Bất động sản

Phá nút thắt nguồn cung nhà ở, người dân thoải mái mua nhà vừa túi tiền

Hồng Khanh 27/11/2024 07:10

Thí điểm cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm nhà ở thương mại trong 5 năm được đánh giá là cơ chế đúng đắn. Song việc thỏa thuận với người dân có thể khó khăn nên cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý.

LTS: Trong bối cảnh thị trường nhà ở đang mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng, giá nhà ngày càng tăng cao ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận nhà ở của người dân. Việc cho phép thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thoả thuận về nhận quyền sử dụng đất liệu có giải quyết được một số tồn tại của thị trường bất động sản hiện nay là nội dung đang nhận được nhiều sự quan tâm.

Tuyến bài Mở rộng đất cho nhà ở thương mại, dân thêm cơ hội mua nhà của VietNamNet hy vọng góp thêm tiếng nói đa chiều về vấn đề này.

Ông lớn dẫn dắt về giá

“Từ đầu năm đến nay, nguồn cung mới ra mắt thị trường Hà Nội chủ yếu là các phân khu tiếp theo của khu đô thị hoặc dự án có quỹ đất chuyển nhượng thứ cấp. Còn số lượng dự án được phê duyệt mới vẫn "trên đầu ngón tay". Thị trường thiếu tính cạnh tranh, chủ yếu tập trung vào một nhóm các nhà đầu tư. Từ đây thiết lập mặt bằng giá mới khiến giá bán khó giảm”, lãnh đạo một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội nói với VietNamNet trước làn sóng tăng giá liên tục của thị trường bất động sản thời gian qua.

Vị này cho rằng, việc "độc quyền" nguồn cung khiến giá nhà thứ cấp cũng tăng chóng mặt bám theo mặt bằng giá mới. Ngày trước 2-3 tỷ có thể lựa chọn được những căn hộ tại Hà Nội nhưng bây giờ mặt bằng phải rơi vào 4-5 tỷ đồng. Để giải quyết được vấn đề của thị trường bất động sản hiện nay cần nguồn cung đa dạng từ việc triển khai nhiều dự án.

chung cu bat dong san vietnamnet.jpg
Việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất cần sự trách nhiệm, thận trọng của cơ quan Nhà nước khi thực hiện. Ảnh minh hoạ: Nam Khánh

Đánh giá về việc thí điểm cho phép doanh nghiệp được mua đất không phải đất ở để làm dự án nhà ở, TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (Vars), cho rằng, không chỉ tháo gỡ khó khăn về pháp lý cho dự án nhà ở thương mại đang “kẹt” vì không có yếu tố đất ở, mà còn tăng khả năng tiếp cận đất đai, khuyến khích nhà đầu tư phát triển dự án, góp phần hỗ trợ tăng nguồn cung nhà ở cho thị trường.

Tuy nhiên, ông Đính cho rằng, quá trình chuyển đổi và nhận chuyển đổi vẫn cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý Nhà nước.

“Bởi việc thỏa thuận với người dân có đất nằm trong quy hoạch đất ở để làm nhà ở thương mại có thể gặp khó khăn, do người dân không muốn chuyển đổi, hoặc muốn chuyển nhượng với giá quá cao. Vì vậy, về dài hạn, quy định theo hướng Nhà nước đóng vai trò là nhà cung cấp quỹ đất lớn nhất, để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội thông qua đấu giá, hoặc đấu thầu sử dụng đất sẽ là giải pháp quan trọng, nhằm đảm bảo cho thị trường cân bằng và nâng cao khả năng tiếp cận nhà ở cho người dân”, ông Đính nêu ý kiến.

Từ góc nhìn của doanh nghiệp, ông Phạm Đức Toản - Tổng giám đốc EZ Property, người đã quan sát thị trường địa ốc gần 15 năm - đánh giá, thí điểm cho nhà đầu tư thỏa thuận nhận quyền sử dụng với đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm nhà ở thương mại trong 5 năm là cơ chế tốt giải quyết được vấn đề trong giao đất và thu hồi đất, là một bước để tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp rút ngắn chu trình đầu tư. Bên cạnh đó, vị này nhấn mạnh đến việc thực thi.

“Tôi cho rằng vấn đề quan trọng nhất là các địa phương phải có tâm huyết và quyết liệt để hỗ trợ doanh nghiệp. Thời gian qua có tình trạng địa phương sợ sai, phải chờ hướng dẫn văn bản xoay vòng. Một văn bản hỏi đi nhiều lần rồi chờ trả lời cũng tính bằng tháng. Việc này cũng khiến cho dự án thực hiện kéo dài. Trong trường hợp vẫn còn đùn đẩy thì việc luật nào, quy định nào đưa ra cũng sẽ có những khó khăn. Càng kéo dài đầu tư thì chi phí càng lớn cuối cùng giá thành lại cao. Mấu chốt vẫn là vấn đề thực thi”, ông Toản nói.

Thí điểm là khởi đầu, vẫn cần nhiều giải pháp

Ủng hộ việc thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất, song PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Phó chủ tịch Hội đồng trường, Trưởng khoa Pháp luật kinh tế trường Đại học Luật Hà Nội cũng lưu ý cần sự trách nhiệm, thận trọng của cơ quan Nhà nước khi thực hiện.

“Đã gọi là nghị quyết thí điểm thì nên có sự chọn lọc để tránh tình trạng lợi dụng tràn lan, ồ ạt, nhất là việc chuyển đất nông nghiệp sang mục đích khác. Theo tôi, trước hết nên thí điểm ở những địa phương nhu cầu về nhà ở lớn”, ông Tuyến nêu ý kiến.

W-nguon cung bds vietnamnet.png
Cần phải thấy rõ nhu cầu của thị trường hiện nay là nhà ở vừa túi tiền của người dân. Đồ hoạ: Hồng Khanh

Theo chuyên gia, khi thực hiện việc thí điểm sẽ có tác động bổ sung vào nguồn cung nhà ở đáp ứng nhu cầu của thị trường, tuy nhiên cần phải thấy rõ nhu cầu của thị trường ở đây là nhà ở vừa túi tiền của người dân.

“Nghị quyết thí điểm là khởi đầu nhưng cần nhiều giải pháp. Thủ tục để tiếp cận đất đai dù đã có nhiều nỗ lực nhưng thực tế để thực hiện ở nhiều trường hợp cụ thể thì vẫn vướng. Do đó, quan trọng nhất vấn đề về thủ tục và thực hiện”, ông Tuyến nhấn mạnh và cho rằng, ngoài ra cần quan tâm cơ chế để khơi thông khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tạo lập ra cung nhà ở cho người có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, phải quản lý thị trường bất động sản chống đầu cơ, thổi giá.

“Nhiều người có tâm lý đầu cơ kinh doanh mua đi bán lại để kiếm lời đẩy giá lên cũng khiến thị trường phát triển thiếu bền vững. Nhìn từ việc hoạch định chính sách xây dựng nhà ở thì phải nhằm mục đích chủ yếu để ở vì vậy phải khai thông nguồn lực đầu tư. Nếu người dân cứ chăm chăm có tiền nhàn rỗi lại đầu cơ vào đất, găm đất kiếm lời thì tạo ra áp lực nên sẽ có nhiều vấn đề cần được giải quyết với nhiều giải pháp quyết liệt”, ông Tuyến nhấn mạnh.

Cũng nhấn mạnh vào việc thực thi của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương trong thực hiện, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Câu lạc bộ bất động sản Hà Nội cho hay, khi luật đã có thì cũng cần có những chế tài nhất định thể hiện rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý.

“Chúng ta tư duy luật không cầu toàn nhưng vướng đâu phải tháo gỡ ngay ở đó. Chính quyền thực thi, doanh nghiệp thực hiện. Cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm về việc thực thi để cho thấy trách nhiệm và sự phân quyền đối với địa phương ngày càng lớn hơn. Quan trọng là các cấp chính quyền địa phương phải vào cuộc một cách quyết liệt. Tháo gỡ ngay cho doanh nghiệp về thủ tục để triển khai. Còn về phía doanh nghiệp cũng cần bám sát chính quyền địa phương đưa ra được những giải pháp tối ưu nhất để thực hiện dự án”, ông Điệp nói.

>> Được 'gỡ nút thắt', thị trường nhà ở Hà Nội bước vào chu kỳ mới

Thí điểm nhận đất nông nghiệp để làm nhà ở: Nên triển khai trên toàn quốc để tránh cơ chế xin – cho

Thí điểm cho phép mua đất nông nghiệp, phi nông nghiệp làm nhà ở thương mại: Gỡ khó khăn pháp lý cho loạt dự án đang bị 'kẹt'

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/pha-nut-that-nguon-cung-nha-o-nguoi-dan-thoai-mai-mua-nha-vua-tui-tien-2343350.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phá nút thắt nguồn cung nhà ở, người dân thoải mái mua nhà vừa túi tiền
    POWERED BY ONECMS & INTECH