Việc tiếp quản ngân hàng "0 đồng" là một thách thức không nhỏ đối với ngân hàng tiếp nhận bởi các nhà băng phải xác định lợi nhuận sẽ sụt giảm trong vài năm và nhiều khả năng giá cổ phiếu sẽ tụt xuống.
Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội về kế hoạch tái cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, trong đó có đặt mục tiêu cho hệ thống ngân hàng.
Trong các mục tiêu đặt ra cho ngành ngân hàng, Chính phủ đề xuất, cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu 3 ngân hàng 0 đồng gồm: Ngân hàng Xây dựng (nay đổi là CBBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng Đại Dương (OceanBank).
Theo đó, mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có quyết định bổ nhiệm nhiều nhân sự cấp cao của OceanBank. Nhiều chuyên gia cho rằng, những thay đổi này đánh dấu giai đoạn đẩy nhanh tái cơ cấu ngân hàng "0 đồng" này.
Tuy nhiên, việc xử lý các nhà băng có giá "0 đồng" này luôn là một thách thức đối với ngành ngân hàng. Năm 2015, NHNN đã ra quyết định mua toàn bộ cổ phần bắt buộc của OceanBank với giá 0 đồng/1 cổ phần theo quy định tại Luật các TCTD, Quyết định số 48/2013/QĐ-TTg ngày 1/8/2013 của Thủ tướng Chính phủ hướng dẫn về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của TCTD bị kiểm soát đặc biệt. Sau đó NHNN trở thành chủ sở hữu duy nhất (100% vốn điều lệ) của OceanBank đồng thời cũng chỉ định VietinBank, một trong các NHTM Nhà nước lớn, có uy tín tham gia quản trị, điều hành OceanBank.
Có thông tin cho rằng, trước đó, NHNN đã giao OceanBank cho Vietcombank tham gia tái cơ cơ cấu, tuy nhiên Mizuho là cổ đông Nhật Bản không đồng ý cho mua lại một trong 3 ngân hàng 0 đồng, mặc dù Chính phủ muốn đưa ngân hàng này về Vietcombank. Việc tái cơ một trong ba ngân hàng "0 đồng" là thách thức đối với tất cả các nhà băng trong hệ thống bởi những rủi ro nó đem lại như ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh, cổ phiếu hay phân tán nguồn lực.
Đại diện NHNN cho biết, sau khi được NHNN tiếp quản, OceanBank có vốn điều lệ hơn 4.000 tỷ đồng. Được biết dưới sự chỉ đạo của NHNN, VietinBank đang triển khai hoàn thiện phương án tái cơ cấu OceanBank với định hướng tập trung nguồn lực nhằm khắc phục các tồn tại về mặt tài chính của OceanBank trước đây, củng cố lại công tác quản trị, điều hành hỗ trợ OceanBank phát triển an toàn, bền vững hơn.
Sau 6 năm cơ cấu, trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2022, ông Đỗ Thanh Sơn, nguyên Chủ tịch HĐTV OceanBank cho biết, ngân hàng đã ghi nhận mức lỗ thấp nhất trong thời gian từ 2016 đến nay và trong 4 năm trở lại đây đã liên tục giảm lỗ lũy kế. Tổng tài sản tăng 2% trong đó tín dụng tăng 9,5%, trong đó dư nợ bán lẻ tăng 13%; dư nợ khách hàng doanh nghiệp tăng 9%. Huy động vốn thị trường 1 tăng 3,5%, trong đó huy động bán lẻ tăng 5%; huy động khách hàng doanh nghiệp tăng 2%.
Tuy nhiên những kết quả này đã không làm thay đổi cục diện việc tái cơ cấu tại OceanBank, dẫn tới việc NHNN thay đổi một loạt nhân sự tại ngân hàng này. Bên cạnh đó, OceanBank đã có hàng loạt chính sách kêu gọi các nhà đầu tư ngoại tham gia góp vốn vào ngân hàng nhưng cho đến nay vẫn chưa có cổ đông ngoại nào tham gia.
Chia sẻ về vấn đề tái cơ cấu các ngân hàng "0 đồng", ông Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, rất nhiều lần NHNN trình đề án tái cơ cấu các ngân hàng 0 đồng. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau cuối cùng đều không thành công.
Ông nghĩa cho biết, khi mua lại ngân hàng 0 đồng, các nhà băng sẽ có những mạng lưới các điểm giao dịch, nhưng trong bối cảnh hiện nay mạng lưới đó không có giá trị bởi toàn bộ hệ thống ngân hàng đang số hóa, tăng thêm mạng lưới sẽ đội thêm chi phí,...
Bên cạnh đó, việc tiếp quản ngân hàng "0 đồng" là một thách thức không nhỏ đối với ngân hàng tiếp nhận bởi các nhà băng nói chung phải xác định lợi nhuận sẽ sụt giảm trong vài năm và nhiều khả năng giá cổ phiếu sẽ tụt xuống.
Lãnh đạo ngân hàng nêu lý do khó giảm lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội
Nghi ngờ bị lấy cắp thông tin CCCD để vay tiền, người dân kiểm tra ngay bằng 2 cách đơn giản sau