Quốc gia giàu tài nguyên bậc nhất thế giới nhưng đa phần lại nằm trong tay Trung Quốc, nay trở thành 'quân cờ' mới trong cuộc đua giữa 2 siêu cường
Sở hữu tới 75% sản lượng cobalt toàn cầu, hầu hết các mỏ tài nguyên chiến lược này của Cộng hòa Dân chủ Congo đã nằm trong tay Bắc Kinh, khiến Mỹ và chính quyền sở tại tìm cách giành lại thế chủ động – bắt đầu bằng một canh bạc mang tên “lệnh cấm xuất khẩu”.
Trên tuyến xa lộ dài 63 dặm nối thị trấn Kolwezi với Fungurume, hai khu mỏ đồng và cobalt khổng lồ thuộc sở hữu của Tập đoàn CMOC (Trung Quốc) nổi bật như những biểu tượng cho sự hiện diện ngày càng sâu rộng của Bắc Kinh tại vùng đông nam Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC).
Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi. Trên dọc tuyến đường này, hàng loạt nhà máy, kho bãi, sòng bạc và khách sạn do các doanh nghiệp đến từ Trung Quốc – từ các tập đoàn quốc doanh đến những thương nhân nhỏ lẻ – mọc lên san sát. Từ các nhà sản xuất thiết bị công nghiệp ở Sơn Đông đến các doanh nghiệp thép ở Hà Bắc, tất cả đều góp mặt trong cuộc đổ bộ vào "vành đai đồng" chiến lược của Congo.
Chỉ trong chưa đầy hai thập kỷ, Trung Quốc đã cắm rễ sâu vào mọi mắt xích của ngành khai thác tài nguyên tại quốc gia Trung Phi này – từ các điểm thu mua quy mô nhỏ ven đường đến các tập đoàn đa quốc gia như CMOC, hiện là nhà sản xuất cobalt lớn nhất thế giới sau khi vượt mặt Glencore Plc vào năm 2023.

Trong khi đó, giới lãnh đạo DRC đang cố gắng tìm kiếm thế cân bằng mới trên bàn cờ địa chính trị. Một trong những động thái đáng chú ý là việc chính quyền nước này mở cửa đối thoại với một đồng minh từng bị xem là bất ngờ: nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Trump.
Lệnh cấm gây bất ngờ
Tháng 2 vừa qua, chính phủ Congo bất ngờ ban hành lệnh cấm toàn bộ hoạt động xuất khẩu cobalt – một động thái gây chấn động thị trường hàng hóa toàn cầu. Đáng chú ý, các giám đốc điều hành của CMOC tại Thượng Hải chỉ biết đến quyết định này qua một bản tin của báo nước ngoài, theo công bố từ chính công ty.
Lệnh đình chỉ kéo dài 4 tháng được cho là nhằm vực dậy giá cobalt sau khi kim loại chiến lược này rơi xuống mức thấp kỷ lục. Nhưng ẩn sau đó là một thông điệp rõ ràng gửi tới CMOC – đối tác Trung Quốc đóng vai trò trung tâm trong nền kinh tế Congo – rằng việc vượt quá chỉ tiêu sản lượng đã góp phần đẩy giá xuống, làm tổn hại lợi ích quốc gia.
Được Tổng thống Felix Tshisekedi phê chuẩn, lệnh cấm phản ánh sự thất vọng ngày càng gia tăng trong giới lãnh đạo Congo. Dù là quốc gia sản xuất tới 75% lượng cobalt toàn cầu, chính quyền Kinshasa vẫn không có tiếng nói trong việc định giá một kim loại then chốt đối với ngành sản xuất pin, quốc phòng và hàng không vũ trụ. Thay vào đó, các công ty Trung Quốc – với tầm ảnh hưởng sâu rộng – mới là lực lượng chi phối thị trường.

Theo các nhà phân tích và thương nhân, lệnh cấm không chỉ nhằm ổn định giá, mà còn là một canh bạc chính trị lớn của ông Tshisekedi. Việc công khai thách thức Bắc Kinh có thể mở ra cơ hội tái định hình quan hệ đối tác kinh tế, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro nếu không nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cường quốc khác – đặc biệt là Washington.
'Đi trên dây' giữa 2 siêu cường
“Vấn đề khoáng sản chiến lược ở châu Phi là một cái gai trong quan hệ Mỹ - Trung", bà Yun Sun, Giám đốc Chương trình Trung Quốc tại Trung tâm Stimson (Washington), nhận định. “Chính quyền Trump đã coi đây là một ưu tiên.”
Tuy nhiên, Trung Quốc đã đi trước Hoa Kỳ hàng thập kỷ trong cuộc đua kiểm soát khoáng sản quan trọng. Với những khoản đầu tư khổng lồ và sự hiện diện trải dài từ khai thác đến chế biến, Bắc Kinh đang nắm thế thượng phong tại Cộng hòa Dân chủ Congo – quốc gia chiếm phần lớn nguồn cung cobalt toàn cầu.
Theo bà Yun Sun, một thỏa thuận tiềm năng giữa Nhà Trắng và Congo nhằm nắm cổ phần trong sản lượng khoáng sản có thể là “con dao hai lưỡi” vì nguy cơ làm tổn hại quan hệ với Bắc Kinh – đối tác thương mại và đầu tư lớn nhất của Congo hiện nay.
Thật vậy, nếu không có sự hỗ trợ từ Trung Quốc – riêng CMOC đã rót khoảng 9 tỷ USD vào các dự án khai thác kể từ năm 2016 – Congo khó có thể đạt được mục tiêu tăng gấp ba sản lượng đồng và gần gấp đôi sản lượng cobalt trong thập kỷ tới. Hai kim loại này thường được khai thác đồng thời, và đóng vai trò then chốt trong nền kinh tế quốc gia. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), xuất khẩu đồng và cobalt chiếm khoảng 40% GDP của Congo.
Về mặt thương mại, sự chênh lệch là rõ ràng: trong năm 2024, tổng giá trị trao đổi giữa Congo và Trung Quốc đạt gần 27 tỷ USD, trong khi thương mại với Mỹ chỉ đạt 820 triệu USD.

Trước bối cảnh đó, Congo đã từng đề xuất một thỏa thuận "khoáng sản đổi lấy an ninh" với Washington – lấy cảm hứng từ một mô hình tương tự đang được thảo luận với Ukraine. Theo lý thuyết, thỏa thuận sẽ cung cấp cho các công ty Mỹ quyền tiếp cận khoáng sản chiến lược của Congo, đổi lại là sự hỗ trợ về an ninh nhằm chấm dứt xung đột ở miền Đông – nơi một nhóm phiến quân do Rwanda hậu thuẫn đang kiểm soát hai thành phố lớn và nhiều khu vực giàu tài nguyên vàng, thiếc và tantalum.
Với tình hình bất ổn kéo dài, các bước đi của chính quyền Tổng thống Tshisekedi trong việc tái cân bằng quan hệ giữa hai siêu cường đang được theo dõi sát sao. Đây có thể là cơ hội – hoặc rủi ro – định hình lại vai trò của Congo trong cuộc cạnh tranh khoáng sản toàn cầu.
Được mệnh danh là “Ả-rập Xê-út của cobalt”, Cộng hòa Dân chủ Congo sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào với dân số khoảng 110 triệu người. Không chỉ chiếm vị trí thống trị về cobalt – kim loại then chốt trong sản xuất pin cho xe điện và các thiết bị quốc phòng – Congo còn là nhà sản xuất đồng lớn thứ hai thế giới, một nguyên liệu quan trọng trong công nghệ năng lượng tái tạo và truyền dẫn điện.
Tuy nhiên, tiềm năng khổng lồ này luôn bị kìm hãm bởi những yếu tố nội tại: đói nghèo, tham nhũng, xung đột vũ trang và cơ sở hạ tầng yếu kém. Chính những rủi ro này khiến nhiều tập đoàn phương Tây e dè, trong khi các công ty Trung Quốc – vốn đã quen thích nghi với môi trường bất ổn – lại tiếp tục mở rộng ảnh hưởng.
Kể từ khi Tổng thống Félix Tshisekedi lên nắm quyền vào năm 2019, chính phủ Congo đã chủ động cải thiện quan hệ với các đối tác phương Tây. Làn sóng nghi ngại ngày càng tăng tại Washington đối với sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường kim loại hiếm mang lại cho Congo một cơ hội chiến lược.
Tháng 3 vừa qua, với sự hậu thuẫn từ phía Mỹ, chính quyền Kinshasa đã hủy bỏ thương vụ mua lại một công ty khai thác đồng-cobalt bởi chi nhánh của Tập đoàn Norinco – nhà sản xuất vũ khí hàng đầu của Trung Quốc. Norinco hiện sở hữu các mỏ gần Kolwezi – trung tâm tài nguyên khoáng sản của quốc gia này. Tuy vậy, một đề xuất thay thế do Mỹ hậu thuẫn vẫn chưa thành hình, làm dấy lên lo ngại rằng sự hiện diện của phương Tây vẫn còn quá mong manh.
Trung Quốc, trong khi đó, đã xây dựng một hệ sinh thái doanh nghiệp vững chắc tại Congo. Không chỉ đầu tư lớn vào các mỏ, công dân Trung Quốc còn vận hành khách sạn, sòng bạc, nhà máy và mạng lưới logistics. Họ đã học cách “sống sót” trong môi trường phức tạp, từ việc xử lý tham nhũng, thuê vệ sĩ đến đối phó với tình trạng giao thông tồi tệ và các biến động chính trị.
Bắc Kinh cũng kiểm soát chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ các nhà máy luyện kim, cơ sở sản xuất pin và xe điện được xây dựng qua hàng chục năm. Theo Darton Commodities, hơn 80% lượng cobalt tinh chế toàn cầu vào năm ngoái được xử lý tại Trung Quốc – một con số cho thấy vai trò then chốt của nước này trong việc kiểm soát giá cả.
Sự thống trị này được củng cố bởi lượng vốn khổng lồ. Theo AidData – một nhóm nghiên cứu thuộc Đại học William & Mary (Virginia, Mỹ) – Trung Quốc đã rót hơn 56,9 tỷ USD vào các dự án liên quan đến “khoáng sản chuyển tiếp” trên toàn cầu từ năm 2000 đến 2021.
“Việc phụ thuộc vào một quốc gia sẽ khiến bạn dễ bị tổn thương", Christian-Geraud Neema Byamungu, chuyên gia về đầu tư khai khoáng của Trung Quốc tại Congo, thuộc Dự án Trung Quốc – Nam bán cầu, cảnh báo.
CMOC – tập đoàn khai thác Trung Quốc hiện kiểm soát nhiều mỏ cobalt và đồng tại Congo – đã từ chối yêu cầu tiếp cận mỏ Kisanfu cho bài viết này. Trong phản hồi bằng email, công ty bác bỏ cáo buộc cố tình đẩy giá coban xuống thấp. “Chúng tôi phát triển tài sản khai khoáng ở DRC để lấy đồng,” CMOC khẳng định. “Coban chỉ là sản phẩm phụ.” Công ty lý giải tình trạng dư cung hiện nay là hệ quả không tránh khỏi từ việc tăng cường sản xuất đồng.
Trong khi đó, lệnh cấm xuất khẩu coban của Congo – được ban hành hồi tháng 2 – dự kiến sẽ kết thúc vào cuối tháng 6, nhưng Tổng thống Félix Tshisekedi cảnh báo có thể gia hạn nếu cần thiết. Theo ước tính, nếu lệnh cấm được kéo dài đến cuối năm 2025, nền kinh tế Congo có thể thiệt hại tới 400 triệu USD.

Tuy nhiên, các nhà chức trách tại Kinshasa không chỉ tìm kiếm tác động ngắn hạn. Các phương án dài hạn hơn – như áp dụng hạn ngạch xuất khẩu để kiểm soát nguồn cung ra thị trường – đang được thảo luận nghiêm túc. Tại Kolwezi, nơi tập trung nhiều mỏ lớn, các công ty khai thác vẫn tiếp tục xuất đồng, nhưng lượng lớn cobalt đang được lưu trữ tạm thời, chờ định hướng chính sách mới. Giá hydroxide coban đã tăng gấp đôi kể từ khi lệnh cấm có hiệu lực – một kết quả khiến giới chức Congo kỳ vọng vào sức nặng chính sách của mình.
Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng nếu chính phủ kiểm soát quá chặt thị trường, các nhà sản xuất pin xe điện có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang các vật liệu thay thế không chứa cobalt – đe dọa vị thế trung tâm của Congo trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phát biểu tại một hội nghị về ngành công nghiệp cobalt tổ chức ở Singapore tuần trước, ông André Wameso – Phó chánh văn phòng Tổng thống Tshisekedi, phụ trách các vấn đề kinh tế – đã nhấn mạnh rằng lệnh cấm là một phần của “chiến lược rộng hơn.”
“Trong lịch sử, Congo luôn là nơi cung cấp nguyên liệu thô để các nền kinh tế khác phát triển – từ cao su đến kim cương,” ông nói. “Nhưng sự thịnh vượng mà các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây mang lại lại không đến được với người dân Congo.”
“Chúng tôi hiểu rằng một cuộc cách mạng mới đang đến – đó là chuyển đổi năng lượng, là cuộc cách mạng xanh", ông tiếp tục. “Và một lần nữa, các nguyên liệu thô cần thiết cho sự thay đổi toàn cầu lại nằm ở Congo.”
Theo ông Wameso, mục tiêu của chính phủ hiện nay là hoạch định chính sách sao cho không chỉ thu hút đầu tư và phát triển ngành khai khoáng, mà còn đảm bảo nguồn lợi này thực sự đến được với người dân Congo – những người đã phải chờ đợi quá lâu để hưởng lợi từ sự giàu có tài nguyên mà đất nước đang sở hữu.
Tham khảo BNN, Politico
>> Sai lầm 3 tỷ USD khiến Mỹ tụt hậu trong cuộc đua khoáng sản với Trung Quốc
Trung Quốc cho Mỹ 'hít khói', kiểm soát tới 85% công suất tinh chế đất hiếm toàn cầu
Trung Quốc tăng mua đồng từ Congo ngoài sàn giao dịch để giảm khủng hoảng nguồn cung