Siêu hầm xuyên núi dài nhất Đông Nam Á: Những lần đầu tiên người Việt làm chủ công nghệ, vượt ải 'yết hầu' chỉ 10 phút
Công trình này đánh dấu những lần đầu tiên của Việt Nam: Làm chủ công nghệ, sửa chữa sự cố với chi phí thấp.
Hầm đường bộ Hải Vân là công trình giao thông được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đánh giá là một trong những công trình giao thông có sự chuyển giao công nghệ thành công nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông ở Việt Nam. Công trình cũng được xem là dài và hiện đại nhất Đông Nam Á khi hoàn thành.
Hầm Hải Vân được Thủ tướng nhấn nút phát lệnh khởi công vào ngày 27/8/2000. Hầm chính có chiều dài gần 6,3km; rộng 11,9m; cao 7,5m; tĩnh không thông xe 4,95m. Mặt đường có 2 làn xe, bề rộng mỗi làn 3,75m. Đường dành cho người bảo dưỡng rộng 1m, dọc hầm có 18 điểm mở rộng để đỗ xe khẩn cấp.
![Siêu hầm xuyên núi dài nhất Đông Nam Á: Những lần đầu tiên người Việt làm chủ công nghệ, vượt ải 'yết hầu' chỉ 10 phút- Ảnh 1. Siêu hầm xuyên núi dài nhất Đông Nam Á: Những lần đầu tiên người Việt làm chủ công nghệ, vượt ải 'yết hầu' chỉ 10 phút- Ảnh 1.](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/13/cdn1z.reatimes.vn-652356615132086272-2025-2-13-_cdn1zreatimesvn-65235661513208-2-173942924213892287809.jpg)
Công trình có tổng chi phí đầu tư hơn 127 triệu USD (hơn 3.000 tỷ đồng). Miệng hầm phía Nam đèo (thuộc địa phận Đà Nẵng) do liên danh Công ty Xây dựng Dong Ah (Hàn Quốc) và Tổng Công ty Xây dựng Sông Đà (Bộ Xây dựng) thi công; phía Bắc (Thừa Thiên Huế) do liên danh nhà thầu Hazama (Nhật Bản) và Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 (Cienco 6, Bộ GTVT) đảm nhận.
Hầm hoàn thành, thay vì mất gần 1 giờ đồng hồ "leo lên rồi tuột dốc" con đường đèo 22km, những người lái xe trên lộ trình Bắc - Nam chỉ mất 10-15 phút để vượt đèo Hải Vân trên đoạn đường hầm dài hơn 12km.
Trong quá trình thi công, công trình cũng xảy ra một số sự cố. Sự cố lần 1, chỉ sau 5 tháng thi công, đầu hầm phía Nam sạt lở, một tảng đá hơn 20 tấn cùng 600m3 đất đá đã đổ sập, để lại lỗ hổng dài 6m trên nóc hầm chính. Vết sụt lún tạo thành hang hình ống thông lên mái dốc với đường kính 3m, rộng trên 100m2.
![Siêu hầm xuyên núi dài nhất Đông Nam Á: Những lần đầu tiên người Việt làm chủ công nghệ, vượt ải 'yết hầu' chỉ 10 phút- Ảnh 2. Siêu hầm xuyên núi dài nhất Đông Nam Á: Những lần đầu tiên người Việt làm chủ công nghệ, vượt ải 'yết hầu' chỉ 10 phút- Ảnh 2.](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/13/cdn1z.reatimes.vn-652356615132086272-2025-2-13-_cdn1zreatimesvn-65235661513208-1-17394292423541799801198.jpg)
Phía chủ đầu tư đã thuê Công ty Kend Tunneling (Hồng Kông, Trung Quốc) khắc phục với giá 1 triệu USD. Nhưng chỉ sau một tuần, Kend Tunneling rút lui. Tổng Công ty Sông Đà chính thức vào cuộc.
Tổng công ty Sông Đà đã xử lý sự cố thành công, khai đào và chống đỡ hầm chính với chi phí 300.000USD (bằng 1/3 chi phí ban đầu thuê doanh nghiệp ngoại).
Sự cố này vừa xử lý xong thì hầm lại gặp sự cố mạch nước ngầm ở phần hầm thông gió. Lần này, Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 6 là đơn vị được giao nhiệm vụ khắc phục và thành công.
Công trình hoàn thành đã đánh dấu những lần đầu tiên của Việt Nam. Lần đầu tiên, người Việt làm chủ công nghệ sửa chữa sự cố. Lần đầu tiên các kỹ sư và công nhân Việt Nam đã tiếp cận công nghệ tiên tiến cực kỳ hiện đại và phức tạp của Áo, NATM (New Austrian Tunneling Method).
Một trong những ưu điểm lớn nhất của phương pháp NATM là có thể vận dụng đào 3-4 mũi cùng lúc và khả năng áp dụng với mọi loại hình dạng, tiết diện ngang công trình song song để tạo ra một trường ứng suất hài hòa với khối đá xung quanh.
![Siêu hầm xuyên núi dài nhất Đông Nam Á: Những lần đầu tiên người Việt làm chủ công nghệ, vượt ải 'yết hầu' chỉ 10 phút- Ảnh 3. Siêu hầm xuyên núi dài nhất Đông Nam Á: Những lần đầu tiên người Việt làm chủ công nghệ, vượt ải 'yết hầu' chỉ 10 phút- Ảnh 3.](https://nqs.1cdn.vn/2025/02/13/cdn1z.reatimes.vn-652356615132086272-2025-2-13-_cdn1zreatimesvn-65235661513208-17394292423331981195824.jpg)
Đặc biệt, NATM cực kỳ hiệu quả trong việc chống chịu áp lực địa chất tại các khu vực có nguy cơ động đất cao. Phương pháp này đã trở thành giải pháp chủ đạo trong việc xây dựng nhiều hầm đường bộ trên khắp thế giới.
Sau hơn 1.600 ngày đêm nằm sương đội gió, vượt mọi khó khăn, thử thách, lao động không biết mệt mỏi của các lực lượng thi công trên công trình, hầm đường bộ Hải Vân được chính thức khánh thành và đưa vào hoạt động ngày 5/6/2005.
Hầm đường bộ Hải Vân hoàn thành, ước tính có khoảng 6.500 lượt xe lưu thông qua hầm; những ngày Lễ, Tết con số đó có thời điểm tăng gấp đôi. Ngoài ra, từ khi có hầm đi lại dễ dàng, Đèo Hải Vân trở thành điểm đến thu hút nhiều tour tham quan du lịch.
Với độ cao gần 500m so với mực nước biển, đèo Hải Vân với vẻ đẹp hiếm có là nơi nổi tiếng khi xây dựng Hải Vân Quan với vai trò phòng thủ quan trọng. Năm 1603, chúa Nguyễn Hoàng vào Nam, đi qua đèo Hải Vân cũng đã phải dừng lại mà thốt lên "Nơi đây là yết hầu vùng Thuận Quảng". Hiện tại, di tích Hải Vân Quan mới được trùng tu và thu hút lượng lớn khách tham quan.
Lưu lượng giao thông ngày càng đông, du khách ngày một nhiều, để giảm áp lực cho hầm Hải Vân 1, tháng 4/2016 lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã đồng ý cho Công ty Cổ phần Đèo Cả triển khai dự án hầm đường bộ Hải Vân 2, nằm song song với hầm Hải Vân 1. Ngày 11/1/2021, hầm đường bộ Hải Vân 2 được đưa vào khai thác.
>> Tuyến đường 'khó hiểu' nhất tỉnh sở hữu 'kho báu' lớn thứ 2 thế giới sắp được nắn thẳng