Đây được coi là tín hiệu tích cực sau 7 năm dự án bị đình trệ bởi nhiều lý do.
Dự án xây dựng đường Vành đai 3,5 (từ Đại lộ Thăng Long đến quốc lộ 32) có chiều dài 5,5km, tổng mức đầu tư hơn 1.795 tỷ đồng, do UBND huyện Hoài Đức làm chủ đầu tư.
Công trình khởi công năm 2017, dự kiến hoàn thành sau một năm nhưng đến nay vẫn chưa xong.
Nguyên nhân là do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, vướng mắc cục bộ về giải phóng mặt bằng cũng như trong công tác hoàn thiện thủ tục để bàn giao mặt bằng phục vụ công tác thi công, giá nguyên liệu vật liệu tăng cao.
Việc dự án được triển khai nhiều năm trước nhưng làm mãi không xong gây ảnh hưởng đến việc đi lại, cuộc sống sinh hoạt của người dân.
>> Cập nhật tiến độ 7 tuyến đường vành đai 'huyết mạch' tại Thủ đô Hà Nội
Theo thông tin từ Báo Lao Động, giai đoạn 1 dự án (từ Đại lộ Thăng Long đến cầu Hậu Ái) đã cơ bản thành hình. Mặt đường đã được thảm nhựa. Hạng mục cây xanh, điện chiếu sáng đã được lắp đặt.
Giai đoạn 2 (từ cầu Hậu Ái đến nút giao Quốc lộ 32) vẫn còn nhiều hạng mục ngổn ngang. Trên công trường, một số công nhân, máy móc được huy động để thi công các hạng mục như san ủi mặt bằng, lu nền, bó vỉa.
Còn giai đoạn 3 (dài 600m) mới khởi công hồi tháng 6/2023, việc thi công đang được nhà thầu triển khai.
Từ đầu năm 2020, huyện Hoài Đức khởi công dự án hạ ngầm tuyến đường dây cao thế 220kV phục vụ giải phóng mặt bằng đường Vành đai 3,5 với tổng mức đầu tư trên 366 tỷ đồng.
Hạng mục này dự kiến hoàn thành trong năm 2021, song đến nay đường điện vẫn nằm giữa tuyến khiến nhà thầu không thể thi công Vành đai 3,5 đoạn qua xã Di Trạch.
Theo UBND huyện Hoài Đức, đến nay, dự án đường Vành đai 3,5 đã thực hiện khối lượng công việc giai đoạn 1 đạt 90%, giai đoạn 2 đạt 75% và giai đoạn 3 đạt 30%.
Để có thể thi công hoàn thành dự án tuyến đường Vành đai 3,5, phải giải phóng khoảng 6.000m2 Khu Di chỉ Vườn Chuối. Tuy nhiên suốt 7 năm qua, khu di chỉ vẫn chưa được khai quật, di dời.
Mới đây, ngày 19/3, được sự chấp thuận, cho phép khai quật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND huyện Hoài Đức tổ chức khởi công gói thầu Khai quật, di dời Di chỉ khảo cổ Vườn Chuối thuộc phạm vi Dự án Vành đai 3,5. Thời gian thi công là 330 ngày.
Đây là tín hiệu đáng mừng sau nhiều năm dự án trì trệ vì vướng giải phóng mặt bằng. Dự kiến đến quý I/2025, việc khai quật, di dời Khu Di chỉ Vườn Chuối sẽ hoàn thành, dự án xây dựng tuyến đường Vành đai 3,5 sẽ được thi công trở lại.
Được biết, tuyến Vành đai 3,5 hoàn thành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, góp phần kết nối giữa phía Bắc và Nam sông Hồng, từng bước đồng bộ hệ thống hạ tầng khu vực.
Dự án hoàn thiện sẽ giảm thiểu ùn tắc giao thông, phục vụ người dân đi lại thuận tiện, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, góp phần làm thay đổi diện mạo khu vực phía Tây của thành phố.
Ngày 10/1, Ban chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị giai đoạn 2021-2025" (Ban chỉ đạo 03) đã tổ chức hội nghị giao ban, đánh giá kết quả thực hiện năm 2023 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2024.
Tại hội nghị, Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Võ Nguyên Phong cho biết, Ban chỉ đạo 03 đang nỗ lực chỉ đạo hoàn thành 10 chỉ tiêu khác và khả năng hoàn thành vào năm 2025, như: Hoàn thành đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận đến năm 2025 đối với 5 huyện Hoài Đức, Đông Anh, Thanh Trì, Gia Lâm, Đan Phượng.
Tỉnh có chung đường ranh giới với TP. HCM: Hàng loạt tuyến đường nghìn tỷ sắp được ‘mở toang’
Cận cảnh khoang nội thất sang trọng của tuyến đường sắt đô thị 11 lần lỡ hẹn chuẩn bị về đích