Quảng Ngãi và Kon Tum thống nhất đặt cơ sở 2 ở TP Kon Tum sau sáp nhập
Do địa hình đồi núi và cách nhau đến 200 km, Ban Thường vụ hai tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum thống nhất sau sáp nhập lập cơ sở 2 ở TP Kon Tum để thuận tiện điều hành.
Chiều 11/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy của 2 tỉnh Quảng Ngãi và Kon Tum tổ chức cuộc họp nhằm triển khai công tác sáp nhập tỉnh.
Tại cuộc họp, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum Dương Văn Trang cho rằng, với địa hình đồi núi và khoảng cách hơn 200km giữa TP Kon Tum và TP Quảng Ngãi, việc đi lại hiện nay rất khó khăn. Vì vậy, việc thành lập cơ sở 2 trong giai đoạn đầu là phù hợp với chủ trương của Trung ương. Khi nào công tác điều hành đã ổn định sẽ rút về trung tâm hành chính của tỉnh mới.
Đồng thời, ông Trang cũng đề nghị tỉnh Quảng Ngãi quan tâm bố trí chỗ ở lâu dài cho cán bộ Kon Tum, trong đó có việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà ở xã hội, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2025.

Ban Thường vụ hai tỉnh thống nhất, báo cáo Trung ương sau khi nhập tỉnh trước mắt sẽ thành lập cơ sở 2 tại Kon Tum để không gây đình trệ, đứt gãy công việc và gần dân, sát dân, giải quyết kịp thời các vấn đề từ nhân dân. Việc bố trí sẽ được xem xét hợp lý, phù hợp đối với từng bộ phận, cơ quan, đơn vị.
Đưa 5% cán bộ cấp tỉnh về cấp xã, ưu tiên vùng khó khăn
Ngoài ra, các đại biểu cũng đã thống nhất 4 nội dung liên quan đến việc sáp nhập tỉnh. Về bố trí cán bộ cấp xã sau sáp nhập, thống nhất sắp xếp theo mô hình chính quyền hai cấp, phấn đấu đưa 5% cán bộ cấp tỉnh về cấp xã, ưu tiên vùng khó khăn.
Về phân bổ đại biểu dự Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi nhiệm kỳ 2025-2030, thống nhất số lượng 450 đại biểu (khoảng 90 đại biểu đương nhiên), đảm bảo cơ cấu hợp lý, tăng đại biểu ngành quan trọng.
Về dự thảo báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ tỉnh mới, đặt mục tiêu phát triển tỉnh Quảng Ngãi sau sáp nhập đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, với tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2026-2030 đạt từ 10%/năm trở lên.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp – xây dựng và dịch vụ chiếm khoảng 75-76% GRDP; thu ngân sách nhà nước hằng năm phấn đấu vượt chỉ tiêu Trung ương giao.

Dự thảo cũng xác định 5 nhiệm vụ trọng tâm: Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; đẩy mạnh phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp nền tảng và hình thành Trung tâm lọc – hóa dầu, năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất; phát triển nông nghiệp công nghệ cao; phát triển du lịch, đưa Lý Sơn trở thành trung tâm du lịch biển đảo và Măng Đen thành trung tâm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng.
Ba nhiệm vụ đột phá gồm: đầu tư hạ tầng hiện đại; nâng cao chất lượng cán bộ; đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo.
Về nhà ở công vụ sau sáp nhập, cán bộ diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý được bố trí tại nhà khách, ký túc xá; cán bộ, công chức còn lại được hỗ trợ thuê nhà 2 triệu đồng/tháng trong 2 năm, sau đó sẽ điều chỉnh theo tình hình thực tế.