Sông Amazon xuống mức thấp nhất hơn một thế kỷ
Mực nước sông Amazon tại Brazil đã xuống mức thấp nhất trong hơn một thế kỷ khi một đợt hạn hán kỷ lục ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm nghìn người và gây thiệt hại cho hệ sinh thái rừng rậm.
Các nhánh sông Amazon khô cạn đã khiến tàu thuyền mắc cạn, cắt đứt nguồn cung cấp thực phẩm và nước uống cho các ngôi làng xa xôi, trong khi nhiệt độ nước cao đã giết chết hơn 100 con cá heo quý hiếm.
Theo trang web của cảng Manaus, thành phố đông dân nhất khu vực, tại nơi giao nhau của sông Rio Negro và sông Amazon, đã ghi nhận mực nước 13,59 m vào thứ Hai tuần này, so với 17,60 m vào một năm trước. Đây là mức thấp nhất kể từ khi số liệu được ghi nhận vào năm 1902, vượt qua mức thấp nhất mọi thời đại được thiết lập vào năm 2010.
Sau nhiều tháng không mưa, Pedro Mendonca cảm thấy nhẹ nhõm hơn khi một tổ chức phi chính phủ Brazil giao hàng cứu trợ cho cộng đồng ven sông gần thành phố Manaus của ông vào cuối tuần trước.
Ông Mendonca, người sống ở làng Santa Helena do Ingles, phía tây Manaus, thủ phủ bang Amazonas, cho biết: “Cộng đồng của chúng tôi đã trải qua 3 tháng không có mưa. Tình hình đang trở nên nghiêm trọng hơn so với trước đây".
Theo trung tâm cảnh báo thiên tai của chính phủ Brazil, một số khu vực ở Amazon ghi nhận lượng mưa thấp kỷ lục trong tháng 7 đến tháng 9 kể từ năm 1980.
Bộ Khoa học Brazil đổ lỗi hạn hán là do hiện tượng khí hậu El Nino khởi phát trong năm nay, gây ra các kiểu thời tiết cực đoan trên toàn cầu. Trong một tuyên bố hồi đầu tháng này, các nhà chức trách dự đoán hạn hán sẽ kéo dài ít nhất đến tháng 12, khi tác động của El Nino được dự báo lên đến đỉnh điểm.
Theo cơ quan phòng vệ dân sự bang Amazonas, hạn hán đã ảnh hưởng đến 481.000 người dân trong khu vực.
Cuối tuần trước, nhân viên thuộc tổ chức phi chính phủ Brazil Fundacao Amazonia Sustentavel (FAS) đã đi khắp khu vực khô cằn gần thành phố Manaus để cung cấp thực phẩm và vật tư cho các ngôi làng. Hạn hán đã đe dọa khả năng tiếp cận thực phẩm, nước uống và thuốc men của họ, những thứ thường được vận chuyển bằng đường sông.
Nelson Mendonca, trưởng làng Santa Helena do Ingles, cho biết một số khu vực vẫn có thể đến được bằng ca nô, nhưng nhiều tàu thuyền không thể chở hàng dọc sông nên hầu hết hàng hóa được vận chuyển bằng máy kéo hoặc vác vai.
Luciana Valentin, người cũng sống ở Santa Helena do Ingles, cho biết cô lo ngại về độ sạch của nguồn nước sau khi hạn hán làm mực nước giảm.
“Con cái chúng tôi bị tiêu chảy, nôn mửa và thường xuyên bị sốt vì uống nước”, Valentin nói.