Sau cuộc khủng hoảng năng lượng, châu Âu phải đối mặt với làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc và nguy cơ thuế quan từ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Châu Âu vẫn được coi là “lục địa già” với nhiều nền kinh tế lâu đời thay vì có các quốc gia non trẻ và năng động hơn như ở châu Á. Tuy nhiên, những ngày này, châu Âu đang trở nên trì trệ nếu so với những tiêu chuẩn thông thường.
Sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề từ cú sốc năng lượng ập đến sau khi xung đột ở Ukraine nổ ra năm 2022, GDP của Eurozone chỉ tăng trưởng 4% trong thập kỷ này, bằng một nửa so với Mỹ. Thậm chí, tính từ cuối năm 2022, tăng trưởng GDP gần bằng 0.
Không chỉ vậy, châu lục này còn phải đối mặt với làn sóng hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc, thứ mang lại lợi ích cho người tiêu dùng nhưng sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến các nhà sản xuất trong nước. Và khi mà triển vọng cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump quay trở lại Nhà Trắng vào tháng 11 này đang trở nên rõ ràng hơn, châu Âu đang đối mặt với viễn cảnh phải chịu mức thuế nhập khẩu cao chót vót khi xuất hàng hóa sang Mỹ.
Thời điểm không thể tệ hơn
Tất cả những tin xấu này đến với châu Âu vào thời điểm không thể tồi tệ hơn. Châu Âu rất cần tăng trưởng kinh tế để tài trợ cho chi tiêu quốc phòng, đặc biệt khi mà nguồn viện trợ mà Mỹ dành cho Ukraine đang dần cạn kiệt, cũng như để đạt được những mục tiêu đầy tham vọng về năng lượng xanh. Bên cạnh đó, những lực cản đối với tăng trưởng như dân số già hóa nhanh chóng hay gánh nặng luật lệ đã tồn tại từ lâu nhưng vẫn chưa hề được giải quyết.
Tạp chí The Economist nhận định, các nước châu Âu vẫn đang cố gắng giải quyết rắc rối để tránh một cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, họ cần hết sức thận trọng. Mặc dù các cú sốc mà châu Âu đang đối mặt đều xuất phát từ bên ngoài, bất kỳ sai lầm nào của các nhà hoạch định chính sách châu Âu đều có thể gây nên những hậu quả nghiêm trọng.
Tin tốt là có lẽ cú sốc năng lượng đã đi qua giai đoạn tồi tệ nhất. Giá khí đốt đã giảm đáng kể so với mức đỉnh. Tuy nhiên, nhiều yếu tố bất lợi mới chỉ đang bắt đầu phát tác. Với nền kinh tế trong trạng thái giảm phát kết hợp với tăng trưởng suy giảm, nhiều khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ tìm cách kích thích tiêu dùng. Thay vì sử dụng các chính sách trợ cấp để thúc đẩy ngành sản xuất trong nước, Chủ tịch Tập Cận Bình đang chuyển sang dựa vào người tiêu dùng ở nước ngoài, đơn giản bởi vì hiện Trung Quốc là nước sản xuất tới 1/3 tổng lượng hàng hóa trên toàn cầu.
Trọng tâm ưu tiên của Trung Quốc đang chuyển sang các hàng hóa xanh, mà điển hình nhất là xe điện. Nước này đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ tăng gấp đôi thị phần trên toàn thế giới, lên hơn 30%. Điều đó đe dọa sẽ chấm dứt sự thống trị của các "ông lớn" châu Âu như Volkswagen và Stellantis. Từ các tuabin gió cho tới thiết bị đường sắt, các nhà sản xuất châu Âu đang rất lo lắng trước sự cạnh tranh mạnh mẽ đến từ phương Đông.
Sau khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngã ngũ vào tháng 11 tới, có lẽ các nhà sản xuất châu Âu sẽ phải để mắt tới cả phương Tây. Trong nhiệm kỳ trước, ông Trump đã ngay lập tức áp mức thuế cao chót vót lên thép và nhôm nhập khẩu từ châu Âu. EU cũng đáp trả bằng cách đánh thuế lên xe motor và rượu whiskey nhập khẩu từ Mỹ. Đến tận năm 2021, căng thẳng mới tạm lắng xuống dưới thời Tổng thống Joe Biden. Tháng trước, ông Trump đã mạnh miệng tuyên bố sẽ áp thuế 10% lên tất cả các mặt hàng xuất khẩu nếu như tái đắc cử.
Một cuộc chiến thương mại khác đang chờ đợi các nhà xuất khẩu châu Âu, nhóm ghi nhận doanh thu lên tới 500 tỷ euro tại thị trường Mỹ trong năm 2023. Ông Trump cũng “bị ám ảnh” bởi trạng thái cân bằng thương mại song phương, trong khi 20 trong tổng số 27 thành viên của EU đang có thặng dư thương mại với Mỹ.
"Chìa khóa" không nằm ở chủ nghĩa bảo hộ
Vậy thì châu Âu nên làm gì? Con đường phía trước có rất nhiều cạm bẫy. Trong quá khứ, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) từng mắc sai lầm khi thắt chặt chính sách quá mức trong lúc nền kinh tế dễ bị tổn thương. Trong những năm gần đây, ECB đã đúng khi tăng lãi suất để chống lại lạm phát. Tuy nhiên, thay vì tăng mạnh chi tiêu công như Mỹ, Chính phủ các nước châu Âu lại đang cố gắng cân bằng ngân sách – điều khiến nền kinh tế “mất lửa” trong lúc hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc đã góp phần đáng kể làm giảm lạm phát.
Một “cái bẫy” khác là cố gắng sao chép chủ nghĩa bảo hộ của Mỹ và Trung Quốc bằng cách tung chính sách trợ cấp “khủng” cho một số ngành. Cuộc chiến trợ cấp luôn là “trò chơi có tổng bằng 0” và sẽ khiến cho các nguồn lực cạn kiệt. Ngay tại chính châu Âu, các quốc gia thành viên cũng đang bước vào một cuộc chạy đua về đáy. Như những gì Trung Quốc đang chứng kiến trong thời gian gần đây, trợ cấp tràn lan là chính sách sai lầm. Ở Mỹ, chính sách trợ cấp công nghiệp cũng không mang lại nhiều hiệu quả trong việc thu hút sự ủng hộ của cử tri như kỳ vọng của ông Biden.
Ngược lại, thúc đẩy thương mại sẽ làm giàu cho các quốc gia kể cả khi các đối tác thương mại của họ đi theo chủ nghĩa bảo hộ. Ngành sản xuất của Mỹ bùng nổ sẽ là cơ hội cho các nhà cung ứng phụ tùng của châu Âu, trong khi hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc sẽ “bôi trơn” quá trình chuyển đổi sang năng lượng xanh và hỗ trợ cho những người tiêu dùng đang khốn khổ vì khủng hoảng năng lượng. Châu Âu trả đũa Mỹ và Trung Quốc sẽ góp phần ngăn chặn việc dòng chảy thương mại toàn cầu bị phá vỡ, nhưng để làm điều đó kinh tế châu Âu cũng phải trả giá.
Giống như Mỹ, châu Âu nên tăng chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, giáo dục và hoạt động R&D. Các nhà lãnh đạo nên ký vào các hiệp định thương mại thay vì để các nghiệp đoàn gây cản trở. Một chương trình nghị sự cởi mở như vậy giữa thời đại chủ nghĩa bảo hộ dâng cao như hiện nay có thể bị nhiều người coi là điều khờ dại, nhưng các thị trường mở mới là thứ có thể thúc đẩy tăng trưởng của châu Âu. Đối mặt với 3 cú sốc một lúc, các nhà hoạch định chính sách châu Âu nên tỉnh táo và chấp nhận sự thật này.
>> 'Siêu cường' lung lay: Trung Quốc và Nga góp phần 'quật ngã' nền kinh tế hùng mạnh nhất châu Âu