Phớt lờ xu thế xe điện, ông lớn taxi Vinasun (VNS) cược tất vào dòng hybrid để đổi lấy điều gì?
Vinasun (VNS) sẽ đưa vào vận hành 2.000 xe hybrid trong năm 2024 - 2025, nhằm phù hợp với xu hướng chuyển đổi phương tiện xanh hiện nay.
CTCP Ánh Dương Việt Nam (Vinasun - mã: VNS) là một trong những hãng taxi truyền thống lớn tại ở khu vực phía Nam. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã và đang phải đối mặt với áp lực cạnh tranh từ làn sóng xe công nghệ như Be, Grab. Đặc biệt, sự xuất hiện của Xanh SM - hãng taxi điện của tỷ phú Phạm Nhật Vượng từ đầu năm 2023 - đã nhanh chóng làm thay đổi cục diện thị phần toàn ngành.
Sinh tồn với 2,4% thị phần
Ở thời kỳ đỉnh cao vào năm 2016, Vinasun ghi nhận đội xe lên tới 6.141 chiếc, doanh thu 4.520 tỷ đồng và lãi ròng 313 tỷ đồng - dẫn đầu thị trường taxi truyền thống thời điểm đó. Tuy nhiên, sự bùng nổ của các hãng taxi công nghệ, khởi đầu từ Grab, Uber, Be và gần đây là Xanh SM đã nhanh chóng làm thay đổi thói quen đi lại của người tiêu dùng. Ưu thế về giá cả, sự tiện lợi và khả năng đặt xe qua ứng dụng khiến mô hình truyền thống của Vinasun dần mất lợi thế cạnh tranh.
Tính đến cuối năm 2024, đội xe của Vinasun giảm còn 2.418 chiếc, số lượng nhân sự còn 1.549 người - tức giảm tới 15.611 người so với năm 2016. Trong 3 tháng đầu năm 2025, doanh nghiệp tiếp tục giảm thêm 56 người.
Bên cạnh đó, thị phần cũng bị thu hẹp đáng kể, chỉ còn gần 2,4% vào cuối quý I/2025, trong khi các đối thủ như Xanh SM nắm tới 39,85%, Grab 35,57%, Be 5,55% và Mai Linh 4,81%.
![]() |
Vinasun chỉ chiếm gần 2,4% thị phần taxi và xe công nghệ tại Việt Nam (Nguồn: Mordor Intelligence) |
Không chọn xe điện, vì sao Vinasun kiên định với dòng hybrid?
Trong xu thế chuyển đổi sang phương tiện xanh, nhiều hãng taxi truyền thống như Mai Linh, Lado Taxi, Bách Đại Dũng, Xanh Đông Bắc, Việt Đức, Thanh Nga… đã hợp tác với Xanh SM để triển khai xe điện. Tuy nhiên, Vinasun lại chọn một hướng đi khác khi đầu tư vào dòng xe hybrid.
Theo kế hoạch, trong năm 2024 và 2025, VNS sẽ đưa vào hoạt động tổng cộng 2.000 xe hybrid, bao gồm các mẫu Toyota Yaris Cross Hybrid, Corolla Altis Hybrid và Innova Cross Hybrid.
Chia sẻ tại ĐHĐCĐ, đại diện Vinasun cho biết dòng xe này giúp tiết kiệm chi phí vận hành, không mất thời gian sạc như xe điện và đặc biệt là giảm lượng khí thải CO2 - phù hợp với định hướng bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, ban lãnh đạo cũng thừa nhận giá vốn và chi phí khấu hao cao là những rào cản đáng kể.
“Nếu không đổi mới, liệu chúng ta có thể kỳ vọng doanh thu như trước đây? Khách hàng đang rất quan tâm đến trải nghiệm dịch vụ trên dòng xe thân thiện với môi trường”, ban lãnh đạo Vinasun bày tỏ.
![]() |
Vinasun vận hành dòng xe hybrid (Ảnh: VNS) |
Thời gian gần đây, TP. HCM đang xúc tiến triển khai "Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông", trong đó đề ra chính sách khuyến khích, ưu đãi và lộ trình chuyển đổi phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang năng lượng sạch, năng lượng xanh. Đối tượng áp dụng bao gồm taxi, xe công nghệ, xe hợp đồng, xe khách, xe tải, phương tiện cá nhân (ô tô, xe máy), cùng với phương tiện thuộc cơ quan hành chính, doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.
Trong bối cảnh đó, Vinasun đang từng bước chuyển mình để thích nghi với xu thế mới. Việc đầu tư vào xe hybrid không chỉ là giải pháp ứng phó với thách thức hiện tại, mà còn là chiến lược dài hạn nhằm hướng tới phát triển bền vững.
>> 'Khó thở' với sức ép từ Xanh SM và Grab, KQKD ông lớn taxi truyền thống Vinasun sụt giảm mạnh