Sạc xe điện tại nhà mà mắc lỗi này, gia chủ có thể bị phạt từ 40 đến 50 triệu đồng
Sạc pin xe điện tại nhà – hoạt động tưởng chừng đơn giản nhưng lại tiềm ẩn rủi ro cháy nổ và có thể bị xử phạt nặng nếu không tuân thủ quy định pháp luật.
Theo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ năm 2024, việc lắp đặt và sử dụng thiết bị điện trong sinh hoạt, trong đó bao gồm cả thiết bị sạc cho xe máy điện phải đáp ứng các điều kiện nghiêm ngặt về an toàn phòng cháy. Cụ thể, người sử dụng phải chấp hành quy định về an toàn điện, đảm bảo dây dẫn và thiết bị điện được lắp đặt đúng tiêu chuẩn kỹ thuật, thường xuyên kiểm tra, thay thế khi hư hỏng.
Đặc biệt, khu vực sạc xe điện trong nhà bắt buộc phải có giải pháp đảm bảo an toàn phòng cháy. Đối với các điểm sạc tập trung, như tầng hầm chung cư hay các điểm dịch vụ sạc, pháp luật yêu cầu phải có giải pháp ngăn cháy rõ ràng, kèm theo đầy đủ phương tiện chữa cháy như bình CO₂, hệ thống cảnh báo và thiết bị ngắt tự động.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết bị sạc cũng được yêu cầu có trách nhiệm tư vấn đúng về thông số kỹ thuật và an toàn sản phẩm, tránh tình trạng bán trôi nổi thiết bị kém chất lượng.
![]() |
Nếu khu vực sạc pin cho xe điện trong nhà không có biện pháp ngăn cháy phù hợp, cá nhân và hộ gia đình có thể bị xử phạt từ 40 đến 50 triệu đồng. Ảnh minh họa |
Theo Nghị định 106/2025/NĐ-CP, nếu khu vực sạc pin cho xe điện trong nhà không có biện pháp ngăn cháy phù hợp, cá nhân và hộ gia đình có thể bị xử phạt từ 40 đến 50 triệu đồng. Mức phạt này có thể tăng gấp đôi nếu là tổ chức vi phạm.
Không dừng lại ở đó, trong trường hợp xảy ra cháy nổ do lỗi từ khu vực sạc điện nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người vi phạm sẽ bị phạt gấp đôi mức ban đầu và buộc phải áp dụng biện pháp khắc phục, lắp đặt giải pháp phòng cháy theo đúng quy định.
Để tránh những rủi ro pháp lý và tai nạn không mong muốn, người dân cần đặc biệt chú ý khi sạc xe điện tại nhà:
Chỉ sử dụng thiết bị sạc đạt chuẩn, có nguồn gốc rõ ràng, đồng bộ với loại pin đi kèm theo xe.
Không tự ý thay đổi kết cấu dây điện, ổ cắm hoặc lắp đặt thêm thiết bị không rõ xuất xứ.
Ưu tiên thiết bị có cảm biến nhiệt, hệ thống giám sát và tự động ngắt khi có dấu hiệu quá nhiệt hoặc quá tải.
Trang bị bình chữa cháy tại khu vực sạc, đặc biệt là bình CO₂ hoặc bình bột phù hợp với điện.
Hạn chế sạc xe qua đêm hoặc để thiết bị sạc vận hành khi không có người giám sát.
>> TP Hồ Chí Minh hướng tới mục tiêu cứ 800m có một trạm sạc hoặc đổi pin cho xe máy điện