Tài chính Ngân hàng

Phải chi 1.800 tỷ đồng cho Manulife khi chia tay, Techcombank nói gì?

Tuân Nguyễn 23/10/2024 19:02

Thoả thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm giữa Techcombank và Manulife đã chính thức chấm dứt từ ngày 14/10, theo đó Techcombank sẽ trả cho đối tác 1.800 tỷ đồng.

Việc Techcombank và Manulife chính thức “đường ai nấy đi” đã chấm dứt mối quan hệ kéo dài 7 năm (từ tháng 9/2017) dù thoả thuận hợp tác kéo dài 15 năm.

Tại Buổi gặp gỡ nhà đầu tư cá nhân và chia sẻ kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024 của Techcombank, diễn ra ngày 23/10, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc cao cấp Quản trị tài chính doanh nghiệp, Khối Tài chính kế hoạch, Ngân hàng Techcombank, cho biết, Techcombank và Manulife đã chính thức chấm dứt quan hệ phân phối độc quyền sản phẩm bảo hiểm từ ngày 14/10/2024.

Với quyết định này, Techcombank đã chi trả cho Manulife 1.800 tỷ đồng. Khoản chi được ghi nhận vào báo cáo tài chính quý IV/2024 của ngân hàng.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang khẳng định, khoản 1.800 tỷ đồng trả cho Manulife sẽ không gây ảnh hưởng đến kế hoạch lợi nhuận năm 2024 của Techcombank.

“Chúng tôi tự tin năm 2024 sẽ đạt được lợi nhuận đã được phê duyệt bởi Đại hội đồng cổ đông. Thoả thuận này mở ra cơ hội mới cho ngân hàng trong việc xác định lại chiến lược bảo hiểm thời gian tới, nhằm tối ưu hoá lợi ích cho các cổ đông”, bà Trang nói.

Chia sẻ thêm về việc này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ, thông tin, ngân hàng vẫn đảm bảo mọi điều kiện cũng như chất lượng dịch vụ cho khách hàng đã mua bảo hiểm nhân thọ thông qua Techcombank.

DSC_4201.jpg
Techcombank chấm dứt hợp tác với Manulife. Ảnh: Hoàng Hà.

Ông Tuấn cũng hé lộ nguyên nhân chấm dứt sự hợp tác giữa Techcombank và Manulife. "Do những thay đổi từ Luật Kinh doanh bảo hiểm nên hai bên quyết định chấm dứt. Việc này mở ra cơ hội kinh doanh tiếp theo và chúng tôi tin rằng sẽ mang lại nhiều triển vọng cho Techcombank từ nay trở đi”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, thu phí luôn là mảng quan trọng, được Techcombank đặt mục tiêu tập trung cao nhất. 9 tháng đầu năm, thu nhập từ phí dịch vụ của ngân hàng đạt gần 8.300 tỷ đồng, trong đó chủ yếu đến từ phí ngân hàng đầu tư và phí bảo hiểm. Điều này cho thấy ngân hàng vẫn tìm được một hướng đi khác biệt trong giai đoạn khó khăn nhất của thị trường.

Ông Nguyễn Anh Tuấn đánh giá, thị trường bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam còn nhiều cơ hội rất lớn. 80% khách hàng của Techcombank cho biết đang rất quan tâm đến bảo hiểm nhân thọ nên đây vẫn là mảng trọng tâm của ngân hàng. Có rất nhiều đối tác quan tâm và Techcombank sẽ tập trung xác định mô hình hợp tác với đối tác trong thời gian tới.

Đáng chú ý, ông Tuấn thông tin, đầu tháng 10/2024, Công ty bảo hiểm phi nhân thọ Techcom (TCGIns) đã được thành lập, trong đó Techcombank góp vốn 11%.

Chia sẻ trên phần nào hé lộ khả năng về một chiến lược phát triển dịch vụ bảo hiểm mới trong thời gian tới của Techcombank. Không loại trừ trường hợp ngân hàng sẽ bán bảo hiểm nhân thọ cho khách hàng thông qua công ty mới thành lập. Nước đi này hoàn toàn giống với VPBank khi gần đây đã bổ sung cho hệ sinh thái dịch vụ ngân hàng của mình bằng bảo hiểm OPES, một thương hiệu bảo hiểm thuộc VPBank.

Mặc dù quý III vừa qua, Techcombank không ghi nhận khoản thu nhập bất thường nào từ phí so với quý II, nhưng thu nhập từ phí 9 tháng đầu năm tăng 17%. Trong đó, phí dịch vụ bảo hiểm tăng 30% so với cùng kỳ.

Về kết quả kinh doanh chung của 9 tháng đầu năm 2024, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho biết lợi nhuận trước thuế của Techcombank tăng 24% so với cùng kỳ, đạt 22.800 tỷ đồng, bằng lợi nhuận trước thuế của cả năm 2023.
Đáng chú ý, tỷ lệ CASA (huy động không kỳ hạn/tổng nguồn vốn huy động) của ngân hàng tiếp tục ở mức cao nhất trong toàn ngành, lên tới 40,5% tính đến cuối tháng 9. Một chi tiết đáng chú ý là tính đến hết tháng 9 vừa qua, toàn bộ thanh toán của Techcombank qua Napas đứng số 1 thị trường cả ở chiều đến và chiều đi.
Trong bối cảnh lãi suất tiền gửi khách hàng tăng trong quý III, việc duy trì tỷ lệ CASA ở mức rất cao cùng tài khoản sinh lời thụ động có chi phí vốn thấp đã giúp giảm áp lực chi phí cho ngân hàng.
Về chất lượng tài sản, chi phí dự phòng quý III của ngân hàng đạt 1.100 tỷ đồng (quý II là 1.600 tỷ đồng). Nợ xấu tiếp tục duy trì dưới 1,5%, đây cũng ngưỡng mục tiêu của ngân hàng, trong khi tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng nhẹ lên 103%.

>>Techcombank (TCB) chi 1.800 tỷ cho Manulife sau khi ngừng hợp tác, tự mở công ty bảo hiểm

Techcombank (TCB) chi 1.800 tỷ cho Manulife sau khi ngừng hợp tác, tự mở công ty bảo hiểm

Chia tay Manulife, Techcombank (TCB) thành lập công ty bảo hiểm phi nhân thọ riêng

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/phai-chi-1-800-ty-dong-cho-manulife-khi-chia-tay-techcombank-noi-gi-2334802.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Phải chi 1.800 tỷ đồng cho Manulife khi chia tay, Techcombank nói gì?
    POWERED BY ONECMS & INTECH