Rốt ráo tìm nhà đầu tư tái khởi động cây cầu cao nhất Việt Nam trên cao tốc 30.000 tỷ
Sau 4 năm ngừng thi công, ban quản lý dự án đang kêu gọi đầu tư thực hiện những gói thầu còn lại.
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa phát thông báo mời thầu để tìm nhà thầu thi công gói thầu J3-1, phần việc còn lại của gói thầu J3 cầu Phước Khánh thuộc tuyến cao tốc 30.000 tỷ Bến Lức - Long Thành. Giá dự toán cho gói thầu là 683,994 tỷ đồng, với hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi trong nước qua mạng. Thời gian thực hiện hợp đồng dự kiến là 13 tháng, thời gian mở thầu vào ngày 6/8/2024.
Dự án cao tốc Bến Lức – Long Thành vẫn đang được tăng cường triển khai các gói thầu. Tuy nhiên, gói thầu xây dựng J3 là cầu Phước Khánh vẫn “giậm chân tại chỗ”.
Cầu Phước Khánh còn đang dang dở. Ảnh: Hữu Chánh
Cầu Phước Khánh bắc qua sông Lòng Tàu nối huyện Cần Giờ, TP. HCM và huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, trước đây do liên danh Sumitomo Mitsui (Nhật Bản) - Cienco 4 (Việt Nam) thực hiện. Do gặp vướng mắc về cơ chế chính sách, gói thầu cầu Phước Khánh cũng như nhiều gói thầu khác thuộc cao tốc Bến Lức - Long Thành đã đình trệ một thời gian. Từ tháng 7/2019, liên danh nhà thầu dừng thi công và từ chối thực hiện các công việc còn lại, đề xuất chấm dứt hợp đồng. Đến năm 2022, chủ đầu tư và nhà thầu J3 đã chấm dứt hợp đồng khi khối lượng tổng thể đạt 80,7%.
>> Khánh Hòa đẩy nhanh tiến độ đấu giá hơn 60 cơ sở nhà, đất
Phần việc còn lại của gói thầu J3-1 bao gồm các hạng mục quan trọng như dầm chủ, bản mặt cầu và hệ cáp văng, bê tông nhựa, hệ thống chiếu sáng, lan can, dải phân cách, và hệ thống thoát nước cầu chính. Gói thầu này sử dụng vốn ODA của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Trong tháng 12/2023, VEC đã phát hành hồ sơ mời thầu quốc tế, nhưng sau 90 ngày không có nhà thầu Nhật Bản nào quan tâm.
Cầu Phước Khánh hiện cần tới thời gian khoảng 17 tháng để hoàn thành. Ảnh: Đức Phú
Bộ Tài chính đã gửi công hàm đề nghị Nhật Bản sửa đổi điều kiện ràng buộc, cho phép các nhà thầu Việt Nam tham gia. Tuy nhiên, phía Nhật Bản chưa có phản hồi chính thức. Trong bối cảnh này, VEC đã đề xuất dùng vốn tự huy động thay vì vốn ODA để hoàn thành cầu Phước Khánh, nhằm tránh ảnh hưởng tiến độ chung của dự án. Văn phòng JICA Việt Nam đã không phản đối chủ trương này.
Cầu Phước Khánh khi hoàn thành sẽ được xem là một trong hai cây cầu cao nhất Việt Nam (cùng với cầu Bình Khánh). Cầu sử dụng 29.000m chiều dài cọc khoan nhồi các loại; hơn 6.000m cọc vòng vây ống thép đường kính 1,5m; trên 38.000m3 đào đắp; 106.000m3 bê tông các loại; 12.000 tấn cốt thép; 322 bộ gối cầu.
Hình ảnh 3D cầu Phước Khánh sau khi hoàn thành. Ảnh Internet
Sau 4 năm ngừng thi công, máy móc, vật liệu xây dựng tại gói thầu cầu Phước Khánh ngổn ngang. Phần cầu cạn ở phía TP. HCM và tỉnh Đồng Nai cơ bản đã hoàn thành. Khối lượng chính còn lại gồm: dầm chủ, lan can, bê tông nhựa, bản mặt cầu và hệ cáp văng, hệ thống chiếu sáng, dải phân cách, hệ thống thoát nước cầu chính.
Cầu Phước Khánh hiện cần tới thời gian khoảng 17 tháng để hoàn thành khối lượng công việc còn lại. Do đó việc sớm chọn được nhà thầu tiếp tục triển khai thi công được xem là mục tiêu cấp bách. Bởi lẽ cầu Phước Khánh được xây dựng trở lại thì cao tốc Bến Lức - Long Thành dài 58m mới có thể thông suốt.
>> Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hoà chia sẻ bí quyết thoát tăng trưởng âm, bật lên top đầu