Tàu chở container sang Mỹ bị hủy hàng loạt, 900.000 người bị liên lụy: Chuyện gì xảy ra?
Chính sách thuế quan của Tổng thống Donald Trump đã làm tê liệt dòng chảy hàng hóa vào hệ thống cảng lớn nhất nước Mỹ – Los Angeles và Long Beach.
Trước đây mỗi ngày, Ruben Diaz, 38 tuổi đều lái xe tải thuê để chở hai chuyến hàng từ cảng ở miền Nam California đến các kho hàng cách xa hàng chục cây số. Nhưng bây giờ, anh chật vật lắm mới có được hai chuyến mỗi tuần, mà tiền công cũng giảm đi nhiều so với trước.

Trong một buổi chiều muộn, sau khi thả một container rỗng ở cảng, anh dừng lại đổ xăng tại trạm Sunshine Truck Stop. Trừ hết chi phí thuê xe, bảo hiểm và nhiên liệu, Diaz cho biết mình chỉ còn lại khoảng 50 USD và đang cân nhắc từ bỏ công việc tài xế độc lập.
“Tôi chỉ đang cầm cự. Nhưng tôi sẽ không trụ nổi lâu nữa”, Diaz nói.
Nguyên nhân chính khiến công việc của Diaz và hàng nghìn lao động khác lao đao: Các mức thuế cao mà Tổng thống Donald Trump áp lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Những chính sách thuế quan này đã làm tê liệt dòng chảy hàng hóa vào hệ thống cảng lớn nhất nước Mỹ – Los Angeles và Long Beach. Từ đó kéo theo sự sụt giảm của nền kinh tế phụ thuộc vào các cảng này.
Theo Tổ chức Phát triển Kinh tế Quận Los Angeles, ngành thương mại và hậu cần hiện tạo việc làm cho khoảng 900.000 người tại khu vực này, đóng góp gần 500 tỷ USD vào tổng sản phẩm kinh tế địa phương.
Hai cảng Los Angeles và Long Beach hợp thành một tổ hợp cảng khổng lồ, xử lý hơn 1/3 tổng hàng container nhập khẩu vào Mỹ. Hơn một nửa số hàng đó đến từ Trung Quốc. Riêng trong năm ngoái, ước tính có 130 tỷ USD giá trị hàng hóa Trung Quốc đi qua hai cảng này.
Tháng vừa rồi, nhiều chuyến tàu chở container từ Trung Quốc đến Mỹ bị hủy do các nhà bán lẻ và sản xuất lo ngại về thuế quan. Họ đã dừng đặt hàng nội thất, quần áo, nguyên vật liệu và linh kiện ô tô. Các chuyến tàu cập cảng giảm 17% trong nửa đầu tháng 5, trong khi lượng hàng trên mỗi tàu cũng thấp hơn bình thường.
Điều này đồng nghĩa với ít việc hơn cho công nhân bốc dỡ, tài xế xe tải như Diaz hay nhân viên nhà kho. Các doanh nghiệp địa phương như nhà hàng, đại lý xe tải và gara sửa chữa cũng chịu ảnh hưởng dây chuyền, phải cắt giảm giờ làm và nhân sự.
“Khi cảng Los Angeles bận rộn, chúng tôi cũng vậy. Khi cảng chững lại, công việc của chúng tôi cũng chậm lại”, ông John Bagakis, đồng sở hữu tiệm Big Nick’s Pizza ở San Pedro – chỉ cách cảng nửa dặm – cho biết. Ông nói doanh thu đã giảm khoảng 15%.

Theo giới chức cảng Los Angeles, trung bình cứ 4 container hàng cập cảng sẽ tạo ra một việc làm tại Mỹ. Liên đoàn Công nhân Bốc xếp và Kho bãi Quốc tế (ILWU) cho biết công nhân toàn thời gian hiện chỉ làm việc 3-4 ngày/tuần, thay vì 5-6 ngày như trước. Còn với lao động bán thời gian, “gần như không có cơ hội làm việc”, ông Gary Herrera, Chủ tịch ILWU khu vực Nam California, cho biết.
Một góc bến cảng vốn tấp nập giờ đây trống vắng, vắng bóng các container chất chồng như thường lệ. Tổ hợp cảng này rộng tới 7.800 mẫu Anh – bằng nửa diện tích Manhattan – với mạng lưới đường cao tốc và đường sắt kết nối đến các trung tâm phân phối trong nội địa như Chicago và hầu khắp các thành phố phía Tây sông Mississippi.
Trước khi các mức thuế được áp dụng, các cảng từng ghi nhận lượng hàng nhập gần kỷ lục khi các nhà nhập khẩu tranh thủ đặt hàng sớm. Giờ đây, nhiều mặt hàng như nước sốt cà chua từ Ý hay nước đóng chai từ Trung Quốc đang chất đống trong các kho hàng rộng hơn 18.500m2 ở phía Bắc cảng, chờ được vận chuyển tiếp.
Các nhà kho do công ty Waterfront Logistics vận hành vốn được thiết kế để chuyển hàng nhanh từ container lên xe tải. Nhưng hiện nhiều doanh nghiệp đang tận dụng làm kho lưu trữ dài hạn do kho riêng đã quá tải.

“Lúc hàng hóa tồn kho, nhu cầu nhân công tuyến đầu như lái xe nâng, công nhân nhà kho và tài xế xe tải cũng giảm theo”, ông Weston LaBar, Giám đốc Chiến lược của Waterfront Logistics, chia sẻ.
Các doanh nghiệp địa phương cũng đang thắt chặt chi tiêu. Ông Vincent Passanisi, chủ công ty Santa Fe Importers tại Long Beach – chuyên cung cấp thịt và phô mai Ý – cho biết doanh thu giảm 15-20% do các công ty logistics cắt giảm chi tiêu vì ảnh hưởng từ thuế.
Nếu ông Trump thực sự áp mức thuế 50% lên hàng hóa châu Âu, “mảng kinh doanh này của tôi sẽ bị hủy diệt. Không ai sẽ mua bánh quy hay nước sốt Ý với mức giá cao như vậy khi có các lựa chọn rẻ hơn”, Passanisi nói.

Ông đã phải cắt giảm 20% thời gian làm việc của khoảng 50 công nhân sản xuất và cho các nhân viên quầy thực phẩm chế biến sẵn về sớm do không còn nhiều khách hàng là công nhân cảng hay tài xế như trước.
Khu vực Inland Empire ở phía Đông Los Angeles, trung tâm kho bãi lớn nhất miền Nam California, từng chứng kiến bùng nổ lao động với gần 140.000 người làm việc trong lĩnh vực hậu cần năm 2022 – tăng vọt từ mức chỉ 7.340 người cách đây 20 năm.
Vợ của tài xế Diaz cũng làm việc tại một nhà kho ở đây cho một hãng giày lớn, lương 18 USD/giờ. Cô lo lắng sẽ bị sa thải nếu tình hình tiếp tục xấu đi.
Một chút hy vọng có thể đến từ việc Trung Quốc giảm thuế đối với hàng hóa Mỹ từ 145% xuống còn 30%, giới chức cảng cho biết. Nhưng theo ông Gene Seroka, Giám đốc Điều hành Cảng Los Angeles, mức giảm này vẫn không đủ để đưa hoạt động cảng trở lại bình thường. “Mức thuế 30% vẫn quá cao với nhiều nhà nhập khẩu, và triển vọng thương mại vẫn đầy bất định”, ông nói.
Ông Stephen Cheung, người đứng đầu Tổ chức Phát triển Kinh tế Quận Los Angeles, nhận định: “Với việc cảng Los Angeles-Long Beach xử lý khoảng 35% hàng hóa đường biển của cả nước và đối tác số một là Trung Quốc, chúng tôi bị ảnh hưởng nặng nề hơn bất kỳ khu vực nào khác. Đó là điều khiến tôi mất ngủ mỗi đêm”.
Tham khảo WSJ
Không chờ đợi Mỹ: 2 siêu cường rốt ráo đàm phán thương mại, gặp nhau 3 lần trong 3 tháng
Trung Quốc viết lại 'Made in China 2025', phản đòn chiến lược tách rời của Mỹ