Tập đoàn T&T tham vọng làm 9 dự án trọng điểm tại tỉnh miền núi giáp Trung Quốc của Việt Nam
Các dự án này tập trung vào các lĩnh vực như phát triển đô thị, dịch vụ du lịch, sân golf, năng lượng tái tạo, khu công nghiệp, và cảng cạn.
Chiều ngày 8/10, Bí thư tỉnh ủy Lạng Sơn - ông Nguyễn Quốc Đoàn, đã có buổi tiếp và làm việc với lãnh đạo CTCP Tập đoàn T&T. Trong cuộc gặp, đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn đã giới thiệu những tiềm năng, lợi thế cũng như các mục tiêu phát triển của tỉnh trong tương lai.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Đỗ Quang Hiển - Chủ tịch Ủy ban Chiến lược CTCP Tập đoàn T&T đã chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển của tập đoàn, đồng thời giới thiệu các lĩnh vực mà tập đoàn đang đầu tư và vận hành trên toàn quốc, bao gồm bất động sản, tài chính, ngân hàng, và nhiều lĩnh vực khác.
Để đồng hành cùng Lạng Sơn trong quá trình phát triển, Tập đoàn T&T cam kết sẽ tích cực nghiên cứu và triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới.
Dựa trên phân tích các tiềm năng và nền tảng sẵn có của tỉnh, Tập đoàn T&T đã đề xuất nghiên cứu 9 dự án trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực như phát triển đô thị, dịch vụ du lịch, sân golf, năng lượng tái tạo, khu công nghiệp, và cảng cạn. Các địa phương mà tập đoàn dự kiến đầu tư bao gồm huyện Hữu Lũng, Văn Lãng, Cao Lộc, và thành phố Lạng Sơn.
Được biết, Tập đoàn T&T được thành lập năm 1993. Hiện nay, doanh nghiệp có vốn điều lệ hơn 22.000 tỷ đồng, với tổng tài sản vượt mốc 45.000 tỷ đồng.
Gần đây, UBND huyện Phúc Thọ (Hà Nội) đã phối hợp cùng Tập đoàn T&T tổ chức Lễ khởi công dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Cụm công nghiệp Nam Phúc Thọ (giai đoạn 1). Dự án có quy mô 41,7ha với tổng mức đầu tư khoảng 780 tỷ đồng - là một trong những dự án trọng điểm và cũng là cụm công nghiệp lớn nhất trên địa bàn TP. Hà Nội hiện nay.
Lạng Sơn, thuộc khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, cách thủ đô Hà Nội 154km đường bộ và 165km đường sắt.
Tỉnh Lạng Sơn sở hữu hệ thống giao thông thuận lợi với đường biên giới chung với Trung Quốc dài 253km, 2 cửa khẩu quốc tế (cửa khẩu đường bộ Hữu Nghị, cửa khẩu đường sắt Đồng Đăng), 2 cửa khẩu quốc gia (Chi Ma, Bình Nghi), 7 cặp chợ biên giới. Đây là điều kiện thuận lợi đưa tỉnh trở thành một điểm giao thương và trung tâm buôn bán thương mại quan trọng giữa Việt Nam, Trung Quốc và các nước khác như Trung Á và châu Âu.
>> Dự án thành phố thông minh 4,2 tỷ USD sở hữu tòa nhà cao nhất Việt Nam có chuyển động mới
FLC tham vọng nghiên cứu dự án 20.000 tỷ tại tỉnh có khu kinh tế lâu đời bậc nhất Việt Nam
Dự án thành phố thông minh 4,2 tỷ USD sở hữu tòa nhà cao nhất Việt Nam có chuyển động mới