Quốc gia châu Á ‘toả sáng’, thay thế Trung Quốc trở thành ‘con cưng’ của Phố Wall

08-02-2024 08:13|Quỳnh Vân

Các nhà đầu tư đang theo dõi sát sao xu hướng phát triển trái ngược của hai trong số những cường quốc lớn nhất châu Á.

Một sự chuyển đổi quan trọng đang diễn ra trên thị trường toàn cầu khi các nhà đầu tư rút hàng tỷ USD khỏi nền kinh tế trì trệ của Trung Quốc, dù cho suốt 2 thập kỷ qua họ đã đặt cược vào quốc gia này như một khu vực tăng trưởng lớn nhất thế giới.

Bloomberg cho hay phần lớn vốn đầu tư hiện đang chuyển sang Ấn Độ, khi những gã khổng lồ tài chính ở Phố Wall như Goldman Sachs Group và Morgan Stanley coi quốc gia Nam Á này là điểm đầu tư hàng đầu trong thập kỷ tới.

Động thái này đã kích hoạt một “cơn sốt vàng”. Theo đó, quỹ phòng hộ trị giá 62 tỷ USD Marshall Wace đặt cược vào Ấn Độ nhiều nhất sau Mỹ. Ngay cả các nhà đầu tư bán lẻ bảo thủ truyền thống của Nhật Bản cũng chào đón Ấn Độ và hạn chế sự tiếp xúc với Trung Quốc.

Ấn Độ, nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới, đã mở rộng cơ sở hạ tầng đáng kể dưới thời Thủ tướng Narendra Modi trong nỗ lực thu hút vốn và nguồn cung toàn cầu.

Mặt khác, Trung Quốc đang phải vật lộn với những cuộc khủng hoảng kinh tế và căng thẳng địa chính trị với phương Tây.

Quốc gia châu Á ‘toả sáng’, đi ngược hoàn toàn với Trung Quốc và trở thành ‘con cưng’ của Phố Wall
Chứng khoán Ấn Độ bỏ xa đối thủ Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Và mặc dù tâm lý lạc quan về Ấn Độ không phải là mới, nhưng nhà đầu tư giờ đây có khả năng nhận thấy rõ hơn một thị trường giống với Trung Quốc trong quá khứ. Đó là một nền kinh tế rộng lớn, năng động đang mở cửa đón dòng vốn toàn cầu theo những cách mới lạ.

Lịch sử cho thấy tăng trưởng kinh tế của Ấn Độ và giá trị vốn hoá của thị trường chứng khoán nước này có mối liên kết chặt chẽ. Theo Bloomberg, nếu kinh tế Ấn Độ tiếp tục mở rộng ở mức 7%, quy mô thị trường dự đoán sẽ tăng trung bình ít nhất cùng với tốc độ đó. Trong 2 thập kỷ qua, GDP và vốn hóa thị trường nước này tăng đồng đều từ 500 tỷ USD lên 3,5 nghìn tỷ USD.

Trên thị trường quỹ ETF của Mỹ, các quỹ mua cổ phiếu chính của Ấn Độ ghi nhận dòng tiền đổ vào kỷ lục trong quý IV/2023, trong khi 4 quỹ lớn nhất Trung Quốc đã “thất thoát” tổng cộng gần 800 triệu USD.

Vào giữa tháng 1/2023, Ấn Độ nhanh chóng vượt qua Hồng Kông (Trung Quốc) để trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ 4 thế giới. Morgan Stanley dự đoán thị trường chứng khoán Ấn Độ sẽ vươn lên vị trí số 3 vào năm 2030.

Quốc gia châu Á ‘toả sáng’, đi ngược hoàn toàn với Trung Quốc và trở thành ‘con cưng’ của Phố Wall
Phân bổ tài sản toàn cầu đang chuyển hướng. Tổng tài sản của quỹ ETF hàng đầu Ấn Độ đã vượt qua Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg

Nhà đầu tư mới

Nhà đầu tư bán lẻ của Nhật Bản, vốn có truyền thống ưa chuộng Mỹ hơn, cũng đang chú ý đến quốc gia này.

Năm quỹ tương hỗ tập trung vào Ấn Độ của Nhật Bản hiện nằm trong danh sách 20 quỹ đầu tư có dòng vốn đổ vào lớn nhất. Thêm vào đó, tài sản tại quỹ lớn nhất - Quỹ chứng khoán Ấn Độ của Nomura - vừa đạt mức cao nhất trong 4 năm qua.

Qua đó, Ấn Độ ngày càng khẳng định bản thân là một nhà sản xuất có khả năng thay thế cho Bắc Kinh (Trung Quốc).

Quốc gia châu Á ‘toả sáng’, đi ngược hoàn toàn với Trung Quốc và trở thành ‘con cưng’ của Phố Wall
Ấn Độ hiện chiếm hơn 7% sản lượng iPhone toàn cầu và đang rót hàng nghìn tỷ rupee vào việc nâng cấp cơ sở hạ tầng. Ảnh: Bloomberg

Bộ trưởng Tài chính Nirmala Sitharaman tuần trước cho biết Chính phủ sẽ tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng thêm 11% lên 11,1 nghìn tỷ rupee (134 tỷ USD) trong năm tài chính tới.

Nước này cũng dự định xây dựng một hệ sinh thái công nghệ lớn nhằm thu hút nhiều người hơn nữa vào thị trường kỹ thuật số.

Google Pay của Alphabet có kế hoạch hợp tác với hệ thống thanh toán dựa trên thiết bị di động của Ấn Độ – hệ thống tạo ra hàng tỷ giao dịch mỗi tháng – để mở rộng dịch vụ ra ngoài quốc gia.

Ashish Chugh, nhà quản lý thu nhập tại Loomis Sayles & Co, bình luận: “Lần đầu tiên, hàng trăm triệu người Ấn Độ có tài khoản ngân hàng và khả năng tiếp cận tín dụng. Điều này chắc chắn sẽ thu hút các công ty toàn cầu đến Ấn Độ và cùng với họ là các nhà đầu tư toàn cầu”.

Định giá cho sự hoàn hảo

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số trở ngại. Sự phấn khích của thị trường khiến cổ phiếu Ấn Độ trở thành một trong những cổ phiếu đắt đỏ nhất thế giới. Chỉ số S&P BSE Sensex tăng gần gấp 3 lần từ mức thấp nhất vào tháng 3/2020, trong khi lợi nhuận chỉ tăng gấp đôi.

Chỉ số này giao dịch ở mức giá gấp hơn 20 lần lợi nhuận tương lai, đắt hơn 27% so với mức trung bình giai đoạn 2010 đến 2020.

Giá trị cổ phiếu cao cộng với những nỗ lực gần đây của Trung Quốc nhằm hỗ trợ thị trường khiến một số nhà đầu tư cân nhắc thay đổi chiến lược.

Theo dữ liệu Bloomberg tổng hợp, các quỹ toàn cầu đã rút về hơn 3,1 tỷ USD từ cổ phiếu trong nước trong tháng 1, con số lớn nhất trong một năm.

Quốc gia châu Á ‘toả sáng’, đi ngược hoàn toàn với Trung Quốc và trở thành ‘con cưng’ của Phố Wall
Chỉ số S&P BSE Sensex tăng mạnh so với mức thấp nhất vào năm 2020, trong khi thu nhập chỉ tăng khoảng gấp đôi. Ảnh: Bloomberg

Chương trình nghị sự xã hội của ông Modi, mà các nhà phê bình cho rằng ưu ái đa số dân theo đạo Hindu, cũng đe dọa sự ổn định ở một quốc gia có hơn 200 triệu dân theo các tôn giáo thiểu số.

Biến tiềm năng của kinh tế Ấn Độ thành hiện thực và mang lại lợi ích cho người dân là một câu hỏi khó, đặc biệt là ở một nền dân chủ đa ngôn ngữ với sự khác biệt lớn về văn hóa giữa các khu vực.

Charles Robertson, trưởng bộ phận Chiến lược vĩ mô tại FIM Partners, nhận định: “Ấn Độ vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Tiềm năng tăng trưởng ở mức đỉnh vẫn thấp hơn những gì Trung Quốc đã đạt được”.

Bức tranh tổng thể

Nhưng ngay cả với những rủi ro đó, khi mà thu nhập bình quân đầu người vẫn ở mức thấp, đất nước này đang chuẩn bị cho việc mở rộng kéo dài trong nhiều năm cũng như cơ hội thị trường mới.

Quốc gia châu Á ‘toả sáng’, đi ngược hoàn toàn với Trung Quốc và trở thành ‘con cưng’ của Phố Wall
Cổ phiếu ghi nhận lợi ích tăng trưởng. Vốn hóa thị trường của Ấn Độ theo sát GDP của nước này. Ảnh: Bloomberg

Với tỷ lệ sở hữu nước ngoài chỉ trên 2%, thị trường trái phiếu Chính phủ trị giá 1,2 nghìn tỷ USD của quốc gia này đã được thêm vào chỉ số nợ toàn cầu của JPMorgan Chase & Co từ tháng 6/2023.

Theo HSBC Asset Management, động thái này có thể thu hút tới 100 tỷ USD dòng vốn đổ vào trong những năm tới.

Ấn Độ cũng có kế hoạch tăng cường nỗ lực toàn cầu hóa đồng rupee, mặc dù ở quy mô khiêm tốn hơn so với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.

>> Quốc gia châu Á âm thầm ‘thế chân’ Trung Quốc trong chuỗi cung ứng của Apple

Quốc gia châu Á 'vụt sáng', thế chân Trung Quốc trở thành tâm điểm trong chuỗi cung ứng toàn cầu

Quốc gia châu Á 'tỏa sáng', vượt Hồng Kông để trở thành thị trường chứng khoán lớn thứ 4 thế giới

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/quoc-gia-chau-a-toa-sang-di-nguoc-hoan-toan-voi-trung-quoc-va-tro-thanh-con-cung-cua-pho-wall-222640.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Quốc gia châu Á ‘toả sáng’, thay thế Trung Quốc trở thành ‘con cưng’ của Phố Wall
    POWERED BY ONECMS & INTECH