị trí quan trọng trong hệ sinh thái tỷ đô của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng đưa xe máy điện VinFast phủ sóng tại 4 tỉnh, thành phố mới