Xe

Thành phố Hồ Chí Minh sắp ‘chốt’ thời gian chuyển đổi 400.000 xe xăng, chuyên gia chỉ ra thách thức lớn nhất cần giải quyết

Châu Sa 28/07/2025 04:00

TP.HCM đang từng bước triển khai kế hoạch chuyển đổi khoảng 400.000 xe máy xăng sang xe điện, tập trung vào lực lượng tài xế công nghệ và giao hàng.

Theo Báo VOV, TP. HCM đang triển khai kế hoạch chuyển đổi toàn bộ khoảng 400.000 xe máy chạy xăng sang xe điện, tập trung vào lực lượng tài xế công nghệ và giao hàng. Để đáp ứng mục tiêu này, thành phố sẽ mở rộng hạ tầng sạc lên gấp 5 lần hiện tại, với khoảng 3.000 điểm sạc và đổi pin công cộng trước năm 2028.

Lộ trình 4 giai đoạn, kết thúc năm 2029

Theo Đề án chuyển đổi xe máy xăng sang xe điện do Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM (HIDS) xây dựng, quá trình “xanh hóa” đội ngũ xe máy công nghệ sẽ diễn ra theo 4 giai đoạn, hướng đến cấm hoàn toàn xe xăng trong lĩnh vực này từ cuối năm 2029.

Thành phố Hồ Chí Minh sắp ‘chốt’ thời gian chuyển đổi 400.000 xe xăng, chuyên gia chỉ ra thách thức lớn nhất cần giải quyết
TP. HCM đang lên lộ trình "xanh hoá" 400.000 xe máy. Ảnh: Tổng hợp

Giai đoạn 1 (từ tháng 1/2026): Thành phố bắt đầu áp dụng các chính sách khuyến khích chuyển đổi phương tiện, như miễn thuế VAT, miễn lệ phí trước bạ và hỗ trợ lãi suất vay mua xe điện ở mức 2%. Cũng từ thời điểm này, các ứng dụng gọi xe sẽ không được ký hợp đồng mới với xe xăng.

Giai đoạn 2 (từ tháng 1/2027): Xe máy xăng bị hạn chế hoạt động trong giờ cao điểm tại các khu vực được xác định là vùng phát thải thấp.

>> Từ tháng 1/2026 sẽ chuyển sang dùng loại xăng hoàn toàn mới: Ô tô, xe máy nào sẽ tương thích?

Giai đoạn 3 (từ tháng 1/2028): Thành phố siết chặt các quy định về kiểm soát khí thải đối với xe xăng, đồng thời ngừng ưu đãi thuế VAT và lệ phí trước bạ, chỉ giữ lại chính sách hỗ trợ lãi suất vay mua xe điện.

Giai đoạn 4 (từ tháng 12/2029): Xe máy chạy xăng bị cấm hoàn toàn khỏi hoạt động giao hàng và gọi xe công nghệ.

Ông Lê Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Tư vấn Ứng dụng Kinh tế (HIDS) - cho biết trên VOV, năm 2026 sẽ là thời điểm khởi động với mục tiêu thay thế khoảng 30% lượng xe máy công nghệ, tương đương 120.000 xe.

Đến năm 2027, mục tiêu là đạt mức chuyển đổi 80%, tương đương 320.000 xe. Đây sẽ là giai đoạn cao điểm với nhiều chính sách ưu đãi mạnh mẽ.

Ngoài ra, thành phố cũng lên kế hoạch thiết lập hạn ngạch phát thải cho doanh nghiệp, xây dựng các khu vực giao hàng xanh và giới hạn hoạt động xe xăng trong giờ cao điểm tại các trục giao thông chính.

Đẩy mạnh hạ tầng sạc – yếu tố then chốt

VOV dẫn lời ông Hải, một trong những mối quan tâm lớn nhất của lộ trình chuyển đổi là hạ tầng sạc.

Hiện TP.HCM mới có khoảng 600 trạm sạc công cộng do VinFast triển khai và 50 trạm đổi pin của Selex, phần lớn tập trung ở chung cư, trung tâm thương mại. Con số này chỉ đáp ứng chưa đến 10% nhu cầu khi chuyển đổi toàn bộ 350.000–400.000 xe máy.

Thành phố Hồ Chí Minh sắp ‘chốt’ thời gian chuyển đổi 400.000 xe xăng, chuyên gia chỉ ra thách thức lớn nhất cần giải quyết
Ông Hải cho rằng, hạ tầng sạc chính là mối quan tâm lớn nhất trong lộ trình "xanh hoá" của TP. HCM. Ảnh: Tổng hợp

Để giải quyết vấn đề, TP.HCM đặt mục tiêu đến cuối năm 2028 sẽ có ít nhất 3.000 trạm sạc và đổi pin công cộng. Các trạm này sẽ được phân loại và bố trí hợp lý để phục vụ đặc thù hoạt động của tài xế công nghệ: Trạm sạc nhanh (trên 60kW) tại bãi đỗ xe lớn; Trạm đổi pin siêu tốc (thay pin dưới 90 giây) tại các điểm giao hàng trọng điểm; Sạc chậm (3,3kW) tại nhà xe chung cư – nơi tài xế có thể sạc qua đêm.

Phạm vi phục vụ cũng được tính toán cụ thể: bán kính dưới 800m trong nội thành và dưới 2km tại các tuyến logistics liên tỉnh.

Đề án còn thúc đẩy phát triển mô hình trạm sạc tích hợp đa phương tiện, chia sẻ mặt bằng và hạ tầng điện, ưu tiên triển khai trên đất công gần các nút giao thông. Cấu hình tiêu chuẩn sẽ bao gồm cả sạc nhanh, sạc chậm và tủ đổi pin.

Tổng công ty Điện lực TP.HCM sẽ nâng cấp lưới điện ở các khu vực có nguy cơ quá tải trong giai đoạn 2025–2027. Song song, thành phố sẽ triển khai hệ thống lưu trữ điện tại các depot xe buýt điện và trung tâm logistics, tận dụng năng lượng mặt trời ban ngày để sạc xe vào ban đêm.

Ngành điện cũng kiến nghị áp dụng biểu giá linh hoạt cho trạm sạc hai bánh: giảm 30% giá điện ban đêm (23h–5h) và phụ thu 20% vào giờ cao điểm (17h–21h), nhằm khuyến khích người dùng sạc vào thời điểm thấp tải.

>> Mẫu ‘siêu xe máy điện’ của Yamaha giảm tới 16,2 triệu đồng: Đi xa tới 144km, thiết kế tương lai, động cơ êm ái, vận hành thông minh

Hãng Việt có 2 nhà máy ở Lạng Sơn bán xe điện giá 20 triệu, đổi pin ở trạm khắp Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng

Hai khu vực ở TP.HCM sẽ tiên phong chỉ cho đăng ký xe mới chạy điện hoặc nhiên liệu sạch

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thanh-pho-ho-chi-minh-sap-chot-thoi-gian-chuyen-doi-400000-xe-xang-chuyen-gia-chi-ra-thach-thuc-lon-nhat-can-giai-quyet-297727.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thành phố Hồ Chí Minh sắp ‘chốt’ thời gian chuyển đổi 400.000 xe xăng, chuyên gia chỉ ra thách thức lớn nhất cần giải quyết
    POWERED BY ONECMS & INTECH