Thế giới

Ông Trump ra 'tối hậu thư', áp lực thuế lan khắp toàn cầu

Kiều Trang 08/07/2025 07:38

Cuối tuần qua, nhiều đối tác thương mại lớn của Mỹ đã khẩn trương tìm cách đạt được các thỏa thuận hoặc vận động để có thêm thời gian đàm phán.

Rạng sáng ngày 8/7 (theo giờ Việt Nam), Tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ sẽ áp các mức thuế cao trên diện rộng đối với hàng hóa nhập khẩu từ ít nhất 14 quốc gia, bắt đầu từ ngày 1/8.

screenshot-2025-07-08-041453.png
Quy định các mức thuế mới đối với 14 quốc gia

Đây là những thư đầu tiên được gửi trước thời hạn ngày thứ Tư (9/7) - thời điểm mà chính sách thuế “có đi có lại” của ông Trump đối với hàng chục quốc gia dự kiến sẽ quay trở lại các mức cao hơn - vốn được công bố từ tháng 4.

Trong các cuộc phỏng vấn trên hai chương trình truyền hình hôm Chủ nhật, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent ngụ ý rằng những bức thư Tổng thống Donald Trump sắp gửi đến các đối tác thương mại trong tuần này không phải là quyết định cuối cùng về mức thuế tức thời. Các mức thuế mới sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8, vì vậy vẫn còn thời gian để các quốc gia chưa đạt được thỏa thuận có thể đưa ra đề xuất thương mại với Washington.

“Thuế sẽ có hiệu lực từ ngày 1/8, nhưng Tổng thống đang thiết lập mức thuế và các thỏa thuận ngay từ bây giờ”, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick nói với báo giới cùng với ông Trump sau đó trong ngày khi họ lên chuyên cơ về Washington.

Trong nhiều tuần qua, chính quyền Mỹ đã phát tín hiệu rằng mức thuế đáp trả của ông Trump sẽ quay trở lại mức cao như hồi ngày 2/4 đối với những quốc gia không đạt được thỏa thuận nhằm giảm mất cân bằng thương mại với Mỹ. Ông Bessent thừa nhận số lượng cuộc đàm phán đang diễn ra khiến giai đoạn cuối trở nên phức tạp hơn.

nation.jpg
Bên cạnh chi phí gia tăng do thuế quan gây ra cho các doanh nghiệp Mỹ nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài, các nhà xuất khẩu trong nước còn đối mặt với nguy cơ bị các nền kinh tế khác áp dụng biện pháp trả đũa.

“Chúng tôi đang bị ùn tắc trong giai đoạn nước rút”, ông Bessent nói. “Việc cảnh báo các đối tác rằng họ có thể bị áp thuế như ngày 2/4 sẽ tạo ra áp lực và giúp thúc đẩy tiến độ đàm phán trong những ngày và tuần tới”.

Trả lời CNN, ông Bessent không coi ngày 1/8 là hạn chót mới. “Nếu các nước muốn đẩy nhanh tiến độ thì cứ làm”, ông nói về những quốc gia sẽ nhận thư. “Nếu muốn quay lại mức thuế cũ, đó là lựa chọn của họ”.

Ông Bessent cho biết Mỹ đang tập trung vào 18 đối tác thương mại lớn và hiện một số thỏa thuận lớn đã gần hoàn tất, dù “vẫn có nhiều nước trì hoãn”. Các quan chức chính quyền Trump suốt nhiều tuần qua đã khẳng định nhiều thỏa thuận sắp được công bố, nhưng đến nay mới chỉ có một khuôn khổ giới hạn với Vương quốc Anh, một thỏa thuận đình chiến với Trung Quốc, và một bản ghi nhớ sơ bộ với Việt Nam.

Những phát biểu gần đây của ông Trump và ông Bessent cho thấy đàm phán vẫn đang diễn ra gấp rút và chưa đạt được đột phá khi chỉ còn ba ngày trước hạn chót. Bộ trưởng Tài chính cho biết Washington đang gây áp lực tối đa lên các đối tác, và các cuộc thảo luận với Liên minh châu Âu — khối gồm 27 quốc gia chiếm gần 1/5 tổng thương mại hàng hóa với Mỹ — đang đạt được “tiến triển rất tốt”.

nation-2.jpg
Top 10 nguồn nhập khẩu hàng hóa của Mỹ. Năm nước đến từ châu Á, ba nước thuộc châu Âu, tính theo tỷ trọng trong tổng lượng hàng hóa nhập khẩu. (Nguồn: US Census Bureau)

Trước đó, theo các phát biểu của ông Trump, các bức thư sẽ được gửi đi vào ngày 4 tháng 7, với mức thuế mới có hiệu lực từ 1 tháng 8. Trong khi đó, giới chức Mỹ đã tranh thủ cuối tuần nghỉ lễ để đàm phán liên tục với Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Ấn Độ và Việt Nam.

Một trong những chiến thuật thương lượng đặc trưng của ông Trump là đe dọa đơn phương khi đàm phán bước vào giai đoạn then chốt, vì vậy chưa rõ các bức thư mà ông đề cập có thực sự tồn tại hay chỉ nhằm gây áp lực tâm lý lên những đối tác còn chần chừ.

Trong khi một thỏa thuận tạm thời với Ấn Độ cũng được kỳ vọng, các quan chức New Delhi gần đây lại thể hiện lập trường cứng rắn hơn, đe dọa áp thuế trả đũa lên một số hàng hóa Mỹ nhằm phản ứng với mức thuế cao của Washington đối với ô tô và linh kiện.

Nỗ lực xin gia hạn

Hàn Quốc – một quốc gia cũng lo ngại về thuế nhập khẩu ô tô – đã thảo luận với giới chức Mỹ về khả năng gia hạn đàm phán vào phút chót nhằm tránh bị áp thuế cao hơn.

Giữa lúc ông Trump vừa có một chiến thắng lập pháp lớn và thị trường chứng khoán Mỹ đạt mức kỷ lục, các hàng rào thuế quan mới của ông có nguy cơ làm dấy lên lo ngại trong giới đầu tư về một mạng lưới thuế quan phức tạp mà các nhà nhập khẩu Mỹ phải gánh chịu.

Việc áp thuế “đáp trả” đầu tiên hồi đầu tháng 4 từng khiến thị trường tài chính chao đảo và làm dấy lên lo ngại suy thoái kinh tế, buộc Nhà Trắng phải hoãn áp dụng các mức thuế cao hơn trong 90 ngày và giữ ở mức 10% đến ngày 9/7.

Ngoài chi phí gia tăng đối với các công ty Mỹ nhập khẩu hàng hóa, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cũng đối mặt nguy cơ bị trả đũa từ các nền kinh tế khác, bao gồm cả EU.

Các nước thành viên EU đã được cập nhật tình hình đàm phán hôm thứ Sáu sau một vòng đàm phán tại Washington, và được thông báo rằng một thỏa thuận kỹ thuật trên nguyên tắc đã gần đạt được.

Lập trường của các quốc gia châu Á

Thủ tướng Nhật Bản Shigeru Ishiba cho biết nước này đã chuẩn bị cho mọi kịch bản thuế quan. Phát biểu trên chương trình “Sunday News The Prime” của đài Fuji TV, ông nói Nhật Bản — một nhà sản xuất ô tô lớn cũng đang cố tránh mức thuế của ông Trump — sẵn sàng “kiên định” bảo vệ lợi ích quốc gia và chuẩn bị cho mọi tình huống.

Chính phủ Campuchia hôm thứ Sáu ra thông cáo cho biết đã đạt được thỏa thuận khung với Mỹ và sẽ công bố công khai trong thời gian tới, đồng thời cam kết tiếp tục hợp tác chặt chẽ. Mức thuế đáp trả mà Campuchia phải đối mặt theo kế hoạch lên tới 49% — thuộc hàng cao nhất trong số các đối tác. Quốc gia Đông Nam Á này là nhà xuất khẩu lớn hàng dệt may và giày dép sang Mỹ.

Tuần trước, Indonesia cho biết đang tự tin rằng họ sắp đạt được một thỏa thuận thương mại “mạnh mẽ” với Mỹ, bao gồm các lĩnh vực khoáng sản chiến lược, năng lượng, hợp tác quốc phòng và mở rộng tiếp cận thị trường, trước khi thời hạn áp thuế đến gần, theo lời trưởng đoàn đàm phán của nước này.

Thái Lan cũng đang nỗ lực vào phút chót nhằm tránh mức thuế 36% từ Mỹ lên hàng xuất khẩu, bằng cách đề xuất tăng cường mở cửa thị trường cho nông sản và hàng công nghiệp Mỹ, đồng thời cam kết tăng nhập khẩu năng lượng và máy bay Boeing.

>> Nền kinh tế số 1 châu Âu ‘chạy nước rút’ trước giờ G, nguy cơ suy thoái vẫn treo lơ lửng

Nóng: Ông Trump tuyên bố áp thuế nặng 14 quốc gia, gần một nửa danh sách là Đông Nam Á

Một nước Đông Nam Á bất ngờ áp thuế chống bán phá giá nhiều mặt hàng sắt thép của Việt Nam, mức thuế tối đa gần 58%

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/72-gio-sinh-tu-truoc-con-bao-ong-trump-ra-toi-hau-thu-ap-luc-thue-lan-khap-toan-cau-146223.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ông Trump ra 'tối hậu thư', áp lực thuế lan khắp toàn cầu
    POWERED BY ONECMS & INTECH