Chính quyền địa phương ở Ấn Độ và Bangladesh đã thiết lập gần 8.000 nơi trú ẩn lốc xoáy và huy động 78.000 tình nguyện viên.
Gió mạnh và mưa lớn do bão Remal đổ bộ đã tấn công các bờ biển Ấn Độ và Bangladesh hôm thứ Hai (27/5), khiến ít nhất 4 người thiệt mạng và cắt đứt nguồn cung cấp điện cho hàng triệu người.
Gió mạnh làm đứt đường dây điện, bật gốc cây cối, tốc mái một số ngôi nhà trong khi mưa và triều cường làm hư hỏng một số bờ kè và ngập lụt các khu vực ven biển.
Rahat Raja, một cư dân ở huyện ven biển Satkhira của Bangladesh, cho biết: “Chúng tôi đã không có điện từ đêm hôm qua, pin di động của tôi chực chờ hết bất cứ lúc nào”.
Các quan chức của Bộ Điện lực Bangladesh cho biết gần 3 triệu người dân nước này hiện không có điện.
Giới chức Bangladesh đã nâng mức cảnh báo nguy hiểm lên cấp 10, mức cao nhất. Nhà chức trách cho biết cả hai quốc gia đã sơ tán gần 1 triệu người đến nơi trú bão, trong đó khoảng 800.000 người ở Bangladesh và khoảng 110.000 người ở Ấn Độ.
Gió mạnh và mưa lớn do bão Remal đổ bộ đã tấn công các bờ biển Ấn Độ và Bangladesh hôm thứ Hai (27/5). Ảnh: Reuters |
Trưởng ban quản lý thiên tai Mijanur Rahman cho biết hai người đã thiệt mạng ở Bangladesh trong quá trình họ di chuyển đến nơi trú ẩn tránh bão.
Ông nói: “Mọi người thường rất miễn cưỡng khi rời bỏ gia súc và nhà cửa của mình để đến nơi trú ẩn tránh bão. “Họ chờ đợi đến phút cuối cùng và thường thì lúc đó đã quá muộn”.
Ông nói thêm rằng các nhà chức trách sẽ cần thêm thời gian để đánh giá toàn bộ mức độ thiệt hại.
Các quan chức Ấn Độ cho biết cơn bão có tốc độ lên tới 135km/h (84mph), đã đi qua khu vực xung quanh cảng Mongla phía Nam Bangladesh và quần đảo Sagar liền kề ở bang Tây Bengal phía Đông Ấn Độ vào cuối ngày Chủ nhật.
Các quan chức cho biết thêm, cơn bão bắt đầu đổ bộ vào Ấn Độ vào khoảng 9 giờ tối (26/5), mưa bão kéo dài khoảng 5 tiếng trước khi suy yếu vào sáng thứ Hai (27/5).
Họ cho biết thêm, giờ đây nó được dự đoán sẽ di chuyển về phía Đông Bắc và suy yếu dần.
Nhà chức trách cho biết một người đã thiệt mạng do bê tông rơi xuống ở thủ phủ bang Kolkata, trong khi một phụ nữ thiệt mạng khi ngôi nhà bằng bùn đổ sập trên đảo Mousuni ở đồng bằng Sundarbans.
Thủy triều dâng cao đã làm thủng một số bờ kè sông bảo vệ trong khu vực, nơi có một số khu rừng ngập mặn lớn nhất thế giới.
Mưa đã làm ngập đường và giao thông bị gián đoạn ở Dhaka, thủ đô của Bangladesh, nơi chính quyền chuẩn bị ứng phó với cơn bão đã thiết lập gần 8.000 nơi trú ẩn lốc xoáy và huy động 78.000 tình nguyện viên.
Hải quân Ấn Độ đã điều động tàu, máy bay, thợ lặn và vật tư y tế sẵn sàng cho hoạt động cứu hộ.
Mặc dù những cảnh báo sớm và việc sơ tán kịp thời đã giúp tránh được thương vong lớn, nhưng cơn bão đã gây thiệt hại nặng nề cho cả hai nước.
Các quan chức Bộ Điện lực Bangladesh cho biết, nước này đã cắt nguồn cung cấp điện trước cho nhiều khu vực để tránh tai nạn, trong khi nhiều thị trấn ven biển chìm trong bóng tối do cây đổ và đường dây điện bị đứt làm gián đoạn nguồn cung cấp.
Arup Biswas, Bộ trưởng Bộ Năng lượng bang Tây Bengal, cho biết báo cáo về ít nhất 356 cột điện bị bật gốc và nhiều máy biến áp bị hư hại đã xuất hiện khi cơn bão đổ bộ vào Ấn Độ.
Kolkata đã nối lại các chuyến bay vào thứ Hai sau khi hơn 50 chuyến bay bị hủy trước đó, khi cơn bão buộc các hoạt động phải tạm dừng, các dịch vụ xe lửa ở ngoại ô cũng được khôi phục.
Những cơn bão khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng ở Bangladesh trong những thập kỷ gần đây. Tháng 5 năm ngoái, bão Mocha trở thành cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào Bangladesh kể từ bão Sidr tháng 11/2007. Cơn bão Sidr khiến hơn 3.000 người thiệt mạng và gây thiệt hại hàng tỷ USD.
Số lượng siêu bão đổ bộ vào bờ biển đông dân cư của Bangladesh đã tăng mạnh, từ 1 siêu bão mỗi năm lên tới 3 siêu bão mỗi năm do tác động của biến đổi khí hậu.