Quy mô xuất khẩu tỷ USD, 230 doanh nghiệp tôm Việt Nam không thể cạnh tranh nếu Mỹ áp thuế 46%
VASEP cho biết mức thuế 46% của Việt Nam cao vượt trội so với các đối thủ trong ngành như Thái Lan (36%), Indonesia (32%), Ấn Độ (26%) hay Ecuador (10%).
Trong nhiều năm qua, Mỹ luôn là thị trường xuất khẩu tôm lớn của Việt Nam, chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm. Hiện có khoảng 230 doanh nghiệp Việt đang tham gia xuất khẩu tôm vào Mỹ, với giá trị từ 800 triệu đến 1 tỷ USD mỗi năm.
Tuy nhiên, ngành tôm Việt Nam đang đối mặt với thách thức nghiêm trọng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế nhập khẩu 10% đối với tất cả quốc gia từ ngày 5/4/2025. Đặc biệt, với các quốc gia có thâm hụt thương mại lớn, mức thuế đối ứng còn lớn hơn rất nhiều, trong đó Việt Nam phải chịu là 46%.
Hiện, Mỹ đã công bố tạm hoãn việc áp thuế 46% trong 90 ngày, mở đường cho các nước bước vào đàm phán. Ngành tôm Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn 'chờ' kết quả đàm phán giữa 2 bên.
![]() |
VASEP cho rằng các doanh nghiệp tôm không thể cạnh tranh nếu Mỹ áp thuế 46% |
>> Việt Nam chính thức đề xuất Hoa Kỳ miễn trừ thuế cho một số nhóm hàng nông thuỷ sản thiết yếu
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), 46% là mức thuế cao vượt trội so với các đối thủ trong ngành như Thái Lan (36%), Indonesia (32%), Ấn Độ (26%) hay Ecuador (10%).
"Với mức chênh lệch thuế quá lớn, thủy sản Việt Nam, một trong những mặt hàng có giá trị xuất khẩu tỷ đô sang Mỹ trong năm 2024, gần như không thể cạnh tranh, đặc biệt khi Ecuador chỉ chịu thuế 10%. Dù người tiêu dùng Mỹ có thiện chí chia sẻ, họ cũng khó có thể chấp nhận mức giá cao như vậy”, chuyên gia thị trường tôm thuộc VASEP nhận định.
Trước tình thế cấp bách, VASEP đã gửi công văn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan sớm có phương án đàm phán với phía Mỹ nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản.
Song song đó, VASEP cũng khuyến nghị các doanh nghiệp tận dụng giai đoạn 90 ngày đầu khi thuế vẫn ở mức 10% để đẩy mạnh xuất khẩu. Trong trường hợp thuế có dấu hiệu được điều chỉnh theo hướng tích cực, doanh nghiệp nên tập trung vào các sản phẩm chủ lực như tôm, cá tra, cá ngừ và các sản phẩm chế biến giá trị gia tăng nhằm tận dụng khoảng trống do Trung Quốc để lại.
Về chiến lược dài hạn, nhiều doanh nghiệp cần tính đến việc đa dạng hóa thị trường, giảm sự phụ thuộc vào Mỹ hoặc Trung Quốc thông qua việc đẩy mạnh xuất khẩu sang EU, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Ngoài ra, cộng đồng doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần tập trung kiểm soát xuất xứ, truy xuất nguồn gốc để chứng minh thủy sản xuất khẩu có nguồn gốc 100% từ Việt Nam. Đồng thời, cần tăng cường hợp tác với các cơ quan phía Mỹ trong giám sát chuỗi cung ứng, ngăn ngừa nguy cơ bị cáo buộc lẩn tránh thuế.
Cuối cùng, việc nâng cao chất lượng và xây dựng thương hiệu quốc gia là yếu tố sống còn. Cần đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ chế biến, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế như FDA, ASC, MSC. Bên cạnh đó, xây dựng thương hiệu “Thủy sản Việt Nam” gắn với các giá trị bền vững, minh bạch và an toàn sẽ là chìa khóa để tạo khác biệt so với sản phẩm từ Trung Quốc và các quốc gia khác.
>>Doanh nghiệp nhận tin vui cho hàng Việt Nam đang trên đường đến Mỹ