Nhà đầu tư vừa có 5 ngày nghỉ lễ, có thêm thời gian xem lại diễn biến thị trường chứng khoán.
Kỳ nghỉ lễ dài 5 ngày đã kết thúc, người dân khắp nơi quay trở lại guồng quay công việc. Thị trường chứng khoán cũng sẽ hoạt động trở lại vào ngày mai, 2/5.
Đáng chú ý, những ngày cuối tháng 4 khi mọi người cấp tập chuẩn bị cho kỳ nghỉ lễ, lên kế hoạch đi “chữa lành” đó đây, thì cũng là thời điểm loạt doanh nghiệp bận rộn chuẩn bị cho kỳ họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 và công bố kết quả kinh doanh quý I.
Nếu nhỡ bỏ lỡ những sự kiện quan trọng những ngày trước nghỉ lễ, nhà đầu tư cũng đừng quên nhìn lại một số doanh nghiệp tạo “điểm nhấn” với kết quả kinh doanh “khủng” vừa thông qua, để có thêm lựa chọn cho phiên giao dịch mới sau kỳ nghỉ.
Những doanh nghiệp đã thông qua kế hoạch kinh doanh “khủng”
Mùa ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 tiếp tục là đại hội với nhiều thông tin thú vị. Dabaco (DBC) – doanh nghiệp ngành chăn nuôi trên sàn gây bất ngờ với mục tiêu trở lại “đỉnh vinh quang”, ước đạt 25.380 tỷ đồng doanh thu (bao gồm doanh thu nội bộ); kế hoạch lãi sau thuế 730 tỷ đồng - mức lãi đỉnh cao được thiết lập 3 năm trước.
Kế hoạch kinh doanh “khủng” này được đặt ra trên “nền cứng” khi 2 năm liên tiếp doanh thu thuần của doanh nghiệp đều đạt trên 11.100 tỷ đồng dù toàn cảnh thị trường chung vẫn còn nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, kế hoạch của Dabaco dựa trên tính toán giá thịt heo ở mức 53.000-55.000 đồng/kg, trong khi đó hiện tại, ở cả 3 miền Bắc – Trung – Nam, giá heo hơi đang duy trì ngưỡng 59.000-63.000 đồng/kg.
Để chuẩn bị cho hành trình chinh phục lại "đỉnh vinh quang", Dabaco cũng đã thông qua loạt kế hoạch tăng vốn nhằm mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong số đó, có kế hoạch chào bán 80 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 15.000 đồng/cổ phiếu và phát hành riêng lẻ hơn 48,4 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược với giá không thấp hơn 28.000 đồng/cổ phiếu.
Tổng tiền thu được từ 2 đợt phát hành sẽ đầu tư vào khu trang trại sản xuất kinh doanh giống lợn và chăn nuôi lợn thương phẩm chất lượng cao; đồng thời thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy ép và luyện tinh dầu đậu nành Dabaco.
Một trong những lý do khiến cổ phiếu DBC “hút” dòng vốn khối ngoại thời gian qua, có lẽ đến từ những tiêu chí mở rộng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: Tìm “bạn đồng hành” có tiềm lực tài chính, có công nghệ, sẵn sàng cùng Dabaco phát triển các dự án tiềm năng, mang lại hiệu quả đầu tư tối ưu nhất.
Trên thị trường, cổ phiếu DBC đóng cửa phiên cuối trước kỳ nghỉ lễ ở mức 28.000 đồng/cổ phiếu, tăng 1,08% so với phiên trước đó và tăng gần gấp đôi sau hơn 1 năm, so với thời điểm đầu năm 2023.
Digiworld (DGW) với chiến lược đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh đang thu hút sự chú ý của nhà đầu tư. Năm 2023 vừa qua Digiworld tạo ấn tượng với loạt “show diễn”, từ việc bắt tay phân phối ngành hàng tiêu dùng, đến việc đưa mảng bảo hộ lao động về cùng hệ sinh thái…
Cùng với đó, doanh số bán hàng các nhãn hàng đang hợp tác như Westinghouse, Whirlpool, Abinbev, Lotte Chilsung… đang tăng mạnh, bứt tốc và đột phá. Ngoài ra, việc bắt tay, nâng tỷ lệ sở hữu chi phối tại Vietmoney trong năm cũng mở ra cơ hội mới cho Digiworld trong năm tới ở nhóm ngành hàng seconhand.
Trước những thách thức và cơ hội mới, Digiworld tự tin đặt mục tiêu doanh thu 23.000 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2022. Kế hoạch lãi sau thuế 490 tỷ đồng, bứt phá 38% so với cùng kỳ.
>> Đại hội cổ đông Digiworld: Đón nhận thành quả M&A, kỳ vọng 'show diễn' của các ngành hàng mới
Hòa Phát (HPG) của Chủ tịch Trần Đình Long cũng gây “dậy sóng” mùa Đại hội đồng cổ đông khi câu chuyện cuộc chiến chống bán phá giá thép HRC nóng lên từng ngày. Tại Đại hội, Hòa Phát cũng trình bày loạt tham vọng khi cho biết doanh nghiệp đang đặt chân vào lĩnh vực mới là nghiên cứu các sản phẩm nhôm silic hướng đến các sản phẩm hàm lượng công nghệ cao, và đường ray nhằm đón đầu cơ hội khi dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam được phê duyệt.
Bên cạnh những thông tin về các sản phẩm mới, nhà đầu tư cũng khá bất ngờ với chia sẻ của Chủ tịch Trần Đình Long khi cho biết, doanh nghiệp sẽ không đầu tư, mở rộng mảng tôn - mặt hàng đang giúp Hòa Phát chiếm thị phần lớn trên thị trường. Theo tỷ phú Trần Đình Long, Hòa Phát sẽ cân nhắc việc đầu tư thêm mảng này, bởi nếu đầu tư, sẽ là đầu tư theo dây chuyền, công nghệ mới, chứ không mở rộng theo công nghệ hiện nay.
Trước những tham vọng mới, đặc biệt khi nhà máy Dung Quất 2 đang dần hoàn thiện, năm 2024 Hòa Phát đặt mục tiêu doanh thu 140.000 tỷ đồng, và lợi nhuận tăng trưởng 47% lên 10.000 tỷ đồng.
Là một trong những “cổ phiếu quốc dân” với số lượng cổ đông nắm giữ đông đảo nhất trên sàn chứng khoán (danh sách chốt quyền tham dự đại hội có 165.914 người), HPG luôn là một “cổ phiếu nóng” với thanh khoản cao. Từ đầu năm 2023 đến nay HPG cũng đã tăng khoảng 58%.
>> ĐHĐCĐ Hoà Phát (HPG): Tỷ phú Trần Đình Long 'khoe' thành tích
Thế giới di động (MWG) của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cũng đặt mục tiêu doanh thu 125.000 tỷ đồng năm 2024, tăng 6% so với doanh thu đạt được năm 2023. Tuy vậy kế hoạch lợi nhuận “khủng” 2.400 tỷ đồng (tăng 1.329% so với năm 2023) khiến nhiều cổ đông bất ngờ. Kế hoạch kinh doanh 2024 của Thế giới di động được “xây” trên nền kinh doanh giảm sút trầm trọng với số lãi chỉ 168 tỷ đồng năm 2023.
Đáng chú ý, quý I vừa qua, hiện tượng cắt giảm mạnh nhân sự của Thế giới di động vẫn tiếp diễn sau khi loại bỏ hàng chục nghìn người năm 2023. Riêng quý I, số nhân sự Thế giới di động giảm tiếp gần 5.000 người.
Tin vui cho cổ đông Thế giới di động khi quý I doanh thu thuần đạt 31.486 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ và đã hoàn thành 2%% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế đạt 903 tỷ đồng, gấp 42 lần cùng kỳ và hoàn thành 37,6% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm.
>> Thế Giới Di Động tiếp tục chia tay thêm 4.900 nhân viên trong 3 tháng đầu năm
Loạt doanh nghiệp báo lãi tăng đột biến quý I
Ngoài nhóm doanh nghiệp thông qua kế hoạch kinh doanh đột phá năm 2024, nhà đầu tư cũng đừng quên nhìn lại kết quả kinh doanh một số doanh nghiệp quý I vừa qua.
Tổng CTCP Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global – VGI) ghi nhận doanh thu tăng trưởng 22% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế tăng đột biến gần 175% lên mức 1.633 tỷ đồng.
Đóng góp lớn vào lợi nhuận quý I của Viettel Global là 1.555 tỷ đồng doanh thu tài chính, tăng 156% so với cùng kỳ. Đây chủ yếu nhờ lãi chênh lệch tỷ giá (1.175 tỷ đồng).
Giao thông Đèo Cả (HHV) báo doanh thu quý I đạt 690 tỷ đồng, tăng trưởng 28%; lợi nhuận sau thuế đạt 114 tỷ đồng, tăng 37,3% so với cùng kỳ. Điểm nhấn duy nhất của Giao thông Đèo Cả là nợ vay vẫn rất lớn với dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 931 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính dài hạn đến 19.168 tỷ đồng.
Gelex (GEX) tạo bất ngờ khi doanh thu tăng 3,9% so với cùng kỳ, đạt 6.660 tỷ đồng. Nhờ tăng doanh thu tài chính, và giảm chi phí tài chính đến 190 tỷ đồng so với cùng kỳ, dẫn tới lợi nhuận sau thuế đột biến gấp hơn 7 lần, lên mức 253 tỷ đồng.
>> Mới nhất: Cập nhật BCTC quý I/2024 với loạt doanh nghiệp như ACV, GEX, HAG, CMX, GEX, HHV
Thế Giới Di Động tiếp tục chia tay thêm 4.900 nhân viên trong 3 tháng đầu năm
Thị giá tăng gần 90%, Dabaco (DBC) lên kế hoạch phát hành thêm hơn 141 triệu cổ phiếu