Đèo Cả (HHV) báo lãi tăng gần 30%, đặt mục tiêu thông hầm lớn nhất cao tốc Bắc - Nam vào dịp 30/4 năm nay
Tính chung cả năm 2024, doanh thu của HHV ghi nhận mức tăng trưởng toàn diện trên mọi lĩnh vực.
CTCP Đầu tư Hạ tầng giao thông Đèo Cả (mã chứng khoán HHV) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2024 với doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Sau khi khấu trừ các chi phí, HHV ghi nhận lãi ròng 106 tỷ đồng, gấp đôi kết quả đạt được vào quý IV/2023.
Tính chung cả năm 2024, doanh thu của HHV ghi nhận mức tăng trưởng toàn diện trên mọi lĩnh vực. Doanh thu thu phí chiếm tỷ trọng lớn nhất với 1.914 tỷ đồng (58% tổng doanh thu), tăng khoảng 22% so với năm 2023.
Đặc biệt, dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo đưa vào khai thác từ quý II/2024 với lưu lượng xe trung bình hơn 8.000 lượt/ngày đã đóng góp đáng kể vào doanh thu.
Hoạt động thi công xây lắp mang lại 1.152 tỷ đồng, tương đương 34% tổng doanh thu, tăng 10% so với cùng kỳ nhờ các dự án trọng điểm như Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đường nối cảng Liên Chiểu và đường ven biển Bình Định được đẩy nhanh tiến độ.
>> Dự kiến gần 1.200km đường bộ cao tốc sẽ hoàn thành trong năm 2025
Điểm sáng khác là mảng quản lý vận hành, với mức tăng trưởng ấn tượng 125% nhờ HHV trúng thầu và tiếp nhận thêm nhiều dự án lớn như hầm Tam Điệp, Thung Thi, Trường Vinh...
Hiện tại, HHV đang quản lý 6 tuyến cao tốc, một số đoạn Quốc lộ 1 qua Khánh Hoà, cầu Mỹ Thuận 2, cùng 11 hầm đường bộ lớn, trong đó có 4 hầm quan trọng nhất cả nước: Hải Vân, Đèo Cả, Núi Vung và Cù Mông.
Tổng kết năm 2024, HHV đạt doanh thu 3.308 tỷ đồng, tăng hơn 23% so với cùng kỳ, trong khi lợi nhuận sau thuế đạt 473 tỷ đồng, tăng gần 30% so với năm trước.
Bước sang năm 2025, HHV xác định đây là cột mốc quan trọng trong chiến lược phát triển giai đoạn 2021 - 2025, hướng đến mục tiêu hoàn thành 3.000km đường cao tốc trên cả nước.
Ngay từ những ngày đầu năm mới Ất Tỵ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác đã trực tiếp kiểm tra tiến độ và động viên các dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Hữu Nghị - Chi Lăng. Đây đều là các dự án theo phương thức đối tác công tư (PPP) do liên danh HHV đầu tư.
Trong năm qua, HHV đã gia tăng tỷ lệ sở hữu tại dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh lên 40%. Thủ tướng ghi nhận và đánh giá cao tinh thần làm việc xuyên Tết tại công trường của các nhà đầu tư, nhà thầu, đồng thời nhấn mạnh vai trò chiến lược của hai dự án này đối với sự phát triển kinh tế, quốc phòng - an ninh của các tỉnh miền núi phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn.
Thủ tướng yêu cầu hoàn thành cả hai tuyến trong năm 2025, nhằm góp phần kết nối toàn tuyến cao tốc từ Cao Bằng tới Cà Mau.
Về các kiến nghị phát triển, Thủ tướng đồng ý về chủ trương triển khai giai đoạn 2 của dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh, bao gồm việc mở rộng tuyến hiện hữu dài 93km lên 4 làn xe và xây dựng mới tuyến kết nối cửa khẩu Trà Lĩnh dài 27km.
Đồng thời, ông cũng phê duyệt các đoạn tuyến nối từ cao tốc này tới TP. Cao Bằng (17km) và cửa khẩu Tà Lùng (13km).
Ngoài ra, Thủ tướng chấp thuận đề xuất của tỉnh Lạng Sơn về xây dựng đoạn kết nối từ tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng tới cửa khẩu Tân Thanh, cũng như nâng cấp tuyến đường nối từ Lạng Sơn tới Thái Nguyên. Đây là những điều kiện thuận lợi để HHV tiếp tục tham gia đầu tư các giai đoạn tiếp theo.
Về mảng thi công, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, liên danh HHV đang đẩy nhanh tiến độ dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Đơn vị đặt mục tiêu thông hầm số 3 - hầm lớn nhất trên tuyến cao tốc Bắc - Nam vào ngày 30/4/2025, đồng thời hướng tới hoàn thiện toàn tuyến vào cuối năm.
Trong lĩnh vực quản lý vận hành, HHV dự kiến tham gia đấu thầu quản lý và bảo dưỡng thường xuyên các đoạn cao tốc Bắc - Nam, với ưu tiên những tuyến có hầm đường bộ và cầu lớn. Đây là chiến lược dài hạn nhằm phát huy thế mạnh vận hành cơ sở hạ tầng của công ty, qua đó gia tăng bền vững nguồn thu trong những năm tới.
>> Diễn biến mới nhất về dự án đường sắt hơn 200.000 tỷ kết nối Việt Nam với Trung Quốc