Phó Chủ tịch MoMo chia sẻ: "Tôi chỉ đầu tư vào những thứ gì tôi hiểu được, sờ được và tin được. Tôi không đầu tư vào tiền số".
Mới đây, ông Nguyễn Bá Diệp, đồng sáng lập kiêm Phó Chủ tịch MoMo đã có những chia sẻ thú vị về quan điểm tiết kiệm và đầu tư trong chương trình talkshow MONEYtalk số 4 xoay quanh chủ đề "Tỷ phú tiền lẻ".
Ông Diệp cho biết: "Tôi có cơ hội gặp các tỷ phủ Việt Nam, thì thấy rằng họ là những người chi tiêu rất đúng mực, tiết kiệm. Những người đó không có một đồng tiền nào gọi là lẻ bởi họ đầu tư tất cả những đồng tiền đấy”.
"Đừng nghĩ là nhiều tiền mới đầu tư và hãy bắt đầu từ số tiền nhỏ", ông Nguyễn Bá Diệp nói và chia sẻ thêm rằng bản thân ông cũng đang dạy các con của mình tiết kiệm từ những số tiền nhỏ nhất bằng cách gửi tiền vào ngân hàng để nhận lãi. Bên cạnh đó, ông Diệp cũng tiết lộ khoản đầu tư mới nhất của ông là vào lĩnh vực giáo dục cho con cái của mình.
Khi được hỏi về "từ khoá" mà ông sẽ lựa chọn khi thực hiện đầu tư, ông Diệp cho biết bản thân ông có 2 xu hướng đầu tư. Một trong số đó là yếu tố dài hạn, tức là những khoản đầu tư từ 5 năm đến 10 năm và yếu tố còn lại là đầu tư vào những gì càng ngày càng ít đi. Về cơ bản, ông Diệp thường chú ý đầu tư những thứ hiếm và không sinh sôi.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Momo lại gây bất ngờ khi không đầu tư cho các tài sản số như tiền ảo, metaverse hay NFT. Đây là một sự thật thú vị về người đồng sáng lập MoMo, nhất là khi ông là người làm về công nghệ và nhất là trong lĩnh vực thanh toán điện tử.
"Là một người làm công nghệ, tôi có những hoài nghi của tôi. Và tôi chỉ đầu tư vào những thứ gì tôi hiểu được, sờ được và tin được. Tôi không đầu tư vào tiền số", ông Diệp cho biết.
Bất ngờ hơn, ông Diệp cho biết, bản thân cũng không đầu tư vào chứng khoán mặc dù cũng đã có thời gian tham gia thị trường này. Theo ông, chứng khoán là hình thức đầu tư không phù hợp với bản thân vì ông không có thời gian theo dõi biến động thị trường.
"Ở Việt Nam họ vẫn đầu tư theo hình thức lướt sóng, đầu tư ngắn hạn", ông nhấn mạnh và nói rằng ông có thể sẽ đầu tư vào một cổ phiếu nào đó trong dài hạn 5 năm đến 10 năm.
Khi được hỏi về việc khởi nghiệp như thế nào khi có ít tiền, ông Diệp khẳng định nếu như có một sản phẩm hay, tốt và có tiềm năng tăng quy mô, bạn không nhất thiết phải có quá nhiều tiền mới có thể triển khai được.
Ông Diệp cũng không đồng ý với việc nhiều người cho rằng các startup công nghệ thường có xu hướng "đốt tiền". Theo ông, quá trình này cũng giống như việc trồng một cái cây lâu năm trước khi nó có thể ra trái. "Đầu tư khó khăn thì kết quả sẽ rất ngọt ngào", ông Diệp chia sẻ.
Về MoMo, hồi tháng 12 năm ngoái, công ty này chính thức trở thành startup "kỳ lân" với định giá vượt mốc 2 tỷ USD sau khi kêu gọi được khoản đầu tư trị giá 200 triệu USD từ một nhóm các nhà đầu tư do Mizuho Bank (Nhật Bản) dẫn dắt.