Sống tiết kiệm để nghỉ hưu sớm nhưng tôi vẫn hối hận vì làm 3 điều này ở tuổi 20: Hóa ra muốn an nhàn không phức tạp đến thế
Ở độ tuổi 20, tôi đã lãng phí quá nhiều thời gian và công sức để cố gắng trở nên khác biệt”, Alex Trias - người nghỉ hưu ở tuổi 41 - chia sẻ.
Nếu muốn nghỉ hưu sớm, bạn không nên mắc nhiều sai lầm tài chính vì mục tiêu của bạn là cố gắng có được một khoản tiền lớn trong thời gian ngắn để có thể ngừng làm việc. Tuy nhiên, cần chú ý rằng, một khoản đầu tư lớn sẽ mang lại kết quả ngay lập tức. Và một khoản chi cho mua sắm cũng chẳng thể ảnh hưởng nặng nề tới kế hoạch nghỉ hưu của bạn.
Với kế hoạch cẩn thận, Alex Trias đã tránh được những thất bại như vậy trên hành trình nghỉ hưu ở tuổi 41. Anh chia sẻ: “Về việc tiêu tiền ở độ tuổi 20, thực tế là tôi không hề hối hận bởi phần lớn thời gian tôi không làm điều đó thường xuyên”.
Mặc dù là một cựu luật sư về thuế có mức lương hàng tỷ đồng/năm, nhưng anh cho biết bản thân thường mua quần áo vào dịp các cửa hàng giảm giá, sử dụng phương tiện giao thông công cộng và sở hữu không quá nhiều đồ nội thất để không phải chi quá nhiều, từ đó chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ hưu tốt.
Tuy nhiên, có những bài học tài chính mà Trias ước bản thân có thể biết sớm hơn. Dưới đây là 3 sai lầm mà anh hối tiếc vì đã làm ở tuổi 20 cũng như lời khuyên cho mọi người để tránh những sai lầm tương tự.
Alex Trias |
Cố gắng trở nên “khác biệt”
Cả trong sự nghiệp lẫn tài chính cá nhân, Trias đã học được rằng không phải lúc nào cũng đáng để cố gắng “đi chệch khỏi chuẩn mực”. “Ở độ tuổi 20, tôi đã lãng phí quá nhiều thời gian và công sức để cố gắng trở nên khác biệt”, anh chia sẻ.
Anh đã sớm học được bài học này trong sự nghiệp luật sư của mình thông qua phép ẩn dụ về việc tách vỏ hàu. Ví dụ, mục tiêu của bạn là tách được càng nhiều vỏ hàu càng tốt. Mặc dù sẽ thú vị hơn khi tưởng tượng rằng mình đang tìm kiếm ngọc trai nhưng công việc sẽ sẽ dễ dàng hơn rất nhiều nếu chỉ tập trung vào việc tách vỏ. Vì vậy, đừng quá phá cách, làm tốt và xuất sắc ở một khía cạnh là ổn.
Suy nghĩ “phức tạp”
Trias nói: “Điều hối tiếc lớn nhất của tôi về mặt tài chính không phải là việc chi tiêu mà ở suy nghĩ của tôi. Tôi luôn nghĩ đến việc đầu tư ở mức giá thấp, chờ đợi rồi bán với giá cao hơn. Tôi không thể giải thích được sự lo lắng và lãng phí mà hình thức rập khuôn này đã gây ra”.
Thay vì cố gắng căn thời điểm xuống tiền hay chốt lời, cắt lỗ, Trias khuyên bạn nên biến việc tiết kiệm và đầu tư thành thói quen. “Một trong những điều thực sự hiệu quả là thói quen tiết kiệm và đầu tư liên tục mỗi khi bạn nhận được tiền lương, dù cho bất kể điều gì xảy ra trong nền kinh tế thế giới hoặc bạn nghĩ rằng cổ phiếu đang được định giá quá cao”, anh nói.
Trias cho rằng không đáng để bạn mất thời gian cũng như căng thẳng theo dõi và lo lắng về khoản đầu tư của mình mọi lúc mọi nơi. “Tôi nghĩ việc cố gắng chú ý đến giá trị tài sản ròng của bạn hàng tháng hoặc thậm chí hàng năm có thể phản tác dụng. Đừng tập trung quá nhiều vào kết quả cuối cùng mà hãy chú ý tới những thói quen bạn đang hình thành”, anh nói.
Đánh giá quá cao nhu cầu của bản thân
Trias luôn nghĩ rằng để hạnh phúc, bản thân sẽ cần rất nhiều thứ như một căn nhà 4 phòng ngủ và hàng loạt nhu cầu khác. Rất may, không mất nhiều thời gian để nhận ra rằng anh có thể sống hạnh phúc với mức chi phí ít hơn.
“Chúng tôi đã mất khoảng 6 tháng sống theo cách hợp lý hơn nhiều để nhận ra rằng không những chúng tôi không cần điều đó mà thực tế là chúng tôi không muốn nó. Chúng tôi không cần quá nhiều thứ để nghỉ hưu”, anh chia sẻ.
Bạn có thể khác. Có thể quan điểm của bạn về nghỉ hưu thoải mái sẽ liên quan đến việc có đủ khả năng chi trả cho một đầu bếp cá nhân hoặc có đủ khả năng ăn mọi bữa tại nhà hàng.
Điều quan trọng là khi còn trẻ, hãy tìm hiểu để xem bạn thực sự muốn việc nghỉ hưu của mình như thế nào, sau đó suy nghĩ xem cần phải làm gì để đạt được điều đó, nó có thể dễ dàng hơn bạn nghĩ, Trias nói.