Quảng Bình gần về đích giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc-Nam
Tại Quảng Bình, 5/6 huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng tuyến cao tốc, chỉ còn lại 175m tại huyện Lệ Thủy chưa hoàn thành. Hiện địa phương đang đốc thúc để sớm bàn giao phần diện tích mặt bằng còn lại.
Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình gồm 3 dự án thành phần có chiều dài 126,43km. Trong đó, đoạn Vũng Áng-Bùng có chiều dài dài 42,95km; đoạn Bùng-Vạn Ninh dài 49,93km; đoạn Vạn Ninh-Cam Lộ chiều dài 33,55km. Tổng diện tích đất chiếm dụng của các dự án thành phần khoảng 1.128ha.
Dự án đi qua 6 huyện, thị xã, thành phố và 35 xã, phường với khoảng 3.772 hộ gia đình bị ảnh hưởng, trong đó, 551 hộ thuộc diện tái định cư.
Thời gian qua, công tác giải phóng mặt bằng dự án cao tốc Bắc-Nam đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Bình được cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh triển khai đồng bộ, quyết liệt và đảm bảo tiến độ theo kế hoạch đề ra.
Hội đồng giải phóng mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam tỉnh và ở các huyện, thị xã, thành phố đã thực hiện đầy đủ các chính sách đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật, xây dựng khu tái định cư tập trung đảm bảo đồng bộ, hiện đại theo chủ trương chung của Chính phủ.
Theo đó, đến nay 05 huyện, thị xã, thành phố đã hoàn thành 100% công tác giải phóng và giao mặt bằng sạch cho các Ban quản lý dự án. Hiện chỉ còn một phần diện tích nhỏ tại huyện Lệ Thủy là chưa hoàn thành việc giải phóng mặt bằng.
Theo báo cáo của UBND huyện Lệ Thủy, tính đến ngày 30/9, huyện đã bàn giao 31,77km mặt bằng, đạt 99,45%. Diện tích còn lại chưa được bàn giao là 175m (0,55%), bao gồm các xã Trường Thủy 105m, xã Phú Thủy 25m và thị trấn Nông trường Lệ Ninh 45m.
Công tác giải phóng mặt bằng trên địa bàn huyện còn một số vướng mắc liên quan đến bảng giá đất, về phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; việc ban hành quyết định thu hồi đất các công trình, dự án chưa thực hiện được.
Khẩn trương bàn giao mặt bằng để phục vụ thi công
Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy cho biết, công tác giải phóng mặt bằng tại huyện Lệ Thủy khó khăn hơn bởi địa bàn dài nhất tỉnh, dự án đi qua địa hình đông dân cư nhất với gần 1.000 hộ dân.
Cùng với đó, lịch sử đất đai để lại phức tạp, đất đai của các nông lâm trường chuyển về, đất lấn chiếm, tranh chấp, không có nguồn gốc thời điểm sử dụng đất…nên mất nhiều thời gian hơn để xử lý. Cùng với đó, huyện còn vướng điện mặt trời và gần 700 ngôi mộ.
Ngày 1/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm đã có buổi làm việc với huyện Lệ Thủy về công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng công trình đường bộ cao tốc Bắc-Nam trên địa bàn huyện.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Đoàn Ngọc Lâm nhấn mạnh, hiện nay toàn tỉnh chỉ còn huyện Lệ Thủy là chưa hoàn thành bàn giao mặt bằng dự án đường bộ cao tốc Bắc-Nam. Quan điểm chỉ đạo chung là hiện nay không còn thời gian để chần chừ, kéo dài thời gian giải quyết các tồn tại, vướng mắc vì sẽ ảnh hưởng tiến độ chung của dự án.
Đối với các trường hợp không chấp hành quy định về bồi thường giải phóng mặt bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu huyện Lệ Thủy rà soát kỹ các văn bản pháp luật có liên quan để ban hành quyết định cưỡng chế đúng quy trình, quy định; các trường hợp đã có quyết định cưỡng chế thì tiến hành cưỡng chế khi thời gian vận động đã hết, khẩn trương hoàn thành bàn giao mặt bằng của dự án cho chủ đầu tư để phục vụ thi công.
"Đối với việc áp dụng đơn giá bồi thường, cần thực hiện theo chính sách hiện hành. Các cơ quan, đơn vị liên quan phải tích cực phối hợp để tháo gỡ khó khăn, triển khai dự án đúng tiến độ", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình đề nghị.
>> Bộ GTVT chỉ ra thách thức lớn nhất khi triển khai đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Bộ GTVT chỉ ra thách thức lớn nhất khi triển khai đường sắt cao tốc Bắc - Nam
Đèo Cả (HHV) hái ra tiền từ dự án 20.400 tỷ đồng lớn nhất cao tốc Bắc - Nam